Điều 5 là nguyên tắc khẳng định nếu một quốc gia thành viên của NATO bị tấn công đồng nghĩa với cả NATO bị tấn công. Nó là nền tảng cho 29 thành viên đồng minh kể từ khi được ban hành năm 1949 nhằm đối trọng với Liên Xô.
Điều 5 chỉ mới được đưa ra duy nhất 1 lần: Sau vụ khủng bố tấn công Mỹ ngày 11/9/2001.
Điều 5 nhằm mục đích ngăn chặn những kẻ thù muốn tấn công các thành viên NATO. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, mối bận tâm chính của NATO là Liên Xô. Nhưng trong những năm gần đây, các hành động của Nga ở Đông Âu cũng khiến liên minh quân sự phải lo ngại. Ukraine và Georgia là hai quốc gia bị ảnh hưởng từ chính sách đối ngoại của Nga trong thập kỷ qua lại không phải là thành viên NATO.
Khi Donald Trump nhậm chức, các nước Đông Âu như Ba Lan lại trở nên lo lắng về việc liệu ông có thực lòng muốn duy trì Điều 5 hay không khi nhìn thấy sự hoạt ngôn của ông.
Ngoài việc gọi NATO là tổ chức “lạc hậu”, Trump còn phản đối các đồng minh quân sự ở châu Âu vì không tuân thủ cam kết phân bổ 2% GDP của họ cho quốc phòng.
“Các nước chúng ta bảo vệ phải trả phí cho sự bảo vệ đó, còn nếu không, Mỹ sẽ phải để cho họ tự bảo vệ lấy mình”, ông Trump từng nói hồi tháng 4/2016 khi hùng biện về chính sách đối ngoại của mình trong cuộc tranh cử tổng thống, “chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác”.
Trong suốt chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở NATO với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã bỏ qua mọi cam kết đối với Điều 5 trong bài phát biểu của mình, cảnh báo, chỉ trích đồng minh và mắng mỏ họ vì không tuân thủ các cam kết tài chính.
“23 trong số 28 thành viên NATO vẫn chưa trả thứ họ nên trả và thứ họ nên trả cho việc bảo vệ chính họ. Sẽ không công bằng với người dân và người đóng thuế ở Mỹ”, Donald Trump phàn nàn đúng thời điểm Montenegro gia nhập NATO.
Nhưng ông Trump đã đổi hướng hồi tháng trước, trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Romani, ông nói “Tôi cam kết nước Mỹ sẽ tuân thủ Điều 5”.
“Và dĩ nhiên chúng tôi ở đây để bảo vệ”, ông Trump thêm vào, khẳng định đây là lý do Mỹ “sẽ chi trả thêm nếu cần thiết”.
Ông nhắc lại lập trường này khi ở Ba Lan, một trong những nước Đông Âu đang lo lắng vì Nga. "Đối với những người chỉ trích lập trường cứng rắn của chúng tôi, tôi sẽ chỉ ra không chỉ với từ nghĩ mà còn cả hành động rằng chúng tôi luôn giữ vững Điều 5, cam kết bảo vệ lẫn nhau:, Trump nói, “Lời nói luôn dễ dàng nhưng hành động mới quan trọng để tự bảo vệ chính mình”.
Trong năm 2014, các nước NATO đồng ý sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng, mặc dù hầu hết các nước không thực hiện được. Các thành viên NATO đang tăng chi tiêu quốc phòng, tuy nhiên, có nhiều nước đặt hy vọng sẽ thực hiện được mức chi này trong những năm tới.
Điều 5 của NATO đang vượt ra ngoài quy định bảo vệ sự xâm chiếm trong nội bộ. Các đồng minh cũng đã áp dụng các biện pháp phòng thủ tập thể trong một số trường hợp, bao gồm việc triển khai tên lửa Patriot năm 2012 ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy mạnh lực lượng của liên minh tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan sau khi Crimea trở về với Nga năm 2014.