Điều gì đã xảy ra với Nord Stream 1 khi Nga bị cáo buộc đang trừng phạt EU?

Kiều Anh |

Bây giờ mới là mùa thu nhưng châu Âu có lẽ đã bắt đầu rùng mình do giá khí đốt tăng chóng mặt sau khi đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) từ Nga tạm dừng vô thời hạn.

Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Ngày 2/9, Tập đoàn Năng lượng Gazprom thông báo đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 từ Nga sang Đức sẽ đóng cửa sau một sự cố rò rỉ và không cho biết thời gian mở lại.

Trước đó, Dòng chảy phương Bắc 1 đã tạm dừng hoạt động trong 3 ngày để bảo trì và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động lại vào ngày 3/9. Động thái của Moscow diễn ra chỉ vài giờ sau khi các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí áp giá trần dầu mỏ Nga nhằm làm giảm nguồn thu của Moscow.

Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng cáo buộc Nga đang "sử dụng năng lượng làm vũ khí nhằm chống lại người tiêu dùng châu Âu".

Dòng chảy phương Bắc 1 là gì và những bên nào phụ thuộc vào nó?

Đường ống Dòng chảy phương Bắc mở vào năm 2011, trải dài gần 1.200 km qua Biển Baltic từ St Petersburg của Nga tới Lubmin gần Greifswald thuộc Đức. Đây là đường ống khí đốt chính của châu Âu với Đức là khách hàng đứng đầu. Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Tây Âu khi đáp ứng 40% nhu cầu của khu vực này.

Kế hoạch vận hành đường ống thứ hai mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt được vận chuyển từ Nga sang châu Âu đã phải tạm dừng hồi cuối tháng 2 sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Một số quốc gia, chẳng hạn như Anh, không phụ thuộc vào Dòng chảy phương Bắc 1 nhưng việc đóng cửa hoặc hạn chế công suất của đường ống này đã đẩy giá khí đốt nói chung tăng cao.

Hoạt động của Dòng chảy phương Bắc 1 từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra

Dòng chảy khí đốt từ Nga tới châu Âu đã sụt giảm sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Cho tới nay, Nga đã cắt khí đốt tới Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan, nhà cung cấp Orsted của Đan Mạch, công ty Gasterra của Hà Lan và Shell của Đức sau khi những bên này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Hồi tháng 7, Gazprom đã giảm lượng khí đốt cung cấp qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống khoảng 20% công suất của đường ống và dẫn ra lý do thiếu trang thiết bị hoặc vấn đề về kỹ thuật.

Ngày 30/8, công ty Engie của Pháp là công ty mới đây nhất nhận được thông báo từ Gazprom về việc sẽ nhận ít khí đốt hơn do những bất đồng về hợp đồng.

Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi năng lượng của Pháp Agnès Pannier-Runacher nhận định rằng nước này phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất khi Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn.

Phản ứng của Nga

Nga đã đổ lỗi cho phương Tây về các lệnh trừng phạt khiến tập đoàn Gazprom không thể tiến hành các hoạt động thông thường và sửa chữa đường ống.

Ngày 3/9, Gazprom cho biết, Công ty Năng lượng Siemens Energy, chịu trách nhiệm sửa chữa các turbine của Dòng chảy phương Bắc 1, sẵn sàng hỗ trợ sửa chữa các thiết bị bị hỏng nhưng hiện chưa có sẵn các dụng cụ cần thiết để thực hiện công việc này.

Nga cáo buộc, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 bị đóng cửa vì Liên minh châu Âu đã vi phạm hợp đồng vận chuyển và sửa chữa. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã đổ lỗi cho EU về các vấn đề ngăn cản việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 1, ông Novak cho biết: “Toàn bộ vấn đề chính xác là do phía châu Âu gây ra. EU đã vi phạm hoàn toàn tất cả các điều kiện của hợp đồng sửa chữa và các điều khoản vận chuyển thiết bị”.

Phản ứng của châu Âu

Châu Âu và Mỹ cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí, song Moscow đã bác bỏ nhận định này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter rằng: "Động thái của Gazprom không mấy bất ngờ. Việc sử dụng khí đốt làm vũ khí sẽ không thay đổi quyết tâm của EU. Chúng tôi sẽ thúc đẩy lộ trình hướng đến độc lập về năng lượng. Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ các công dân của mình và ủng hộ tự do của Ukraine".

Kể từ tháng 2, EU đã khẳng định quyết tâm từ bỏ khí đốt Nga vào năm 2027 và khối này đã nhất trí dừng nhập khẩu dầu mỏ và than đá Nga. Châu Âu cũng tăng cường dự trữ khí đốt và thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng.

Các kho dự trữ của EU hiện được lấp đầy ở mức 81%, dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe cho hay, trong khi các kho dự trữ của Đức được lấp đầy khoảng 85%. Tuy nhiên, ông Klaus Mueller - Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức cho biết hồi tháng 8 rằng thậm chí cả khi các kho dự trữ khí đốt của Đức được lấp đầy 100% thì chúng sẽ lại trống không chỉ trong 2 tháng rưỡi nếu dòng chảy khí đốt từ Nga dừng hoàn toàn.

Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến sẽ có phiên họp khẩn cấp tại Brussels ngày 9/9 để thảo luận về việc giảm phụ thuộc vào Nga về dầu mỏ và khí đốt.

Tại Anh, cựu Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Energy UK Angela Knight cho rằng, Nga đã khiến Anh "hoảng loạn" bằng cách "tiến hành cuộc chiến tâm lý và kinh tế" khi đóng cửa đường ống dẫn khí chính của châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Michael Roth cũng chỉ trích việc Nga đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và gọi đây là "một phần trong cuộc chiến tâm lý của Nga với chúng tôi". Ông cũng cáo buộc Tổng thống Putin đã "vi phạm hợp đồng một cách không do dự thậm chí cả khi điều đó phải trả giá bằng chính lợi ích kinh tế của mình"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại