Điệp viên không tên

Nguyễn Khang |

Vào tháng 3-1989, một điệp viên KGB người Tiệp Khắc mang tên giả là Erwin van Haarlem đã bị tòa án London Old Bailey, Anh, tuyên án 10 năm tù vì tội làm gián điệp. Nhưng Erwin van Haarlem đã không ngồi tù lâu, ông được tha tù khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và quay trở về quê nhà Cộng hòa Séc sống lặng lẽ trong quãng đời còn lại cho đến ngày nay.

Năm 2016, phóng viên BBC Magazine đã tìm gặp ông và được ông kể lại câu chuyện khó tin của mình, trong đó chứa đựng tình cảm của một người mẹ Hà Lan đi tìm con sau hàng chục năm bỏ rơi con mình.

Và chính cuộc tìm kiếm của người mẹ đã vô tình (hay cố ý) làm lộ tẩy điệp viên KGB mang tên giả Erwin van Haarlem, người trong giới tình báo thường gọi là "Điệp viên không tên".

Trong lốt một đứa con bị vứt bỏ

Erwin van Haarlem tên thật là Vaclav Jelinek, sinh ngày 23-8-1944 tại ngôi làng nhỏ Modrany ở gần Prague, thủ đô Cộng hòa Séc. Cha ông là chủ một lò bánh quy và kem trong làng, vì thế gia đình ông cũng thuộc loại khá giả.

Thời trai trẻ, Vaclav tràn đầy lý tưởng cộng sản, hăng hái tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, với mơ ước thăng tiến trong đường binh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, lúc Chiến tranh Lạnh lên cao trào, Vaclav lại được chuyển công tác, được phân bổ vào một vị trí trong Bộ Nội vụ Tiệp Khắc.

Công việc nhàm chán của một công chức Bộ Nội vụ khiến Vaclav không thể chịu nổi. Một lần, lãnh đạo cấp trên bắt gặp ông lơ là nhiệm vụ canh gác ở một chốt an ninh để vùi đầu học tiếng Đức. "Sự cố" định mệnh này đã làm thay đổi hẳn cuộc đời Vaclav.

Ông được dẫn giải lên văn phòng làm việc của lãnh đạo cấp trên, trong lòng đinh ninh "chuyến này bị kỷ luật là chắc". Thế nhưng, khi đến nơi, tiếp đón Vaclav là hai sĩ quan của cơ quan cảnh sát mật vụ nhà nước Tiệp Khắc (StB) - một cơ quan tình báo bí mật, liên hệ công tác và báo cáo trực tiếp cho KGB của Liên Xô.

Hai viên sĩ quan StB đã nghiên cứu kỹ hồ sơ về Vaclav Jelinek, trong đó ghi rằng ông là người cứng đầu, ngoan cố, có tính trăng hoa, rất thông minh, có thiên hướng bạo lực, yêu nước và chấp nhận mạo hiểm.

Đây đều là những thông tin mô tả về một điệp viên hoàn hảo, hoàn toàn phù hợp với mẫu người mà StB đang tìm để giao một nhiệm vụ mới, quan trọng. Vậy là Vaclav trở thành điệp viên của StB. Sau một khóa huấn luyện kỹ lưỡng, Vaclav được StB phân công thực hiện một nhiệm vụ bí mật ở nước ngoài, làm gián điệp trong lòng phương Tây.

Để tạo lớp vỏ bọc an toàn cho điệp viên của mình, StB rà soát trong hồ sơ lưu trữ để tìm những người mất tích và đã tìm được một cái tên: đó là Erwin van Haarlem, một thanh niên người Hà Lan, sinh cùng năm cùng tháng, nhưng sinh trước Vaclav đúng một ngày.

Cậu thanh niên này đã bị mẹ ruột bỏ rơi tại trại mồ côi Holesovice, Prague vào cuối Thế chiến thứ II. Các chỉ huy trực tiếp của Vaclav ở StB bảo với anh: "Tên mới của anh là Erwin van Haarlem".

Với cái tên mới, Vaclav xin được một tấm hộ chiếu Hà Lan và đến London bằng tàu hỏa vào năm 1975. Kinh đô xứ sương mù hoa lệ làm cho chàng trai trẻ Prague choáng ngợp với "ngựa xe như nước", thời trang lộng lẫy và cạm bẫy cũng đầy rẫy.

Erwin xin vào làm việc trong nhà hàng Roof trên tầng thứ 24 của khách sạn Hilton trên phố Park Lane, khu Mayfair, với hy vọng có thể do thám các thành viên Hoàng gia ở Điện Buckingham ở cuối phố.

Ban ngày đi làm, còn ban đêm thì Erwin trao đổi những mẩu thông tin bằng mật mã với các lãnh đạo ở Tiệp Khắc thông qua sóng vô tuyến.

Một trong những ý tưởng đầu tiên khi ông đến làm việc ở London là cố gắng cài thiết bị nghe lén vào bàn ghế nội thất của Nữ hoàng Anh. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì ý tưởng này vào thời điểm đó được các chỉ huy StB đánh giá là phi thực tế.

Công việc gián điệp của Erwin diễn ra xuôi chèo mát mái được vài ba năm, đến năm 1977 thì chuyện rắc rối bắt đầu xuất hiện khi người mẹ Hà Lan bỗng dưng "tình mẫu tử trỗi dậy", đi tìm đứa con trai đã thất lạc 33 năm. Mùa đông năm 1977, bà Johanna van Haarlem cuối cùng đã lần ra được dấu vết đứa con trai yêu quý của bà.

Một buổi chiều đi làm về, Erwin nhận được mẩu tin nhắn từ Tiệp Khắc gửi sang: "Mẹ của anh đang cố tìm anh ở Tiệp Khắc với sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ. Nếu Hội Chữ thập đỏ tìm được anh, chúng tôi đồng ý để bà ấy gặp gỡ".

Erwin đọc đi đọc lại mẩu tin nhắn và biết mình cần phải làm gì. Trước đó, vào tháng 10-1977, Erwin đã nhận được một lá thư viết tay của bà Johanna van Haarlem. Đại sứ quán Hà Lan tại Anh đã cho bà ấy địa chỉ nơi ở của anh.

Trong thư, bà Johanna viết rằng bà cảm thấy rất sung sướng khi tìm được và rất mong ngóng được gặp lại "con trai". Theo chỉ thị đã nhận ở trên, Erwin lễ phép trả lời thư bà Johanna vào tháng 11. Và khi anh ngỏ lời mời bà đến London thăm. Bà lập tức đi ngay.

Bà Johanna đến London vào đêm cuối cùng của năm 1977. Sáng ngày 1-1-1978, bà dậy thật sớm, sửa soạn cẩn thận để đi gặp con trai.

Họ gặp nhau, Johanna vui mừng khôn xiết. Nhưng ngay trong cái nhìn đầu tiên bà đã nhận thấy con trai mình có cái gì khác khác. "Bố con tóc không đen như thế đâu" - Johanna nhận xét. Và Johanna cũng nhận xét "con trai" hơi thấp hơn so với vóc dáng to cao của bố.

Điệp viên không tên - Ảnh 1.

Chiếc máy thu âm Erwin van Haarlem dùng để tiếp nhận thông tin liên lạc từ Tiệp Khắc.

Trong căn hộ của Erwin, Johanna kể lại cho "con trai" nghe câu chuyện đời của mình. Ngày ấy, thời thế chiến, Johanna là một cô gái trẻ 18 tuổi ở Hague, Hà Lan. Cô gặp gỡ một chàng thanh niên người Ba Lan trên một chuyến tàu hỏa vào tháng 11-1943. Tên chàng ta là Gregor Kulig, 23 tuổi, là lính phát xít. Kulig to cao, đẹp trai, đã thu hút cô gái trẻ Johanna ngay lập tức.

4 tuần sau, Kulig chiếm đoạt Johanna khiến cô mang thai. Khi biết chuyện, bố của Johanna đã nổi giận đùng đùng, buộc cô phải mang đứa bé đến một nơi xa xôi và vứt bỏ nó đi. Buồn tủi và tuyệt vọng, mùa thu năm 1944, Johanna một mình đi tàu hỏa đến Tiệp Khắc.

Bà tìm đến Viện mồ côi Holesovice ở Prague. Johanna khóc trao đứa bé mới sinh cho người vú nuôi trong Viện rồi từ giã trở về Hà Lan, không hẹn ngày gặp lại. Trở về nhà, Johanna bị bố cấm tuyệt không được đến thăm con, không được nhắc tới tên nó.

Viện mồ côi Holesovice gửi thư yêu cầu đến nhận con về, Johanna cũng không dám phản hồi. Nhưng mỗi năm, cứ đến sinh nhật con thì Johanna vẫn âm thầm thương nhớ núm ruột bé bỏng của mình. Tình thương yêu con cháy bỏng đó đã thôi thúc Johanna đi tìm con, nhưng là 33 năm sau.

"Mẹ hãy tin con. Con là con trai của mẹ" - Erwin van Haarlem khẳng định sau khi nghe những nhận xét có dấu hiệu nghi ngờ của bà Johanna. Không lâu sau cuộc đoàn tụ, bà Johanna mời Erwin đến Hà Lan thăm bà con họ hàng Van Haarlem. Điệp viên Erwin nhận lời, đến Hà Lan để gặp gỡ họ hàng Van Haarlem.

Erwin lễ phép chào hỏi, bắt tay từng người trong gia đình. Họ "nghiên cứu" Erwin kỹ lưỡng từ đầu đến chân. Một cô cháu gái của Johanna tiến đến, nhìn kỹ Erwin từng centimet rồi quay sang "xác nhận" với các thành viên gia đình: "Anh ấy có cái chân Van Haarlem rất đẹp".

Người mẹ phiền toái

Erwin quay trở lại London. Việc có thêm một người mẹ Hà Lan gốc Do Thái càng giúp điệp viên Erwin củng cố thêm vỏ bọc. Nhiệm vụ lúc này của ông là thu thập thông tin tình báo về những người Do Thái đang ở Liên Xô nhưng lại muốn di cư sang phương Tây.

Erwin cũng thu được những thông tin có giá trị về hệ thống cảnh báo tàu ngầm dùng sóng siêu âm của NATO được lắp đặt dưới đáy biển trong Chiến tranh Lạnh.

Điệp viên không tên - Ảnh 2.

Erwin van Haarlem (khoanh tròn) trong chuyến về thăm họ hàng van Haarlem ở Hà Lan đầu năm 1978.

Kể từ khi gặp gỡ người mẹ Hà Lan, Erwin có thêm một cuộc sống mới bề bộn hơn, đôi khi cũng phiền toái. Erwin phải thể hiện tình cảm giả tạo với "người mẹ" của mình.

Erwin phải thường xuyên mua quà cáp, thường xuyên đến Hà Lan thăm hỏi gia đình, họ hàng và đưa mẹ đi chơi đó đây. Có những lúc Johanna sống lại thời son trẻ khiến Erwin nổi cáu. Có khi bà say rượu, gọi điện thoại cho Erwin lúc 3 giờ sáng khiến anh không thể ngủ được.

Rồi bà đòi dọn đến ở chung với Erwin. Erwin bắt đầu lo lắng. Rồi một sự việc ngoài ý muốn đã xảy đến:

Trong lần thăm kế tiếp của bà Johanna, Erwin lái xe đưa mẹ đi chơi ở khu Golders Green thuộc Bắc London, do sơ ý không nhường quyền ưu tiên cho xe khác nên Erwin lịch sự xin lỗi người lái xe kia. Johanna nổi đóa, quát: "Sao con lại xin lỗi chứ? Con sao mềm yếu, nhỏ nhẹ quá! Rõ ràng là tính cách của một người Slav".

Một sự việc tiếp theo xảy ra vào mùa thu năm 1986, trong khi đang lái xe, Erwin phát hiện hai chiếc ôtô bám sát phía sau xe mình. Erwin biết mình đang bị theo dõi.

Lúc này, Erwin đã nghỉ làm việc ở nhà hàng Roof trong khách sạn Hilton sau khi đã leo lên đến chức trợ lý giám đốc bộ phận thu mua, chuyển sang làm một nghệ sĩ tự do và một nhà buôn tranh. Erwin bỏ tiền ra mua căn hộ ở Friem Barnet.

Khi vừa dọn đến chỗ ở mới, Erwin thấy nhiều chuyện lạ liên tục xảy ra, như: một anh kỹ thuật viên bỗng dưng đến sửa điện thoại mà ông không hề yêu cầu; rồi một người đưa thư mới được chuyển đến phát thư; còn những người thợ lau cửa kính thì hết sức "siêng năng", hầu như ngày nào cũng đến lau chùi kính cửa nhà ông.

Trong khi đó, hoạt động truyền tin hàng đêm bằng sóng vô tuyến của Erwin đã vô tình gây nhiễu sóng truyền hình, còn tiếng động phát ra từ việc gõ mật mã đã bị bà Saint, hàng xóm sát vách nhà nhận ra. Tháng 11-1987, bà Saint gọi điện thoại cho cảnh sát trình báo những "hiện tượng lạ" mình phát hiện ở nhà kế bên.

Một buổi sáng thứ bảy tháng 4-1988, trời London se se lạnh, một chiếc xe bịt kín đỗ xịch trước cửa căn hộ của Erwin. Một toán đặc vụ thuộc đơn vị đặc nhiệm của Cảnh sát Đô thị London từ trên xe nhảy xuống, ập vào căn hộ.

Bên trong căn hộ, Erwin vừa ngủ dậy, còn mặc đồ pyjama, ngồi khom lưng bên chiếc máy truyền tin mật mã. Ông bị bắt với nhiều vật chứng thu được trong căn hộ.

Ngày 6-2-1989, Erwin được đưa ra xét xử tại Tòa án London Old Bailey. Bà Johanna được các nhà điều tra yêu cầu ra tòa án làm chứng chống lại Erwin, nhưng bà cho rằng "con trai" bà không phải là điệp viên.

Bà hỏi Erwin, ông khẳng định mình không làm gì có hại cho nước Anh. Tuy nhiên, Erwin phát hiện trên cánh tay bà Johanna một vết đỏ, dấu vết của việc lấy máu để xét nghiệm AND. Kết quả cho biết, "Erwin van Haarlem" hiện tại không phải là con trai ruột của bà. Đất trời như sụp đổ quanh Johanna.

Ngày 4-3-1989, Tòa án London Old Bailey tuyên phạt Erwin 10 năm tù vì tội gián điệp. Ông bị giam ở nhà tù Parkhurst trên Đảo Wight. 5 năm sau (1993), Chiến tranh Lạnh kết thúc, Erwin tuyệt thực để đòi trả tự do, và ông được trả tự do, bị trục xuất về Cộng hòa Séc.

Có vài câu hỏi khiến Vaclav chưa hiểu rõ là: Tại sao "thiên chức làm mẹ" của bà Johanna lại bỗng dưng trỗi dậy xui bà đi tìm con vào đúng thời điểm ngay sau khi ông vừa có được hộ chiếu Hà Lan? Hay là có ai đó đứng sau xúi giục bà?

Vaclav cho rằng có lẽ chính MI-5, sau khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ nào đó đã hướng dẫn bà đến tìm con trai và thực hiện những hành vi khác thường để dò xét, nghiên cứu về Erwin van Haarlem mà bà vừa tìm thấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại