Tuy nhiên, tờ Sunday Star tại Johannesburg đã từng đánh giá rằng: “Đối với người Nga, Gerhardt là một điệp viên giá trị nhất chỉ đứng sau Kim Philby”. Những thông tin mới được giải mật sau khi Liên Xô tan vỡ về những chiến công của Gerhardt đã cho thấy đánh giá trên không phải là không có cơ sở…
Quan điểm chống chủ nghĩa phát xít
Dieter Gerhardt sinh ngày 1-11-1935 tại Berlin (Đức). Dù sống và học tập tại đây từ nhỏ, trong khi bản thân người cha cũng ủng hộ đảng quốc xã, nhưng ông đã sớm có quan điểm chống chủ nghĩa phát xít.
Gia đình Dieter chuyển sang Nam Phi định cư vào những năm suy thoái kinh tế. Với bản tính ngang bướng và quậy phá, ông được cha tìm cách đưa vào trường quân sự với hy vọng rèn luyện tính kỷ luật cho con.
Điệp viên Dieter Gerhardt.
Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan, Dieter bắt đầu phục vụ trong lực lượng hải quân Nam Phi. Tuy nhiên, chế độ Apartheid cùng với những quan điểm phân biệt chủng tộc mang đặc trưng của phát xít đã khiến cho chàng sĩ quan trẻ hết sức bất bình. Anh ta quyết định tìm cách liên lạc với đại sứ quán Liên Xô.
Rất nhanh chóng, Dieter nhận được chỉ thị từ Moscow: tiếp tục ở lại trong hải quân, tìm cách thăng tiến trong sự nghiệp để chờ cơ hội. Do những thông tin của Dieter chuyển giao chỉ thuần túy mang tính chất quân sự, Cơ quan tình báo quân đội (GRU) được giao nhiệm vụ điều hành điệp viên với mật danh Felix này.
Trong giai đoạn 1963-1964, Dieter tham gia khóa học 18 tháng về những mẫu vũ khí hiện đại nhất tại Anh. Tại đây, ông lần đầu tiên được làm quen với những dự án vũ khí bí mật của phương Tây để chuyển giao cho GRU, nhanh chóng trở thành một trong những điệp viên giá trị nhất của tình báo Xôviết.
Theo chỉ thị, Dieter xin nghỉ phép với lý do đi trượt tuyết tại vùng núi Alps của Thụy Sĩ, để bí mật tới Moscow. Để tới được Moscow khi đó không phải là chuyện đơn giản: Dieter bay từ London tới Vienna, sau đó từ đây tới Budapest rồi mới tới Moscow. Cứ mỗi chặng như vậy, Dieter thay đổi không chỉ hãng hàng không mà còn cả tên và hộ chiếu.
Một chiếc xe ZIL màu đen đã đậu sẵn ngay chân cầu thang máy bay tại Moscow để đưa Dieter tới thẳng trụ sở của GRU.
Cũng tại đây, Dieter tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt về chuyên môn: học cách sử dụng các máy ảnh siêu nhỏ, cách giấu những đoạn vi phim vào thư để gửi tới một số địa chỉ nhất định, cách giải mã điện tín, kỹ thuật theo dõi và cắt đuôi, các phương pháp đánh lừa điều tra và vượt qua máy phát hiện nói dối.
Dieter được chụp hàng chục bức ảnh với nhiều loại trang phục, đầu tóc, râu giả khác nhau để có thể làm thêm nhiều loại hộ chiếu cần thiết có thể sử dụng trong nhiều năm sau. Tham gia đào tạo trực tiếp cho Dieter là cả một đội ngũ những điệp viên chuyên nghiệp từng có kinh nghiệm hoạt động tại nhiều nước trên khắp thế giới.
Khi bắt đầu hợp tác với GRU, Dieter đã có gia đình, tuy nhiên cả hai đã không cùng chung sống từ năm 1961, trước khi chính thức ly hôn vào năm 1967. Trong một lần tới thành phố Kloster (Thụy Sĩ) để chuyển thông tin từ một hòm thư bí mật tại đây, ông tình cờ gặp gỡ Ruth, một cô gái Thụy Sĩ hấp dẫn và xinh đẹp.
Rất nhanh chóng, ông đã chinh phục được Ruth trong thời gian còn làm tùy viên hải quân Nam Phi tại London. Trong thời gian tới Moscow lần thứ hai, họ đã chính thức đính hôn. Ruth tình nguyện hoạt động tình báo cùng chồng, tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ và bắt đầu đảm đương nhiều việc quan trọng để giúp đỡ ông.
Mỏ thông tin từ “Mối tình Israel – Nam Phi”
Sau cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 tại Trung Đông, trên bàn của Dieter (khi đó bắt đầu đảm trách các nhiệm vụ liên quan đến vũ khí trang bị của quân đội Nam Phi) bắt đầu xuất hiện những tài liệu đặc biệt quan trọng đầu tiên liên quan tới liên minh quân sự giữa Israel và Nam Phi.
Ông Simon Peres, người có nhiều nhiệm kỳ làm Thủ tướng Israel luôn ủng hộ việc hỗ trợ các nước đồng minh như Nam Phi.
Vấn đề là ngay sau cuộc chiến trên, Israel dưới sự lãnh đạo của Simon Peres đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết cần phải tăng cường sức mạnh quân sự của mình hơn nữa qua việc mua sắm, nghiên cứu chế tạo thêm nhiều xe tăng, máy bay, tên lửa và thậm chí cả vũ khí hạt nhân.
Quan điểm trên đã dẫn tới cuộc gặp bí mật đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Nam Phi khi đó là Balthazar Vorster và Peres tại Geneve. “Mối tình” bí mật giữa Israel và Nam Phi đã khiến không ít người, kể cả Dieter phải ngạc nhiên – khi giới lãnh đạo Nam Phi từ trước tới giờ vẫn công khai bày tỏ thiện cảm với Hitler và chế độ phát xít của ông ta.
Tháng 11-1974, bên bờ hồ Geneve đã diễn ra cuộc gặp gỡ bí mật giữa nguyên thủ hai nước, trong đó có sự tham gia của cả Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi khi đó là PeterButa. Thỏa ước được ký kết hôm đó cho tới giờ vẫn chưa được công bố đầy đủ, bất chấp việc chế độ Apartheid đã sụp đổ.
Cụ thể đó là một tài liệu có mật danh ISSA về hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia, theo đó mỗi bên cần có trách nhiệm giúp đỡ nhau trong trường hợp có chiến tranh, kể cả vật tư phụ tùng và vũ khí đạn dược. Hai bên cũng nhất trí có thể sử dụng lãnh thổ của mình để lưu giữ tất cả những loại vũ khí cần thiết cho bên kia.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Israel với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia và phương tiện từ Nam Phi đã chế tạo ra tên lửa đạn đạo Jericho III, cũng như trước đó đã bán loại Jericho II cho Nam Phi. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác trong lĩnh vực chế tạo vũ khí hạt nhân.
Theo một báo cáo bí mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đệ trình lên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ vào tháng 6-1986, Israel và Nam Phi đã phối hợp cùng thử nghiệm vũ khí hạt nhân, qua đó trên thực tế đã nắm tay nhau cùng bước vào “câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân” trên thế giới.
Chưa kể một số thông tin còn khẳng định, Israel đã bán cho Nam Phi một vài quả bom nguyên tử ngay trước khi chế độ Apartheid sụp đổ.
Dieter, vốn là người đã theo dõi rất chặt chẽ “tình sử” giữa Israel và Nam Phi cho tới khi bị bắt giữ vào năm 1983, đã khẳng định tất cả những thông tin trên đều là sự thật.
Còn phải kể tới một dự án nữa có tên gọi “Bergler” liên quan đến việc phối hợp chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa. Trong đó, Nam Phi chủ yếu chịu trách nhiệm cung cấp tài chính, còn nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế thuộc về Israel.
Loại tên lửa này, dựa theo các yêu cầu ban đầu cũng như số liệu từ bản vẽ, đều có thể bắn tới tận Moscow. Xuất phát từ yếu tố này, Dieter đánh giá Israel khi đó đã coi Liên Xô như là một kẻ thù của mình.
Tiếp đó là một thỏa thuận mang tên Challet, trong đó Tel-Aviv đồng ý sản xuất 8 tên lửa Jericho II với “các đầu đạn đặc biệt”. Khi Dieter gặng hỏi viên tướng Tổng tham mưu trưởng Nam Phi thì được hé lộ chính là các đầu đạn hạt nhân.
Cũng trong giai đoạn này đã xảy ra một sự kiện mà Dieter cho tới giờ vẫn chưa thể làm rõ. Ông khẳng định vào ngày 23-9-1979, vệ tinh của Mỹ khi bay ngang khu vực Đại Tây Dương đã phát hiện một vụ nổ mạnh, theo giả thuyết đó là một vụ thử nghiệm hạt nhân chung giữa Nam Phi và Israel.
Ba tháng sau, Dieter được bổ nhiệm làm chỉ huy căn cứ hải quân Simonstown nên không còn điều kiện để làm rõ vụ việc này.
Vào năm 1977, Dieter may mắn có mặt trong thành phần phái đoàn gồm 3 sĩ quan cao cấp của quân đội Nam Phi tới thăm Israel nhằm tìm hiểu về quân đội và các cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước này.
Trong chuyến đi tới hãng Rafael, họ được giới thiệu những mẫu tên lửa chống tăng mới mà Nam Phi đang muốn mua cho quân đội mình. Đoàn cũng được tìm hiểu về mẫu tên lửa có hệ thống dẫn đường vô tuyến mới nhất vào thời điểm đó, trước khi được chính thức sản xuất tại Nam Phi vài năm sau với tên gọi “Hunter”.
Các sĩ quan Nam Phi cũng làm quen với các công đoạn sản xuất loại xe tăng Merkava. Các liên lạc viên của GRU trước đó đã yêu cầu Dieter thu thập tất cả những thông tin có thể về loại xe tăng này, đặc biệt là thiết kế phần vỏ thép gồm 2 lớp của nó.
Dieter đã bí mật chụp lại toàn bộ dây chuyền sản xuất lớp vỏ thép, cũng như ghi lại toàn bộ những giải thích chi tiết từ các quan chức lãnh đạo dự án của tướng Israel Tal, khi đó được mệnh danh là “cha đẻ của xe tăng Israel”.
Trong thời gian viếng thăm một căn cứ không quân Israel, Dieter đã may mắn thu thập được nhiều tài liệu và chụp ảnh được loại động cơ máy bay G-79 mới được Mỹ cung cấp cho Israel trước đó không lâu, đang được Moscow quan tâm đặc biệt.
Trở về sau chuyến đi tới Israel, Dieter đã viết một báo cáo dài tới 1.400 trang kèm theo phần phụ lục rất nhiều ảnh và bản vẽ kỹ thuật.
Ngoài ra, ông còn đề nghị phía Israel cung cấp danh sách các căn cứ quân sự và tên tuổi các chỉ huy với lý do làm báo cáo gửi cấp trên. Nhờ đó, tình báo Xôviết đã nắm được tên tuổi của hàng chục sĩ quan cao cấp đang nắm giữ những cương vị quan trọng trong quân đội Israel.
Bị bắt giữ
Năm 1982, Dieter tới Mỹ tham gia một khóa huấn luyện nâng cao trình độ. Ông định lợi dụng chuyến đi này để kết nối một số sĩ quan quân đội có quan điểm giống mình, muốn giúp đỡ cho chế độ thiểu số của người da trắng tại Nam Phi khi đó.
Tên lửa Jericho II có thể mang đầu đạn hạt nhân được Israel cung cấp cho Nam Phi.
Cụ thể, Dieter lấy tư cách điệp viên tình báo Nam Phi để thu thập tin tức cần thiết, trước khi chuyển giao cho GRU. Tuy nhiên, ông không thể ngờ đã có một cái bẫy giăng sẵn dành cho mình trên đất Mỹ.
Căn phòng khách sạn của ông tại New York bị một nhóm người gõ cửa, tự xưng là các nhân viên của CIA, FBI và cả của đại diện phản gián Anh. Dieter được đưa bằng máy bay tới thẳng Washington, nơi ông phải trải qua 11 ngày thẩm vấn liên tục có sử dụng cả máy phát hiện nói dối.
Qua những lời đối đáp trong quá trình thẩm vấn, Dieter hiểu rằng, nội dung một số báo cáo của ông cho Moscow đã được CIA nắm được.
Báo chí cũng đánh giá, thiệt hại trong vụ của Dieter không chỉ liên quan tới Nam Phi, Israel mà còn cả đến NATO và hải quân Anh. Trong khi đó, liên lạc viên Mikhail Nikolaev, người dự kiến chuẩn bị có cuộc gặp với Dieter, cũng bị bắt giữ tại Zurich. Cô vợ Ruth đồng thời cũng bị bắt tại Nam Phi.
Tại phiên tòa xét xử, Dieter nhận tất cả trách nhiệm về mình. Theo phán quyết của tòa tuyên vào ngày 31-12-1984, Dieter phải nhận án chung thân, còn cô vợ là mức án 10 năm tù. Vào thời điểm đó, họ không thể biết rằng mình là nạn nhân từ sự phản bội của viên tướng tình báo GRU Poliakov.
Người Mỹ đã tìm cách lôi kéo Dieter tham gia trò chơi hai mặt với Moscow, nhưng ông đã kiên quyết từ chối. Hai tuần sau, Dieter được áp giải về Nam Phi, đưa vào một nhà tù nằm ở ngoại ô Pretoria.
Ngày 26-1-1983, Thủ tướng Nam Phi Pieter Botha đã tổ chức một cuộc họp báo tuyên bố về việc bắt giữ Dieter Gerhardt. Tiếp tục tham gia vào quá trình thẩm vấn điều tra trong vụ này còn có các đại diện mật vụ của Pháp, Đức, Anh và Israel.
Tất cả đều hết sức bàng hoàng khi biết được, trong suốt 22 năm hoạt động tình báo của mình, Dieter đã trao cho Liên Xô ít nhất từ 400 đến 500 bộ tài liệu tuyệt mật của Israel, Nam Phi và nhiều nước trong NATO khác.
Tất nhiên trong đó có cả căn cứ hải quân Silvermane, một căn cứ do thám điện tử hiện đại chuyên theo dõi các tàu và máy bay tại khu vực nam Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Ruth được trả tự do sau 8 năm trong tù. Còn Dieter tiếp tục phải chờ đợi do giới lãnh đạo Nam Phi kiên quyết không chịu trao đổi với điệp viên khác của phương Tây. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi ông Frederik de Klerk ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Nam Phi vào tháng 8-1989.
Trong cuộc gặp giữa ông de Klerk và Tổng thống Nga Boris Eltsin, điều kiện cuối cùng để khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước là trả tự do ngay cho Dieter. Ông chính thức bước chân khỏi cổng nhà tù vào ngày 28-8-1992, nơi có hai viên tướng KGB đã chờ sẵn tại đây.
Sau khi lên cầm quyền tại Nam Phi, vị tổng thống da đen đầu tiên Nelson Mandela đã gỡ bỏ mọi cáo buộc phản bội tổ quốc, khôi phục danh dự, đồng thời mời Dieter vào cương vị cố vấn quân sự đặc biệt phụ trách cải tổ lại quân đội.
Dieter đã lịch sự từ chối, tương tự như cách ông đã làm trước đó với đề xuất của Moscow mời tham gia hoạt động bán vũ khí của Nga ra nước ngoài.