Điều gì đã xảy ra với Xiaomi, khiến "Apple của phương Đông" mất 40 tỷ USD giá trị, chỉ còn 3,6 tỷ USD?

Xiaomi từng một thời giá trị nhất thế giới đã tuột khỏi đỉnh vinh quang về con số không chỉ trong 18 tháng.

Bốn ngày sau lễ Giáng Sinh năm 2014, những món quà vẫn cứ tới tấp tìm đến Xiaomi. Công ty smartphone Trung Quốc này đã nhận được 1,1 tỷ USD cho vòng gọi vốn mới nhất, giúp hãng được định giá tới 45 tỷ USD.

Thế nhưng, chỉ 18 tháng sau, phân tích mới cho thấy Xiaomi hiện nay có giá chưa đến 4 tỷ USD. Vậy thì điều gì đã xảy ra với start-up từng một thời giá trị nhất thế giới này?

Trong số các nhà đầu tư của Xiaomi có Yuri Milner, người từng dự đoán giá trị của Xiaomi có thể tăng hơn gấp đôi lên 100 tỷ USD. “Theo mọi thước đo, tốc độ tăng trưởng của Xiaomi là chưa từng có tiền lệ”, Milner nói với hãng tin Bloomberg vào thời điểm đó.

Điều gì đã xảy ra với Xiaomi, khiến Apple của phương Đông mất 40 tỷ USD giá trị, chỉ còn 3,6 tỷ USD? - Ảnh 1.

Và Milner không phải là tay mơ trong giới đầu tư. Milner đã đầu tư vào Facebook khi công ty này được định giá 10 tỷ USD vào năm 2009. Sau đó, khi mạng xã hội này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2012, Milner đã trở thành tỷ phú nhờ khoản đầu tư trên.

Anh cũng đầu tư vào gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc vào năm 2011, 3 năm trước khi công ty này lên sàn chứng khoán.

Nhưng ngay cả những người có thành tích đầu tư đáng nể như Milner cũng có lúc đoán sai.

Trong 18 tháng qua, thị phần smartphone của Xiaomi đã lao dốc không phanh. Trong khi đó, hệ sinh thái thiết bị điện tử của hãng, gồm nồi cơm điện, kính thực tế ảo và thậm chí cả ô, đã không tạo ra được thu nhập đáng kể nào cho công ty.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu IDC, doanh số smartphone của Xiaomi ở Trung Quốc đã giảm gần 40% trong quý hai năm 2016 so với cùng kỳ năm trước. Tính tổng thể, thị trường smartphoneTrung Quốc đã tăng trưởng 4,6% trong cùng giai đoạn trên.

Và trong khi doanh số của Apple sụt giảm mạnh, đối thủ thực sự của Xiaomi ở phân khúc tầm trung và giá rẻ - Huawei, Oppo và Vivo, đều tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong 12 tháng sau khi được định giá ở mức cao kỷ lục, Xiaomi đã không đạt được mục tiêu doanh số và doanh thu cho smartphone những hai lần. Theo chuyên gia phân tích Richard Windsor, doanh thu của Xiaomi có thể giảm thêm 10 - 20% trong năm 2016, đẩy giá trị công ty xuống còn vỏn vẹn 3,6 tỷ USD.

Vậy thì công ty từng có thời được gọi là “Apple của phương đông” đã lạc lối như thế nào?

Đứng yên trong khi đối thủ chuyển động

Sự tăng trưởng phi mã trước đó của Xiaomi được dựa trên một thực tế đơn giản: công ty có thể sản xuất smartphone có phần cứng và tính năng cao cấp với giá chỉ bằng một phần nhỏ của Apple hoặc Samsung. Nhưng lợi thế này nhanh chóng biến mất khi nhiều nhà sản xuất bắt chước chiến lược trên và tạo ra những smartphone của riêng mình với tính năng cao cấp ở giá thấp.

Tuy nhiên, không giống như Xiaomi, các đối thủ của công ty này đã đem lại những thứ mới mẻ và sáng tạo hơn cho người dùng. Vivo có màn hình cong, Oppo và OnePlus sở hữu pin sạc nhanh, LeEco cung cấp nội dung số độc quyền và Huawei tung ra camera kép và cảm biến vân tay.

“Tôi nghĩ Xiaomi đã tụt hậu trên thị trường smartphone vì các đối thủ có khả năng nghiên cứu và phát triển tốt hơn, kinh nghiệm sản xuất phong phú hơn và mạng lưới phân phối rộng lớn hơn”, Neil Shah, chuyên gia phân tích của CounterPoint Research nhận định. “Thiếu khả năng sáng tạo độc lập là một trong những lý do chính khiến Xiaomi đi xuống”.

Một vấn đề khác của Xiaomi là việc tập trung thái quá vào phân khúc giá rẻ với các sản phẩm như RedMi. Trong khi đó, có nhiều bằng chứng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để mua smartphone.

Quyết định trì hoãn việc ra mắt dòng smartphone cao cấp Mi Note 2 để lấy chỗ cho Redmi Note 3 giá rẻ, ra mắt vào đầu năm nay, cho thấy công ty này đã ưu tiên nhầm sản phẩm và không phát hiện được sự thay đổi của thị trường.

Chưa thể bơi ra biển lớn

Trở lại tháng 12/2014, một trong những lý do khiến Milner tin tưởng vào tiềm năng tăng gấp đôi giá trị của Xiaomi là hãng mới chỉ bán smartphone ở một số ít thị trường Châu Á. Nhà đầu tư này tính toán rằng, một khi Xiaomi bán smartphone ở Tây Âu và Mỹ, hãng sẽ trở thành một tay chơi toàn cầu.

Tuy nhiên, vấn đề là Xiaomi không có đủ số bằng sáng chế để tiến vào các thị trường trên. Hãng này từ lâu đã bị cáo buộc là sao chép các tính năng của smartphone của Apple và Samsung. Xiaomi hoàn toàn chưa chuẩn bị gì để xâm nhập vào một thị trường trưởng thành hơn, nơi hãng chắc chắn sẽ phải đối mặt với vô số các vụ kiện về bằng sáng chế.

Điều này sẽ làm cản trở cơ hội xác lập vị thế ông lớn smartphone trên sân chơi toàn cầu của công ty.

Ngay cả ở Ấn Độ, thị trường lớn thứ hai của mình, Xiaomi cũng từng đối mặt với lệnh cấm bán smartphone vì vi phạm bằng sáng chế của Ericsson. Bất chấp các thỏa thuận mua bằng sáng chế của Microsoft và Qualcomm gần đây, Xiaomi vẫn chưa đủ khả năng đột phá vào các thị trường lớn hơn.

Thiếu khách hàng trung thành

Không chỉ tin vào tiềm năng tăng trưởng, nhà đầu tư còn xem lực lượng khách hàng trung thành của Xiaomi ở Trung Quốc như là một lợi thế lớn. Xiaomi từng nhiều lần khoe rằng, người dùng của họ là những khách hàng tích cực nhất và sẵn sàng mua những sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Xiaomi, với smartphone ở vị trí trung tâm.

Tuy nhiên, niềm tin trên có vấn đề ở chỗ, khách hàng của Xiaomi, đặc biệt là khách hàng Trung Quốc là những người sành sỏi và có ít hoặc không có khái niệm về lòng trung thành.

Theo một nghiên cứu năm 2014 của Bain & Company, các thương hiệu Trung Quốc phải liên tục giành giật khách hàng mới vì sự thiếu trung thành của người tiêu dùng nước này. Nếu như trong quá khứ, Xiaomi có thể thu hút khách hàng mới bằng các sản phẩm của mình, thì điều này đã không còn đúng trong hiện tại nữa.

Xiaomi luôn gọi mình là “công ty Internet" thay vì là công ty smartphone. Trong hai năm qua, công ty này đã đầu tư vào một loạt start-up chế tạo thiết bị thông minh và đưa chúng vào hệ sinh thái Mi của mình.

“Mặc dù smartphone luôn là sản phẩm chủ lực của Xiaomi, công ty này lại nói rằng họ định vị tương lai một cách rộng hơn. Họ muốn trở thành một công ty thương mại điện tử bán nhiều sản phẩm khác nhau”, Jan Dawson, chuyên gia phân tích của Jackdaw Research cho biết.

Điều này nghe có vẻ là một nước cờ thông minh khi tăng trưởng doanh số của thị trường smartphone toàn cầu dự kiến giảm xuống 3,1% trong năm 2016. Vấn đề là cho đến nay, chưa một khoản đầu tư nào của Xiaomi vào các lĩnh vực trên cho ra kết quả tốt.

Sa lầy nhưng không tìm được lối thoát

Xiaomi là một công ty tư nhân và vì thế, họ không công khai thông tin tài chính của mình. Nhưng dữ liệu của CounterPoint Research cho thấy, smartphone tạo ra tới 85% doanh thu của công ty. Nguồn thu nhập còn lại đến từ mảng phần mềm và dịch vụ.

Điều này có nghĩa là những khoản đầu tư vào các công ty phần cứng như Ninebot vẫn chưa đem lại lợi nhuận, và không chắc là chúng sẽ có thể làm được như vậy trong tương lai.

Ngao ngán trước triển vọng ảm đạm của Xiaomi, tác giả Steve Millward đã viết trên tạp chí công nghệ Tech in Asia rằng, “Xiaomi đang sa lầy và khó tìm thấy lối thoát”. Còn Dawson thì kết luận rằng, “Tôi không tin Xiaomi có thể hồi sinh trong tương lai”.

Shah cho rằng các kế hoạch của Xiaomi đang có vấn đề. “Tương lai của Xiaomi đang rất bấp bênh. Có vẻ như công ty này đang chệch khỏi định hướng ban đầu là phát triển hệ sinh thái “nội dung, ứng dụng và dịch vụ” với smartphone là trung tâm, để chuyển sang hệ sinh thái “kết nối mọi thứ” dựa trên phần cứng.

Tất cả điều này cho thấy, thay vì được gọi là “Apple của phương đông”, Xiaomi có thể sớm trở thành “Blackberry của phương đông”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại