Để có cái nhìn chính xác về bài viết, hãy xét ví dụ sau: Bạn thấy sao khi trả đủ tiền để mua về một chiếc xe mới coóng, nhưng lại được người bán lại mách nhỏ rằng chiếc xe này còn có thể chạy nhanh hơn vì có tới 100 mã lực đang "bị khóa" và phải một thời gian nữa nhà sản xuất mới "mở khóa" cho 100 con ngựa này?
Trên thực tế, những mẫu xe sắp được bán ra trên thị trường sẽ có rất nhiều tính năng ẩn như vậy, và người dùng sẽ chỉ có thể sử dụng khi nhà sản xuất phát hành bản cập nhật.
"TRANG BỊ TRƯỚC", CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI
Các mẫu xe hiện đại sẽ được trang bị nhiều tính năng ẩn.
Thật vậy, rất nhiều mẫu xe đời mới, hiện đại ngày nay được tính toán và thiết kế để thực hiện được rất nhiều chức năng, tác vụ tân tiến với hệ điều hành phần mềm mới nhất, đi kèm với các chi tiết phần cứng tương xứng. Nhưng ngay khi mới mua chiếc xe về, người dùng sẽ không có cơ hội để trải nghiệm những tính năng đó, và giả như người đó thường xuyên đổi xe thì chắc sẽ không bao giờ được trải nghiệm.
Trong trao đổi với tạp chí Autocar, ông Ned Curic, Giám đốc Công nghệ của tập đoàn xe Stellantis cho biết: "Chúng tôi thường xuyên trang bị trước [cho các mẫu xe của mình]."
"Trang bị trước" là cách diễn đạt của Ned Curic khi nói tới việc gắn lên chiếc xe những thiết bị, bộ phận hoặc trang bị những tính năng mà chưa thể sử dụng được ngay - có thể nói là trang bị thừa mứa.
Ông Ned Curic nói tiếp: "Chúng tôi đang trang bị trước cho chiếc xe nhiều hơn về phần cứng để sau này chỉ cần cập nhật phần mềm là có thể sử dụng được, ví dụ là trang bị 2 camera ở bên trong xe mà sẽ chưa cần thiết sử dụng ở thời điểm hiện tại."
Ned Curic không thích cách nói "trang bị thừa mứa", ông cho rằng chẳng có gì là thừa cả, ông thích nói rằng đó là để chuẩn bị trước cho tương lai.
Ngày càng nhiều mẫu xe có thể cập nhật từ xa.
Không chỉ tập đoàn Stellantis làm như vậy, rất nhiều nhà sản xuất xe khác trên thế giới cũng làm tương tự khi họ trông thấy giá trị khổng lồ mà cập nhật phần mềm từ xa (Over-the-air Update, thường được gọi là OTA) có thể mang lại cho chiếc xe trong suốt vòng đời, và cũng có thể bán cho người dùng các tính năng mới, bất kể người sở hữu chiếc xe hiện tại mua chiếc xe khi nó còn mới hay mua qua tay người khác.
Công ty tư vấn CapGemini đã dự đoán rằng tỷ suất lợi nhuận từ việc bán phần mềm có thể tăng từ 8% hiện nay lên 22% trong một thập kỷ nữa, tương đương khoảng 640 triệu USD (gần 15 tỷ đồng theo tỷ giá hiện nay).
Như đã nhắc tới, việc cập nhật phần mềm này sẽ diễn ra từ xa, qua kết nối Internet của chiếc xe với máy chủ của nhà sản xuất, tất nhiên là chỉ khi nhà sản xuất phát hành bản cập nhật thì mới có thể cập nhật. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hệ thống máy tính trên chiếc xe phải đủ mạnh để tiếp nhận và vận hành bản cập nhật đó. Trong con mắt của những người viết phần mềm, "đủ mạnh" dường như là khái niệm nhiều mơ hồ.
Ông Nakul Duggal là người đứng đầu bộ phận phát triển chip dành cho ô tô ở công ty công nghệ Qualcomm, cho biết: "Chúng tôi luôn trang bị cho chiếc xe nhiều hơn những gì mà chiếc xe cần".
BMW đã ký hợp đồng với Qualcomm để trang bị chip Snapdragon lên xe.
Trên thực tế, Qualcomm đã đặt bút ký hợp đồng với nhiều nhà sản xuất xe, trong đó có Stellantis và BMW, để trang bị bộ chip Snapdragon lên các mẫu xe của họ, biến xe ô tô thành những thiết bị giống với những chiếc smartphone Android chạy chip Qualcomm.
So với ô tô, điện thoại thông minh có tuổi đời ngắn hơn rất nhiều, và trong cuộc đua phát triển công nghệ, những con chip được sản xuất ra rất mau chóng trở nên lỗi thời. Điều tương tự mặc nhiên sẽ xảy ra với ô tô. Năm 2019, Tesla thông báo rằng hãng sẽ thay thế chip cho các mẫu xe đời cũ để những chiếc xe đó đủ năng lực vận hành hệ thống lái bán tự động Full-Self Driving. Được biết, Tesla là một trong những hãng xe tiên phong trong việc áp dụng OTA cho xe ô tô. Đương nhiên, chỉ những khách hàng nào trả tiền để mua bộ phần mềm Full-Self Driving thì mới được Tesla thay chip miễn phí.
Người đứng đầu bộ phận phát triển chip cho ô tô của Qualcomm, Nakul Duggal, đầy tích cực khi cho rằng sẽ không bỏ rơi chip đời cũ: "Vì cho ra sản phẩm mới thường xuyên, sẽ luôn có phần mềm tương thích với chip thế hệ trước."
Nakul Duggal: Qualcomm sẽ không bỏ rơi chip thế hệ cũ.
XE CHƯA HOÀN THIỆN VẪN BÁN RA ĐƯỢC
Lĩnh vực xe tự hành là mảng công nghệ mà gần như toàn bộ các hãng xe đang "trang bị trước" để khi công nghệ và luật pháp sẵn sàng (và cả khi thu đủ tiền), hãng chỉ cần bật công tắc là xong. Có thể lấy ví dụ với hãng xe thể thao từ Anh quốc - Lotus, hãng đã trang bị cho mẫu SUV điện Eletre 4 cảm biến LiDAR mà hãng nói rằng "để chuẩn bị trước cho tương lai", giúp chiếc xe đạt được tự lái cấp độ 4 trên thang 5 cấp độ của SAE.
Bentley là một hãng xe khác cũng đang chuẩn bị trước cho tương lai với mẫu xe điện sắp ra mắt của hãng. Giám đốc Điều hành Adrian Hallmark cho biết: "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng gói trang bị phần cứng sẽ sẵn sàng từ năm 2025". Bentley đang chuẩn bị trang bị cho những chiếc xe của mình một hoặc hai cụm cảm biến LiDAR, chỉ khác ở chỗ cụm cảm biến LiDAR này sẽ được sử dụng ngay từ ban đầu mà chưa cần cập nhật phần mềm.
Tuy nhiên, với cụm cảm biến LiDAR rất mạnh trong việc hỗ trợ hệ thống tự lái, người lái còn lâu mới được phép rời tay khỏi vô lăng, ít nhất từ nay cho tới giữa thập kỷ này; cụm cảm biến LiDAR sẽ làm việc ngầm. CEO của Bentley, Adrian Hallmark, cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ trang bị một vài công nghệ lên trước, nhưng sẽ chỉ sử dụng để thu thập dữ liệu, dùng để dạy thuật toán và giúp chúng tôi hiểu hơn về cách mà chiếc xe vận hành."
Một số tính năng của Bentley sẽ được vận hành ngầm, phục vụ việc phát triển thuật toán.
Cảm biến LiDAR hẳn là một trong những "trang bị trước" đắt đỏ nhất, nhưng "trang bị trước" không nhất thiết phải quá tốn kém tới vậy, ngay cả khi chưa chắc đã dùng hết khả năng mà chiếc xe được trang bị cho.
Ông Ned Curic, Giám đốc Công nghệ của tập đoàn xe Stellantis, cho hay: "Nghe chừng có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng khi thực hiện trên các nền tảng đồng bộ thay vì đơn lẻ từng chiếc xe thì sẽ tiết kiệm hơn."
Trước đây, các hãng xe thường cố gắng chắp vá công nghệ số lên nền tảng xe sử dụng động cơ đốt trong, nhưng hiện tại thì họ đang xây dựng các hệ thống máy tính hiệu quả hơn, có thể sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau. Ví dụ như hệ thống STLA Brain của Stellantis, dự kiến sẽ được trang bị trên các mẫu xe của Maserati từ năm 2024, sau đó là "hàng triệu" xe từ 14 hãng xe trực thuộc Stellantis từ năm 2026.
STLA Brain dự kiến sẽ được phổ cập trên các mẫu xe từ 14 hãng xe trực thuộc Stellantis.
Thế nhưng, bất luận tính kinh tế quy mô có ra sao đi chăng nữa khi trang bị hàng loạt như vậy, đến một mức nào đó vẫn sẽ phải biến đổi. Rõ ràng, các mẫu xe thuộc phân khúc phổ thông không cần tới những tính năng mỹ miều vậy, còn những mẫu xe xa hoa hơn tất nhiên cần phải thực hiện được những tính năng vô cùng tân tiến.
Từ năm 2025, nền tảng Neue Klasse của BMW sẽ đi kèm với khả năng tự lái cấp độ 2+, nhưng sẽ có tùy chọn vận hành ở cấp độ 3 mà ở đó người lái có thể buông tay khỏi vô lăng. Nền tảng này sẽ trang bị cảm biến LiDAR "cho các mẫu xe thuộc phân khúc cao hơn". Đó là theo lời giới thiệu của người đứng đầu bộ phận trải nghiệm lái của tập đoàn BMW, ông Nicolai Martin.
BMW trang bị LiDAR cho các mẫu xe của mình.
Bàn về cách "trang bị trước" này với hệ thống máy tính thừa thông minh, quá thừa cảm biến mà lại chẳng được dùng ngay, một số người có thể sẽ có cảm giác rằng họ đang cầm lái một chiếc xe chưa hoàn thiện. Hãng xe NIO của Trung Quốc đã từng thừa nhận rằng họ đã "bàn giao những chiếc xe với một số tính năng hỗ trợ lái nâng cao NIO Pilot được vô hiệu hóa", và rồi sẽ được kích hoạt khi sẵn sàng.
Không chỉ có NIO, Volkswagen năm 2020 cũng đã cho ra mắt mẫu xe điện Volkswagen ID.3 ban đầu thiếu một số tính năng, và được bổ sung vào năm sau đó bằng cách cập nhật phần mềm. Chiếc xe và phần cứng có thể đã sẵn sàng, nhưng phần mềm thì mới phát triển tới giai đoạn MVP (Minimum Viable Product) - giai đoạn sản xuất các sản phẩm mẫu để thu thập ý kiến từ khách hàng.
BMW cũng tương tự khi đầu năm nay, họ bán ra nhiều xe mà không được trang bị Apple Car Play hay Android Auto, biện hộ rằng họ đổi nhà cung ứng chip bán dẫn, nên cần viết lại phần mềm mới. BMW trấn an khách hàng rằng các tính năng chưa khả dụng sẽ sớm được cập nhật "chậm nhất vào cuối tháng 6".
Thay vì được hoàn thiện toàn bộ ngay tại nhà máy sản xuất, ô tô hiện đại đang là các sản phẩm từ từ được hoàn thiện.
Tesla là một trong những hãng xe tiên phong trong việc cập nhật phần mềm từ xa.
"TRANG BỊ TRƯỚC": NÊN HAY KHÔNG?
Một số tính năng phần mềm và phần cứng được tích hợp sẵn trên xe từ nhà máy, nhưng người dùng phải trả tiền để được sử dụng. Mô hình kinh doanh này dựa trên việc trả phí thường kỳ hoặc trả một lần, và nó đang gây ra nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng đang có nhiều hơn các hãng xe thực hiện mô hình này. Hãng xe mới nhất tuyên bố áp dụng mô hình này là Smart: Người dùng trả tiền để sử dụng tính năng sưởi vô lăng.
Ở chiến tuyến khác, Jaguar Land Rover đang cho thấy họ không ủng hộ cách làm này. Phát biểu tại Hội nghị Tương lai của Xe hơi do Tạp chí Thời báo Tài chính (Financial Times) tổ chức hồi tháng 5, ông Gianmarco Brunetti, một nhân sự cấp cao của Jaguar Land Rover, cho biết: "Lịch sử của chúng tôi cho thấy rằng khác hàng không hài lòng khi chúng tôi tự vô hiệu hóa gì đó rồi lại bắt họ trả tiền. Đây không phải là điều hướng tới lợi ích khách hàng."