Điều khiến Nghiêm Xuân Tú khó lòng thành công trên đất Đức

Đoàn Dự |

Có người nói rằng vui, vì Nghiêm Xuân Tú được sang Đức thuần túy về mặt chuyên môn, chứ không như… ai kia ở HAGL vì vấn đề kinh tế và "ty tỷ" thứ bên lề khác.

Nhưng, vấn đề là đi như Nghiêm Xuân Tú liệu có tốt bằng 3 ngôi sao của HAGL?

Thứ nhất, có đúng là thương vụ của Nghiêm Xuân Tú thuần túy chỉ vì chuyên môn?

Câu trả lời là KHÔNG. Nếu đọc kĩ các thông tin liên quan về sự kiện này, sẽ dễ dàng nhận thấy CLB Kaiserslautern (Bundesliga) chọn Xuân Tú phần nhiều vì mối quan hệ thân thiết, những lời "quảng cáo" về thị trường bóng đá Việt Nam của anh Nguyễn Đắc Văn.

Đây là một người Việt sống tại Đức, làm trong lĩnh vực môi giới cầu thủ bóng đá, và có quan hệ thân thiết với Tuấn Hưng. Mà Tuấn Hưng lại chơi rất thân với Nghiêm Xuân Tú.

Thứ hai, không phủ nhận thời gian qua, bóng đá Đức đã bắt đầu để ý đến thị trường Việt Nam. Cần phải biết dù Kaiserslautern từng 4 lần vô địch, nhưng CĐV tại dải đất chữ S còn được Dortmund, CLB đã 8 lần vô địch Đức, thường xuyên chúc mừng bằng tiếng Việt.

Và thứ ba, Nghiêm Xuân Tú mới chỉ được mời sang thử việc trong khoảng 10 ngày, điều ấy không hề đồng nghĩa với việc cầu thủ Than Quảng Ninh có thể trụ lại giải bóng đá đang được đánh giá hấp dẫn, cạnh tranh thứ 4, 5 châu Âu.

Điều khiến Nghiêm Xuân Tú khó lòng thành công trên đất Đức - Ảnh 1.

 Nghiêm Xuân Tú may mắn và tất nhiên xứng đáng với cơ hội sang thử việc ở Kaiserslautern nhưng đây không thuần túy là câu chuyện về chuyên môn!

Tất cả những điều trên không phải để đánh giá thấp Nghiêm Xuân Tú mà chỉ ra thực tại, rằng một cầu thủ Việt Nam của chúng ta có cơ hội hiếm hoi sang thử việc ở Bundesliga cũng vì ty tỷ lý do bên lề, và cá nhân Nghiêm Xuân Tú sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Bóng đá mà không có kinh tế, có hậu thuẫn và PR thì… vứt!

Đấy là những thứ mà 3 ngôi sao của HAGL có, nhưng Nghiêm Xuân Tú thì không. Nhưng đừng vội chê 3 cầu thủ phố Núi nhé.

Chúng ta vẫn đang ngưỡng mộ Thái Lan, vì họ có hẳn 1 lứa trẻ được cho sang Anh, đào tạo tại Leicester City. Nhưng chúng ta quên mất rằng, chưa biết lứa trẻ ấy tài năng hay đã phát triển đến đâu, lý do ban đầu họ được sang Đảo quốc sương mù chỉ vì ông chủ Bầy cáo là một người Thái!

Hoặc như siêu sao một thời của Man United, Park Ji Sung, xuất phát điểm đến Old Trafford cũng một phần nằm trong mục đích đánh chiếm thị trường châu Á của Quỷ đỏ.

Nếu không vì thế, Park đã không nằm trong danh sách chuyển nhượng của Sir Alex và không có một sự nghiệp đáng ghen tỵ đến vậy với Man United.

Điều khiến Nghiêm Xuân Tú khó lòng thành công trên đất Đức - Ảnh 2.

 Nhờ khả năng, nỗ lực và... nhiếu thứ nên hôm qua, Xuân Trường đã trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi tại giải đấu cao nhất Hàn Quốc.

Nhìn sang lứa trẻ HAGL, HLV lão làng Lê Thụy Hải từng nhận định cả Việt Nam cũng không có ai đủ khả năng chơi tại J-League 2.

"Thực tế, Việt Nam không có cầu thủ nào đạt điều kiện chơi tại J-League 2 cả. Dù chỉ là giải hạng 2 của Nhật Bản, nhưng họ có trình độ cao hơn V-League rất nhiều".

Vậy Nghiêm Xuân Tú dù hay, dù dày dặn hơn 3 đàn em phố Núi đi nữa, liệu có đủ khả năng chơi tại Bundesliga, hoặc 1 giải đấu thấp hơn nào đó tại Đức mà Kaiserslautern có đội "nhỏ" tham dự?

Câu trả lời sẽ là rất khó. Nhưng như nhiều chuyên gia vẫn nói, chúng ta không đủ khả năng chơi bóng, không có nghĩa việc "du học" không mang lại hiệu quả.

Điều khiến Nghiêm Xuân Tú khó lòng thành công trên đất Đức - Ảnh 3.

"Có cơ hội thì cứ đi" – HLV Phan Thanh Hùng

Chỉ riêng việc được tập luyện ở các môi trường bóng đá cao hơn đã giúp ích nhiều cho cầu thủ Việt Nam. Và tất nhiên mỗi trận may mắn được ra sân là những cọ xát bổ ích, quý giá hơn nữa.

Công Vinh từng sang Bồ Đào Nha và phải cay đắng chia sẻ rằng, môi trường bóng đá nơi đây rất khắc nghiệt.

"Tôi nói một điều sự thật là ở châu Âu người ta rất kỳ thị người (cầu thủ) châu Á. Mình phải tự túc tất cả, kể cả việc tự nấu cơm ăn vì ở bên đó cầu thủ không sống tập trung, sau giờ tập và thi đấu thì ai về nhà nấy.

Khi mình đến đội, không ai chào đón mình cả, trong suốt 2 tháng đầu ra sân tập, họ không chuyền bóng cho mình luôn nên chỉ toàn chạy không mà thôi".

Điều khiến Nghiêm Xuân Tú khó lòng thành công trên đất Đức - Ảnh 4.

 Công Vinh được chào đón tại Sapporo không chỉ vì chuyên môn.

Lạ một điều là khi sang Sapporo, CV9 lại được đón tiếp khác hẳn.

"Khi mình đến sân Sapporo rồi đến CLB, tất cả mọi người đều chào đón mình nồng nhiệt. Cả đội bóng ai cũng biết tên mình cả. Họ được lãnh đạo CLB thông báo trước mình là ai, từ đâu đến và thành tính chơi bóng ra sao.

Khi ra sân, dù chưa đá phút nào nhưng các CĐV Nhật họ chào đón mình, vỗ vai động viên mình "Cố gắng lên" làm mình vô cùng xúc động, nó khiến mình có cảm giác đây là gia đình của mình vậy".

Không phủ nhận người Nhật (và cả Hàn Quốc) cùng chung châu Á nên thói quen, cách nhìn nhận với cầu thủ Việt Nam có thể khác so với châu Âu, nhưng ở đây có điểm khác biệt lớn.

Khi Công Vinh sang châu Âu, anh chỉ là một cầu thủ "vô danh" đến thuần túy về chuyên môn. Nhưng khi anh đến Nhật Bản, còn được gửi gắm tham vọng mở rộng thị trường đến Đông Nam Á của CLB J-League 2, cũng như mang về các khoản tài trợ từ Việt Nam.

Điều khiến Nghiêm Xuân Tú khó lòng thành công trên đất Đức - Ảnh 5.

 Công Phượng rất được yêu mến ở Nhật Bản.

Điều ấy giống với trường hợp Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường. Không ai phủ nhận việc 3 cầu thủ này được ra sân cũng nhờ chuyên môn và quyết tâm, nhưng bên cạnh đó yếu tố kinh tế và PR chi phối rất lớn.

Chẳng hề gì. Điều quan trọng là được ra sân, rồi khi ấy mới tính đến chuyện sẽ thể hiện thế nào. Mà thực tế trong 8 phút chơi cho Mito hay 61 phút của Xuân Trường cho Incheon United hôm qua, 2 cầu thủ này thể hiện đâu có tệ!

"Đối với tôi, K-League mang đẳng cấp rất cao. Tôi có cảm giác giống như mình được chơi bóng tại châu Âu vậy. Tôi tạm hài lòng với màn ra mắt này. Trước trận, tôi chỉ có 5,6 ngày chuẩn bị do chấn thương" – Xuân Trường chia sẻ sau màn ra mắt lịch sử (lần đầu tiên một cầu thủ VN chơi tại giải đấu cao nhất Hàn Quốc).

60 phút thi đấu đầu tiên của Lương Xuân Trường cho Incheon United tại K-League Classic

Với bầu Đức đứng phía sau, với việc kiếm về nhiều hợp đồng quảng cáo và được không ít NHM Nhật, Hàn yêu quý, không lạ khi Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường rồi sẽ được CLB, đồng đội ở nước ngoài tôn trọng.

Theo đó, những cơ hội rồi sẽ đến với họ, để học hỏi và mong tận dụng tốt rồi khẳng định bản thân.

Nghiêm Xuân Tú sẽ khó có những điều đó. Nhưng không sao, sang Đức đã là một may mắn, nên cứ "chiến" thôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại