Didi không thể đón nhận người dùng mới vì ứng dụng gọi xe này đã bị xóa khỏi kho ứng dụng của Trung Quốc.
Didi Chuxing là công ty dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc với gần 500 triệu người dùng và 15 triệu tài xế. Công ty đã huy động được khoảng 4,44 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sàn giao dịch chứng khoán New York vào ngày 30.6.
Vài ngày sau, CAC mở cuộc điều tra liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và nguy cơ rò rỉ dữ liệu người dùng đối với Didi. Kết quả là Didi bị xóa vĩnh viễn khỏi kho ứng dụng của Trung Quốc.
Một nguồn tin từ cơ quan có thẩm quyền ở Bắc Kinh, nói “Didi đã bất chấp để niêm yết tại sàn chứng khoán New York dù chưa đáp ứng các đánh giá bảo mật dữ liệu kỹ lưỡng của CAC.
Nhưng do bảo mật dữ liệu không phải là yếu tố quyết định, Didi vẫn được nhà chức trách Mỹ cho phép niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo nguồn tin giấu tên, CAC sẽ xác minh liệu đợt chào bán cổ phiếu lần đầu của Didi có đe dọa an ninh dữ liệu Trung Quốc hay không.
Nhà chức trách Trung Quốc đã ban hành chỉ dẫn mới vào tối ngày 6.7, liên quan đến việc thay đổi quy định về việc niêm yết các công ty trên sàn chứng khoán nước ngoài. Theo quy định mới, cơ quan quản lý sẽ có tiếng nói trong việc cho phép các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài hay không.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng sẽ cải thiện các quy định về bảo mật dữ liệu và các “luồng dữ liệu xuyên biên giới" cũng như việc xử lý thông tin. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thắt chặt kiểm soát dữ liệu.
Theo SCMP, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng, vấn đề an ninh dữ liệu càng được nhà chức trách Trung Quốc và Mỹ quan tâm đặc biệt.
Mỹ từng cấm ứng dụng TikTok của Trung Quốc vì nghi ngờ thu thập dữ liệu người dùng ở Mỹ. Động thái mới của Trung Quốc đối với Didi được cho là bắt nguồn từ nguyên nhân tương tự, theo SCMP.
Một nguồn tin từ CAC cho biết, cơ quan quản lý sẽ xác minh nguy cơ “các dữ liệu quan trọng của người dân Trung Quốc bị Didi tuồn ra nước ngoài”.
Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên từ Didi cho biết, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang có mâu thuẫn. “Nếu Didi thực sự có vấn đề, cơ quan quản lý đã ngăn chặn thương vụ IPO ngay từ đầu”, nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên, các nhân viên công ty được cho là đã xác nhận việc cơ quan quản lý đề nghị Didi trì hoãn thương vụ IPO. “Didi đã phớt lờ cảnh báo của cơ quan quản lý và có thể đối mặt với nhiều cuộc điều tra”, các chuyên gia cho biết.
Trong tuyên bố ngày 4.7, Didi khẳng định hợp tác với nhà chức trách Trung Quốc và cảm ơn cơ quan quản lý vì đã chỉ ra những thiếu sót.