Khu vực ngập nặng là hai bên suối Cam Ly - Ảnh: P.N.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, trận mưa lớn chiều 1-9 đã khiến một đoạn đường Phan Đình Phùng (phường 2, TP Đà Lạt) thành sông , nước tràn vào nhà gây thiệt hại nhiều tài sản.
Trước đó vào khoảng 15h30, cơn mưa lớn kéo dài đã khiến nước dồn về suối Cam Ly đoạn gần đường Phan Đình Phùng kéo theo nhiều bùn đỏ, rác thải sinh hoạt và nông nghiệp, sau đó nước dâng tràn ra đường Phan Đình Phùng gây ngập nặng.
"Đà Lạt lâm vào hoàn cảnh này, theo tôi đó là hậu quả của việc diện tích bề mặt bị bê tông hóa quá nhiều. Quy hoạch mật độ cây xanh và mặt đất tự nhiên không được kiểm soát nên đã biến thành bê tông hết. Nếu không dừng lại sẽ còn tiếp tục ngập nặng nữa".
Ý kiến bạn đọc Đỗ Tuấn
Điều gì đã xảy ra ở thành phố cao nguyên Lâm Viên - một nơi du lịch nổi tiếng từ ngàn xưa với điều kiện khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi dịu mát quanh năm?
Không tin vào mắt mình, một bạn đọc viết: "Lâu nay nghe tin Hà Nội thành "Hà Lội" hay Hải Dương thành "Hải Dương" (biển cả) thì ta thấy cũng bình thường vì Hà Nội đã từng là đầm lầy mà dấu tích để lại, còn Hải Dương đã từng là cửa biển. Nhưng, nay nghe nóc nhà Đông Dương bị ngập thì thật là bất ngờ".
Trong khi đó, bạn đọc nickname Mr.Rảnh bức xúc: "Hết Phú Quốc, Vũng Tàu là hai nơi gần biển bị ngập, nay tới Đà Lạt - một vùng cao nguyên cũng bị ngập, không hiểu nổi".
Lý giải chuyện bất ngờ này, bạn đọc Đỗ Huỳnh Thanh viết: "Đà Lạt nằm trên cao nguyên, nước mưa thoát dễ dàng xuống suối, sông, hồ vì có độ dốc lớn. Trời mưa gây ngập lụt Đà Lạt thì chỉ có thể khẳng định lúc thi công đường lộ lại làm cống thoát nước có đường kính quá nhỏ, không cân xứng với diện tích bề mặt bị bê tông hóa mặt đất, nên khi mưa lớn nước thoát không kịp gây ngập".
Và, theo bạn đọc này, không riêng gì Đà Lạt, gần như tất cả các phố thị trên cả nước đều bị việc này, bởi chúng ta quy hoạch đô thị không tốt và Luật Xây dựng cũng quá sơ hở để mạnh ai nấy làm.
"Cứ nhìn các đô thị Tây Âu, Mỹ xem, có thấy việc ngập do mưa lớn đâu; chỉ bị khi bão lũ thôi, họ làm bài bản hơn Việt Nam nhiều" - bạn đọc Đỗ Huỳnh Thanh viết.
Trong khi đó, nhìn vào tình hình thực tế hiện nay của Đà Lạt, một số bạn đọc chỉ thẳng nguyên nhân ngập lụt là do mật độ xây dựng quá cao và quy hoạch quá kém.
"Mật độ xây dựng quá cao trong những năm gần đây và quyết định quy hoạch sai lầm cho xây cao trên 19m toàn thành phố đã dẫn đến những tình trạng không kiểm soát được về hệ thống hạ tầng đô thị" - bạn đọc Nguyễn Đức viết.
Đồng ý với nhận định này, bạn đọc Hoàng Yến bổ sung: "Rõ ràng với mật độ xây dựng quá cao và quy hoạch dân số đô thị tăng cao đã làm quá tải hệ thống thu thoát nước kênh Tô Ngọc Vân".
Để giải quyết tình trạng ngập lụt, trả lại nét thơ mộng vốn có của Đà Lạt, bạn đọc Hoàng Yến đề nghị: "Đã đến lúc đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường ống thoát nước ngầm khoan xuyên núi để giảm tải cho kênh thoát nước này. Vị trí lý tưởng là từ khu thể thao mới khoan ngầm đến trạm xử lý nước thải và từ Trường Trưng Vương khoan ngầm dưới nhà thờ Domain thoát nước thẳng ra suối Cam Ly".
Cảnh báo thêm, bạn đọc Trần Hòa viết: "Nguyên cả thành phố mà chỉ xả nước thải ra kênh thoát nước độc nhất là kênh Cam Ly thì làm sao chịu nổi. Ngày xưa Pháp chỉ quy hoạch đô thị tính toán hạ tầng đủ cho số dân nhỏ. Nếu không có giải pháp quy hoạch hạ tầng khác thì tình trạng ngập sẽ ngày càng trầm trọng hơn vì sự tăng cao dân số và mật độ xây dựng".
Rất thẳng thắn, bạn đọc Trung Nguyên bổ sung: "Đà Lạt có quy hoạch gì đâu, mạnh ai nấy xây, Hồ Tuyền Lâm đẹp vậy mà giờ như cái ao, bao quanh bởi đủ loại dịch vụ. Trung tâm thành phố thì bát nháo như khu chợ chồm hổm".