Không lực Một là tên được đặt cho bất kỳ máy bay nào thuộc không quân Mỹ mà Tổng thống Mỹ có mặt tại thời điểm đó. Trái với nhầm tưởng của nhiều người, Không lực Một thật ra là một cặp sinh đôi, với những thiết kế và cải tiến dành riêng cho ông chủ Nhà Trắng.
Dưới đây là video toàn cảnh "pháo đài" Không lực Một:
Ngoài những thông số và đặc điểm ấn tượng, nhờ trọng trách đặc biệt của mình, Không lực Một cũng sở hữu nhiều điều thú vị cũng như gây tranh cãi khác.
Không lực Một - máy bay giàu lịch sử nhất thế giới?
Chính trong chuyên cơ của mình, lần đầu tiên một Tổng thống đã khỏa thân trả lời báo chí. Nhà báo Frank Cormier, tác giả của cuốn sách "LBJ: Con người thực của ông", là một trong ba phóng viên được mời vào cuộc họp báo phục vụ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Johnson trên Không lực Một năm 1964.
Đúng là chẳng phải ngày nào ta cũng được chứng kiến cảnh Tổng thống Mỹ, một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới, vừa thay quần áo vừa trả lời câu hỏi về tình hình kinh tế lúc bấy giờ, "thậm chí còn tinh nghịch vẫy khăn trêu chọc các nhà báo", ông Cormier miêu tả.
Chưa tới một năm sau cuộc phỏng vấn đáng nhớ đó, Johnson lại chính thức tuyên thệ nhận chức Tổng thống trên cùng một chiếc máy bay.
Ngày 22/11/1963, ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas, cột mốc quan trọng trong lịch sử Mỹ, 27 người đã phải chen chúc trong căn phòng nhỏ trên Không lực Một tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống. Chủ trì buổi tuyên thệ là thẩm phán Sarah T. Hughes, người phụ nữ duy nhất được điều hành lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Johnson cùng phu nhân (bên trái) và phu nhân của Tổng thống Kennedy (bên phải) trong buổi tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Getty
Không lực Một cũng chứng kiến cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ năm 1972, mở cửa cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tạo bước đệm về địa chính trị cho Washington trong cuộc đàm phán về vũ khí với Liên Xô.
Chẳng cần tới đoàn tiêm kích hộ tống, vẫn an toàn hơn cả Nhà Trắng!
"Chỉ huy đội bay Không lực Một, Đại tá David Banholzer, phi công Tổng thống thứ 14 chỉ ra rằng xét về độ an toàn, "Nhà Trắng trên không" còn vượt qua phiên bản trên mặt đất của mình.
"Không gian xung quanh chúng tôi luôn được đảm bảo, vậy nên có thể nói, nhờ khả năng di động, chúng tôi sở hữu mức độ an toàn mà Nhà Trắng không thể có được." - Ông Banholzer giải thích
Bên cạnh một số chi tiết kỹ thuật đã được biết tới rộng rãi, đâu đó vẫn tồn tại tin đồn về đặc tính phục vụ việc bảo vệ an toàn cho Tổng thống trên chiếc chuyên cơ đặc biệt này.
Năm 1997, Hollywood cho ra mắt bộ phim ăn khách mang tên Không lực Một. Trong đó có nhắc tới một thiết bị kén thoát hiểm cho Tổng thống trong trường hợp khẩn cấp khi chuyên cơ bị tấn công hoặc gặp tai nạn. Rất nhiều lời đồn đoán đã được đưa ra xoay quanh chiếc kén bí ẩn này.
Tuy nhiên, ông Banholzer khẳng định chắc nịch rằng thiết bị đó chẳng hề tồn tại.
Cảnh trong "Không lực Một", bộ phim được các chuyên gia về chuyên cơ Tổng thống đánh giá là viễn tưởng hoàn toàn.
"Một khi đã cất cánh, Không lực Một sẽ hạ cánh an toàn. Xin lỗi vì đã khiến mọi người thất vọng." - Ông nói.
Thông thường, Không lực Một không có các máy bay tiêm kích đi theo hộ tống.
Lý do được ông Kenneth Walsh đưa ra trong cuốn sách mang tên: "Không lực Một: Lịch sử về các Tổng thống Mỹ và chuyên cơ của họ" là bởi việc bay các chiến đấu cơ trên bầu trời vốn đã rất đông đúc của Mỹ là khá mạo hiểm và ảnh hưởng tới các máy bay dân sự khác.
Ở đây, lợi ích về mặt an ninh đã phải xếp sau mối lo ngại về những bất tiện có thể gây ra cho cuộc sống của những người dân bình thường.
Tuy nhiên, việc này không phải chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Năm 1963, Không lực Một, cùng 50 chiếc máy bay tiêm kích hộ tống, đã đưa thi thể của Tổng thống John F. Kennedy sau khi bị ám sát về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington.
Đặc biệt, khi gặp trường hợp nguy hiểm, chiếc chuyên cơ này cũng sẽ phải nhờ tới viện trợ. Khi thảm họa 11/9 xảy ra, Không lực Một đã phải điều động các máy bay chiến đấu hộ tống đưa Tổng thống George W.Bush rời khỏi Florida do những đe dọa của một cuộc tấn công thứ hai nhắm vào ông.
Chưa bao giờ phải hạ cánh khẩn cấp, Không lực Một cũng đã đôi lần gặp phải sự cố "dở khóc dở cười".
Trước đây, từng có trường hợp máy bay của Tổng thống Clinton bị mắc kẹt trong bùn và tổ bay đã phải điều động tới chiếc chuyên cơ thứ hai để đưa ông về Nhà Trắng. Sau sự cố này, Clinton đã tức giận tới mức muốn đuổi việc phi công cầm lái lúc đó, nhưng cuối cùng, ông đã không làm vậy.
Bánh xe của Không lực Một bị mắc kẹt trong bùn tại sân bay Willard của Trường đại học Illinois. Ảnh: Getty
Tháng 6/1974, khi Tổng thống Nixon trên đường tới điểm dừng tại Syria, các máy bay tiêm kích nước này đã tiếp cận Không lực Một để hộ tống.
Song thành viên trong tổ bay lại không được thông báo trước, dẫn tới hiểu lầm rằng đây là hành động mang tính tấn công. Không ngần ngại, các phi công lúc đó đã sử dụng đến những kĩ thuật bay trong tình huống khẩn cấp, trong đó có cả biện pháp chúi mũi.
Nhận thấy điều bất thường, Không lực Hoa Kỳ vội vàng thông báo cho tổ bay rằng những tiêm kích trên chỉ mang nhiệm vụ hộ tống và yêu cầu tiếp tục chuyến bay.
Suốt toàn bộ sự việc, Tổng thống Nixon vẫn yên vị tại cabin riêng của mình. Dù không hề để lộ sự bất an, sau này, ông đã tâm sự với một người bạn của mình rằng cựu Tổng thống Mỹ thực sự đã rất bất ngờ và lo lắng trong những giây phút đó.