Điều đáng lo sau 'làn sóng' cắt giảm nhân sự

Phạm Hiền |

Sau khi “làn sóng” cắt giảm nhân sự diễn ra, các doanh nghiệp sẽ nhận lại những hậu quả “đắt đỏ” ...

Các hậu quả như lao động không còn tin tưởng vào tầm nhìn, chiến lược phát triển của công ty dẫn đến làm việc cầm chừng, hiệu suất giảm… Đó là nhận định của Anphabe - công ty tư vấn các giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc.

Gần 1/3 doanh nghiệp cắt giảm nhân sự

Trong báo cáo xu hướng nhân sự nửa đầu năm 2023 được Anphabe mới công bố tại hội nghị liên quan thị trường việc làm, thì xu hướng nhân sự Việt Nam giai đoạn nửa đầu năm 2023 đang rơi vào “khủng hoảng”.

Qua khảo sát hơn 6.000 đáp viên (trong đó, phỏng vấn chuyên sâu với khoảng 30 CEO và 120 giám đốc nhân sự), Anphabe cho biết: Năm 2023 tiếp tục là một năm đầy thách thức cho doanh nghiệp khi “làn sóng” sa thải nhân công trên thế giới “tràn vào” Việt Nam. Chỉ trong vòng nửa năm, thị trường nhân sự và nguồn nhân lực Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến động chưa từng có tiền lệ.

Tỉ lệ doanh nghiệp phá sản cũng chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 4 năm qua. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 100.000 doanh nghiệp tuyên bố ngưng hoạt động, giải thể hoặc chờ giải thể.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới khi “Sóng thần sa thải” nhanh chóng ập đến và tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các ngành công nghệ thông tin/ phần mềm/ thương mại điện tử (đã cắt giảm trung bình khoảng 25% nguồn nhân lực), ngành bất động sản (22%), tiếp theo là các ngành bảo hiểm (18%), điện tử/ công nghệ cao (16%) và du lịch/ ẩm thực/ nghỉ dưỡng (16%).

Từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Đến nay, đã có khoảng 13% người đi làm tại Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão sa thải, tập trung nhiều hơn ở cấp nhân viên và nhất là nhóm còn đang ở trong giai đoạn thử việc.

Dự đoán “làn sóng” sa thải sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Theo khảo sát của Anphabe vào tháng 5/2023 với nhóm nhân sự từ cấp quản lý trở lên, ngoài 33% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm, vẫn có 13% doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới, 34% quyết định giữ nguyên và chỉ 20% có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, đối với nhóm công ty quyết định giữ nguyên hoặc sẽ cắt giảm nhân sự, biện pháp “không tuyển thay thế” đối với nhân viên tự nguyện nghỉ việc đang trở nên phổ biến. Chiến lược này được giới nhân sự gọi là “quiet-firing” (tạm hiểu là “sa thải thầm lặng” để tránh gây xáo trộn lớn trong tổ chức mà vẫn giảm dần số lượng nhân sự xuống mức mong muốn).

Người lao động và niềm tin dao động

Thống kê cho thấy đối với những doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm, chỉ 29% lao động trả lời họ vẫn còn giữ niềm tin vào doanh nghiệp. Ngay cả những nơi duy trì hoặc dự kiến gia tăng nhân lực thì một nửa nhân viên được hỏi cũng bày tỏ không tin tưởng vào công ty. Điều này khiến người lao động “tạm hoãn tinh thần công việc, không cống hiến hết mình”.

Một hệ lụy khác mà cơn bão sa thải mang đến là môi trường làm việc trở nên “vô cùng áp lực” khi có đến 31% lao động thường xuyên bị stress. Ngoài ra, một trạng thái đáng báo động mà báo cáo nêu ra là cứ 10 người đi làm là có 4 người rơi vào trạng thái “burn out” – hội chứng kiệt quệ về thể chất, tinh thần do stress quá nhiều.

Một số “triệu chứng” của “burn out” về thể chất người lao động có thể kể đến như: Họ thường xuyên đau đầu, cơ, dạ dày, mất ngủ, hụt hơi; Tâm lý bồn chồn, lo lắng, dễ tức giận, cáu gắt vô cớ...

Theo các chuyên gia, khi rơi vào trạng thái này người lao động sẽ không còn động lực cố gắng, hiệu suất làm việc xuống thấp.

Các khuyến nghị mà giới chuyên gia đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng được nguồn nhân lực kiên cường và có năng lực vượt khó cao trong giai đoạn khó khăn: Doanh nghiệp cân bằng giữa mục tiêu nâng cao hiệu suất và đảm bảo an sinh cho nhân viên, đồng thời chú trọng công tác đào tạo, giúp người lao động nâng cao năng lực để sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn trong tương lai. Để tránh được hậu quả lâu dài, lãnh đạo doanh nghiệp cần đặt vấn đề ưu tiên chăm sóc nhân viên lên hàng đầu...

Thận trọng, tỉnh táo khi cắt giảm nhân công

Theo bà Thanh Nguyễn, CEO của Anphabe, khi đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp cắt giảm lao động nhằm tiết kiệm chi phí nhưng sau đó phải nhận “hậu quả đắt đỏ” là những mất mát lớn hơn về năng suất làm việc và lòng trung thành của nhân viên.

Đặc biệt là nhóm nhân viên “sống sót”, những người may mắn được giữ lại hậu sa thải. Chính sách không sa thải tức thời của doanh nghiệp, cũng đang khiến nhân viên thời nay dần chuyển sang trạng thái cầm chừng, tạm hoãn tinh thần tận tụy làm việc, không cống hiến hết mình.

Vì vậy, việc cắt giảm nhân sự phải được thực hiện cẩn thận và tỉnh táo. Không nên chỉ vì tầm nhìn ngắn hạn trước mắt mà ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

CEO Anphabe nhấn mạnh, niềm tin của người đang đi làm ở Việt Nam đối với tầm nhìn, chiến lược của công ty sụt giảm mạnh. Điều này thể hiện rõ qua các chỉ số khảo sát nhận được vì còn thấp hơn giai đoạn khủng hoảng vì Covid-19.

Khảo sát của Anphabe cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, dù nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, nhưng thị trường nhân lực Việt Nam vẫn rất sôi động và còn nhiều cơ hội. Cụ thể, cứ 10 người bị cắt giảm, đã có 7 người tìm được công việc mới. Trong số 7 người này, chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn. Tình trạng này tập trung ở các lĩnh vực bán hàng, marketing, tài chính, nghiên cứu và phát triển, với mức tăng lương trung bình là 8,7%. Nhìn một cách tích cực thì thấy rằng việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại