Diệt IS ở Syria, Nga “vạch trần” âm mưu khủng khiếp của thế lực đối lập

Vũ Thu Hương |

Khủng bố IS về cơ bản đã bị Nga và Syria đánh bại. Nga cũng cáo buộc rằng một số quốc gia đã cản trở cuộc chiến chống khủng bố của Moscow.

Bộ Quốc phòng Nga đăng cai tổ chức Hội nghị Matxcơva về An ninh quốc tế (MCIS) lần thứ 9 vào ngày 22-24/6. Nhân dịp khoảng 600 quan chức quốc phòng và ngoại giao từ các nước tập trung thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu, các quan chức Nga đã nhắc nhiều đến sự can thiệp quân sự của Moscow ở Syria.

Thư ký Hội đồng Bảo an Nikolay Patrushev tuyên bố tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị Nga và Syria đánh bại. Đồng thời, cáo buộc một số quốc gia đã cản trở cuộc chiến chống khủng bố của Nga.

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Patrushev cho biết: “Cùng nhau chiến đấu, quân đội của chúng tôi và quân đội Syria đã giáng một đòn mạnh vào những kẻ khủng bố, những kẻ đang lên kế hoạch xây dựng mạng lưới toàn cầu”.

“Trong những ngày tháng khó khăn đó, người Nga, cùng với Syria, không chỉ chiến đấu vì tương lai của Syria mà chiến đấu cho cả thế giới, cho những kẻ khủng bố mà cả nhân loại đều muốn loại bỏ.”

Ông Nikolay Patrushev nói thêm: "Thật đáng tiếc là một số quốc gia tự xưng có tư cách cường quốc đã không những không sát cánh cùng chúng tôi chống lại khủng bố mà còn ra sức cản trở cuộc chiến chống lại kẻ thù này."

Nga can thiệp quân sự vào Syria vào tháng 9/2015 để giải cứu đồng minh Bashar al-Assad, vị Tổng thống vốn có vị thế suy yếu trong nhiều năm trước đối thủ.

Các lực lượng chính phủ Nga và Syria hoạt động chống IS ở các khu vực phía tây sông Euphrates đã liên tiếp có các cuộc chiến khốc liệt với liên minh quốc tế do Mỹ hậu thuẫn nơi đây.

Diệt IS ở Syria, Nga “vạch trần” âm mưu khủng khiếp của thế lực đối lập - Ảnh 1.

Những người lính Nga ở Syria

Một số cuộc không kích đầu tiên của Nga ở Syria được cho là không nhằm vào IS mà nhằm vào các lực lượng đối lập Syria, bao gồm cả một nhóm được CIA hậu thuẫn, theo các quan chức, phương tiện truyền thông và học giả Mỹ.

Ngay từ đầu, Nga tuyên bố các máy bay chiến đấu của họ “đã thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao nhắm vào các tổ chức khủng bố quốc tế và Bộ Quốc phòng nước này đã đăng một video cho thấy các cuộc không kích nhắm vào những địa điểm mà họ cho là cứ điểm của IS.

Các cuộc không kích của Nga ngày càng gia tăng khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom máy bay Nga vào tháng 11/2015 trên đất Ai Cập, khiến 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Và cùng với việc tấn công IS, các đòn không kích của Nga cũng nhắm vào lực lượng chống chính quyền ông Assad.

Một năm trước khi Nga tham dự nội chiến Syria, năm 2014, Mỹ đã khởi động chiến dịch thành lập Liên minh toàn cầu để đánh bại IS, với các đồng minh quốc tế và đối tác địa phương ở Iraq và Syria.

Mặc dù Mỹ và Nga đã nỗ lực để tránh xung đột quân sự ở Syria, nhưng Nga chưa bao giờ tham gia liên minh với Mỹ.

Lãnh thổ do IS nắm quyền kiểm soát ở Syria mở rộng vào mùa hè năm 2014. Nhưng đến năm 2017, khủng bố đã gần như mất tất cả, chỉ còn nắm giữ một phần nhỏ trong số đó, bao gồm Raqqa, thủ đô tự xưng của khủng bố ở miền bắc Syria và Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq.

Dù cho các nhà phân tích đưa ra giả thuyết rằng sự can thiệp của Nga vào Syria ngoài mục tiêu chống khủng bố còn có những mục đích khác như bảo vệ chính quyền ông Assad. Bởi lẽ, nếu ông Assad bị lật đổ rất có thể một chính phủ thân phương Tây sẽ được lập nên ở Damascus.

Mọi giả thuyết đều là nghi vấn. Nhưng có điều rõ ràng rằng Nga đến Syria theo đề nghị của ông Assad.

Nhà phân tích John W. Parker, trong một bài báo viết cho Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, thuộc Đại học Quốc phòng của chính phủ Mỹ đã viết: “Syria sớm trở thành nơi chủ chốt để ông Putin thể hiện là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ bảo vệ không chỉ vị thế toàn cầu của Nga mà còn bảo vệ chủ quyền và độc lập của các quốc gia bị các nước ngoài can thiệp... Syria đã giúp vị trí của Tổng thống Putin tăng cao".

Sự can thiệp của Nga vào Syria giúp Tổng thống Assad rất nhiều, giúp nhà lãnh đạo củng cố quyền lực.

"Quyết định can thiệp quân sự vào Syria năm 2015 của Moscow đã làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo chiều hướng có lợi cho chính quyền ông Assad", nhà phân tích Mona Yacoubian thuộc viện Hòa bình Mỹ viết hồi tháng 2 vừa qua.

“Lực lượng không quân Nga kết hợp với lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền ông Assad bằng cách vô hiệu hóa một bộ phận lớn các lực lượng vũ trang đối lập và khẳng định quyền kiểm soát của chính quyền Syria đối với phần lớn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại