Tôi hẹn Thanh Tú vào một buổi sáng gió mùa se lạnh ở Hà Nội. Đêm hôm trước, Tú cùng đoàn phim “Người bất tử” có một buổi ra mắt thành công, riêng vai Duyên của Tú trở thành tâm điểm giữa các lời khen. Xuất hiện giữa đám đông, trả lời phỏng vấn báo giới, Tú tự tin chia sẻ về bản thân, về vai diễn và nhắc đến quá khứ bão tố của gia đình một cách nhẹ bẫng, lạc quan.
Những ai từng xem các phim có Thanh Tú tham gia và gặp cô ngoài đời có lẽ sẽ chẳng thể tìm thấy nhiều sự liên quan. Tú của “Tháng năm rực rỡ” là một cô nữ sinh nghiện ngập, bộ dạng lúc nào cũng lờ đờ vì phê thuốc. Tú của MV “Duyên mình lỡ” (Hương Tràm) là một cô gái dịu dàng, một minh tinh kiêu sa. Tú của “Người bất tử” là một người phụ nữ miền biển mặn mà, mang trong mình nhiều tâm tư.
Nhưng Thanh Tú của ngoài đời thì là một cô gái trẻ trung, cười rất tươi, lúc nào cũng kè kè cặp kính vì bị cận nặng, ưa thích vận động và thường xuyên chơi các môn thể thao đòi hỏi sức bền như leo núi, đi rừng. Đạo diễn Victor Vũ từng nhận xét về cô: “Trên phim trường thì chững chạc mà ở ngoài như con nít”. Leo lên xe máy, Tú háo hức: “Cho em đi ngồi vỉa hè ăn bún chả Hà Nội. Thèm quá rồi!”.
Tôi từng chụp ảnh Thanh Tú và mẹ cô – diễn viên Kiều Trinh – từ năm 2013 trong một sự kiện điện ảnh tại Hà Nội. Khi đó, Tú mới có bộ phim đầu tay là “Dịu dàng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt nhưng không chiếu rộng rãi trong nước mà chỉ đi các liên hoan phim. Hai mẹ con diện áo dài đôi và Tú luôn đi khép nép bên mẹ, khá rụt rè. Nhiều lúc diễn viên Kiều Trinh phải quay sang nói: “Kìa con, nhìn thẳng vào ống kính để các anh chị chụp hình”. Sau 5 năm, Thanh Tú đã rất tự tin, độc lập và thậm chí còn hơi “tăng động”, dư thừa năng lượng phía sau ống kính, khác hẳn vẻ bẽn lẽn ngày nào.
Tôi rất bất ngờ khi biết về quá khứ thăng trầm của Thanh Tú, và điều đặc biệt hơn nữa là cô nhắc lại những năm tháng ấy một cách nhẹ bẫng, không oán trách, không hờn tủi: “Em đã có lúc sống trong tận cùng đau khổ của bản thân mình, của mẹ. Nếu dằn vặt mãi thì sống không khác nào chết. Phải biết gạt bỏ quá khứ để trở thành một con người mới. Không ai vực dậy được mình ngoài chính mình”.
Trước khi trở thành diễn viên và đạt thành công với phim điện ảnh “Mùa len trâu” vào năm 2004, diễn viên Kiều Trinh vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Phước. Khi lên Sài Gòn lập nghiệp, cô trở thành công nhân may giày và có mối tình đẹp với một chàng trai cũng là công nhân.
Kết quả của mối tình ấy chính là Thanh Tú, chào đời khi Kiều Trinh mới 20 tuổi. Rất ít người nhớ được ký ức khi còn quá bé nhưng Tú vẫn nhớ năm cô ba tuổi, cha mẹ ly dị và cô sống với mẹ trong một căn nhà lá dột nát ở khu quận 7 ngày trước. Một thời gian sau, khi mẹ đi làm xa thì Thanh Tú lại về ở với bà ngoại tận Bình Phước. Những năm tháng tuổi thơ, Tú nhớ là những năm đầu đi học, cô còn phải băng qua nghĩa địa và rất sợ ma. Sau này, Tú lại không thấy sợ ma nữa vì ở giai đoạn giông tố nhất trong cuộc đời là năm 14 tuổi, Tú thấy con người còn đáng sợ hơn ma.
Năm 9 tuổi, Tú lại được bà nội đón lên Hưng Hòa (quận 10). Một thời gian sau, để tiện cho việc đi học thì Tú lại về ở nhờ nhà của một cô bạn mẹ. Tiếp nối sau đó, khi mẹ trở thành diễn viên nổi tiếng thì lại đón cô về ở cùng trong một căn nhà thuê ở đường 3/2. Cứ như vậy, năm nay mới 21 tuổi nhưng Thanh Tú đã có 10 lần chuyển nhà. Tuổi thơ không có lấy một người bạn thân ngoài chiếc máy điện tử bốn nút.
Khi còn sống cùng bố, Thanh Tú rất thân thiết với ông và cả hai thường chơi điện tử cùng nhau, đôi khi là cả ngày. Sau này, chuyển chỗ ở liên tục nên Tú và bố không có nhiều thời gian gần gũi như trước. Nhưng cô vẫn nhớ những ký ức khi cùng bố chơi điện tử, khi được bố đọc thoại trong hết cuốn băng video này tới cuốn băng video khác vào năm 4 tuổi vì khi đó chưa biết chữ mà lại thích xem phim hoạt hình. Đến bây giờ, Thanh Tú vẫn là một “con nghiện” điện tử. Mỗi khi có thời gian rảnh, cô lại ngồi “cày game”.
Tú kể lại giai đoạn kinh khủng nhất trong cuộc đời mình là kéo dài từ cuối năm lớp 8 đến đầu năm lớp 11. Khi đó, cô bắt đầu có em trai cùng mẹ khác cha khi diễn viên Kiều Trinh kết hôn lần hai. Trong khoảng thời gian đó, Tú lần lượt phải chứng kiến sự ra đi của bà ngoại, ông nội và bố. Lúc mẹ sinh em bé, Tú về sống cùng để phụ giúp mẹ nên xa gia đình bên nội. Bố cô mắc bệnh nặng nhưng giấu con gái. Một thời gian sau, bố Tú qua đời và chỉ một thời gian sau, ông nội cô tiếp bước.
Khi đó, Tú đang ở giai đoạn tuổi teen đáng lẽ phải phơi phới, tươi đẹp thì lại bị chấn động tâm lý nặng nề. Cô tự trách bản thân mình, cảm thấy dằn vặt vì không bảo vệ được những người mình yêu thương. Cô tự thu mình với đám đông. Khi đi học, Thanh Tú cũng từng có một nhóm bạn thân nhưng sau đó, cô nhận ra rằng họ chơi với mình chỉ vì nghĩ mình là “con của diễn viên, chắc cũng có nhiều tiền”.
Nhóm bạn tưởng như thân thiết thậm chí còn buông lời lẽ xúc phạm gia đình của Tú. Sợ bị tổn thương khi kết bạn với những người mới, Tú quay về thân thiết với chiếc máy điện tử quen thuộc. Sau giờ tan học, cô lại vào quán điện tử ngồi chơi một mình.
Mới đầu khi về sống cùng mẹ và cha dượng, Thanh Tú cũng nghĩ người cha mới yêu thương mẹ con mình vì mẹ nói rằng ông ấy hứa rất nhiều. Nhưng không. Chuỗi ngày từ sau khi em trai cô chào đời là những ngày bạo hành kéo dài liên miên. Mẹ cô là người yếu đuối, không biết phản kháng lại. Từ chỗ ban đầu chỉ biết cam chịu nhìn cha dượng đánh mẹ tới chảy cả máu, vết thương chằng chịt trên mặt, Thanh Tú bắt đầu phản kháng và cũng trở thành nạn nhân tiếp theo của bạo lực gia đình. Cha dượng coi Tú là chướng ngại vật cản trở tình cảm của ông với mẹ cô.
Trước khi qua đời, bố đẻ nói với Thanh Tú một câu mà cô in sâu trong tâm trí mãi tới tận bây giờ: “Không ai bảo vệ được con bằng chính bản thân con”. Năm 16 tuổi, trong một lần chứng kiến cha dượng đánh mẹ tới mức đổ máu, Tú nhận ra rằng không thể để bị ức hiếp được nữa. “Mình sinh ra là phụ nữ đã là yếu đuối rồi nhưng phải nhận thức được rằng bản thân cần được bảo vệ”.
Tú phản kháng mạnh mẽ khiến mẹ cô cũng phải bất ngờ. Khi đó, Tú đã nghĩ mình chịu đựng đủ rồi, nếu vẫn ở bên cạnh người đàn ông này thì sống không bằng chết, cần phải đứng lên bảo vệ mẹ, bảo vệ em trai.
Mẹ cô cũng dần nhận thức được việc phải chấm dứt cảnh bạo hành gia đình này để bảo vệ các con. Đến một ngày, khi mẹ của Tú vắng nhà để đi chùa ở xa, đó là vào buổi sáng trước khi đến trường đi thi. Cha dượng của cô về nhà sau một đêm ở bên ngoài mà không biết đi đâu. Quên chìa khóa, ông leo lên ban công để vào nhà.
Khi thấy Tú thức giấc, cha dượng lao vào đánh tơi tả. Cô cũng phản kháng lại quyết liệt, hô to lên để hàng xóm lao sang cứu. Vì là ngày thi nên sau đó, Thanh Tú vẫn cố gắng lết đến trường với gương mặt đầy thương tích. Cả trường hôm ấy đồn ầm lên là cô đi đánh nhau chứ không ai biết là Tú bị cha dượng hành hung. Mẹ cô biết chuyện thì nhanh chóng về và ngay trong ngày hôm ấy, Thanh Tú cùng mẹ và em trai leo lên chiếc xe đạp điện trong mưa, rời khỏi ngôi nhà ấy và bỏ lại mọi thứ sau lưng.
Chưa dừng lại ở đó, trong thời gian chung sống, cha dượng đã vay nợ nhiều khoản và đều do diễn viên Kiều Trinh đứng ra ký. Chính vì thế, gia đình cô phải ôm những món nợ từ trên trời rơi xuống mà vẫn chưa trả hết cho đến tận bây giờ.
Ngày trước, diễn viên Kiều Trinh còn bị lừa mua nhà chung cư. Thanh Tú kể lại rằng thời ấy, chuyện bất động sản chưa được rõ ràng như bây giờ mà toàn theo kiểu nhờ người quen mách mối nhau. Một người đàn bà đã lừa cả gia đình cô mấy trăm triệu và cao chạy xa bay, để lại thêm một khoản nợ khổng lồ.
Thanh Tú bắt đầu đi làm từ năm 16 tuổi, với công việc là diễn viên. Khi đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt gặp Tú, anh đã hỏi cô có muốn đóng phim không. Chưa từng qua đào tạo về diễn xuất nhưng việc đóng phim có thể kiếm được tiền hỗ trợ gia đình, Thanh Tú đồng ý và được giao vai chính trong phim “Dịu dàng”, đóng cùng tài tử Dustin Nguyễn.
Những tưởng sẽ có mẹ trợ giúp vì Kiều Trinh cũng tham gia một vai trong phim nhưng không, Thanh Tú được “vứt” vào một môi trường độc lập, phải tự học hỏi, tự thể hiện. Thời điểm ấy, ngoài một số ít cảnh quay chung, Kiều Trinh còn bận rộn với các dự án khác. Thanh Tú kể lại rằng ở tuổi 16, cô tự lập một mình trên phim trường, ai nói gì nghe nấy, ai chỉ bảo gì thì tiếp thu. Chỉ đến khi bắt đầu đi các liên hoan phim, được phỏng vấn thì cô mới dựa vào mẹ.
Số tiền 40 triệu đồng thù lao được Thanh Tú đưa hết cho mẹ, giúp trả nợ và chi tiêu cho gia đình. Nghĩ lại về khoản tiền đầu tiên kiếm được, Tú cho rằng đó là “quá lớn” và cần một người lớn biết chi tiêu giữ nó. Cái cô có được sau vai diễn đầu tiên là cơ hội đưa bản thân mình cởi mở hơn, không còn thu mình trong vỏ ốc như trước đây. Nhưng cái giá phải trả là mối tình đầu đẹp như mơ của tuổi thanh xuân. Trong giai đoạn có nhiều biến cố gia đình, Thanh Tú cũng như bao cô gái khác, vẫn biết rung động, vẫn biết yêu. Mối tình ấy kéo dài tới ba năm, khi Tú bắt đầu trở thành diễn viên. Gia đình của bạn trai khi ấy không muốn con trai họ yêu diễn viên nên Tú quyết định lựa chọn nắm lấy cơ hội để giúp gia đình mình và cũng là để khám phá bản thân.
Khi bắt đầu đi làm diễn viên, cô không xác định bản thân mình theo đuổi nghiệp diễn lâu dài vì đó cũng không phải là đam mê lớn nhất. Tú yêu thích hội họa, âm nhạc hơn nhưng điện ảnh đã dẫn lối cô từ phim này tới phim khác. Sau này, khi tiếp xúc với các đàn chị như Trần Nữ Yên Khê hay Đinh Ngọc Diệp, Tú nhận ra rằng việc phát triển theo hai hướng đi song song là điều hoàn toàn có thể. Trần Nữ Yên Khê vốn là một diễn viên nhưng cũng là một đạo diễn mỹ thuật, Đinh Ngọc Diệp cũng có xuất phát điểm là đạo diễn nhưng cũng rất mạnh về mảng sản xuất phim. Thanh Tú tiết lộ đó chính là hai người phụ nữ truyền cảm hứng cho cô tiếp tục với nghề diễn viên.
“Trước đó, tôi nghĩ rằng mình đi làm diễn viên chỉ để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng chờ cô Khê và chị Diệp, tôi nghĩ mình nên chọn cái gì bổ trợ được cho nhau. Từ nay về sau, con đường của tôi còn dài. Nếu tổ nghiệp cho còn duyên với nghề thì tôi sẽ giữ duyên đó, còn không thì cũng sẽ có đường phát triển riêng. Bản tính tôi vốn lo xa dù mới 21 tuổi”.
Chỉ sau 5 năm đóng phim, Thanh Tú trở thành nguồn kinh tế chính trong gia đình ở tuổi 21, giúp mẹ nuôi hai em nhỏ và cả ông ngoại. Tiền đi đóng phim, cô đưa hết cho mẹ. Với những dự án nhỏ lẻ hoặc đi chụp ảnh lookbook, cô giữ lại để “phòng thân” và cũng tự thưởng cho mình đam mê shopping, du lịch như bao cô gái khác.
Món đồ đầu tiên mà Thanh Tú tự thưởng từ khi kiếm ra tiền là một chiếc đàn Piano điện tử. Cô kể rằng khi đó là gần sinh nhật năm 18 tuổi, vì quá thích đàn nên đã xin mẹ dùng cát-xê đóng phim để tự đi mua, chở về trên chiếc xe máy và ngồi mân mê từng phím đàn. Học phí Piano rất cao nên Thanh Tú thường tự học trên Youtube. Mặc dù không có nhiều thời gian tập trung cho môn nghệ thuật “đắt đỏ” này, Thanh Tú tiết lộ cô đã tự chơi được một nửa bản nhạc mình yêu thích nhất là “Think of Me” trong vở nhạc kịch “The Phantom of the Opera” (Bóng ma trong nhà hát).
Thừa hưởng nhan sắc từ mẹ và luyện tập thể thao từ nhỏ, Thanh Tú sở hữu những đường cong gợi cảm. Khi nói về chuyện nhiều người đẹp trong showbiz hiện nay đã đẹp rồi nhưng vẫn muốn qua “dao kéo” để đẹp hơn nữa, Thanh Tú hoàn toàn tán thành chuyện đó. Cô nói: “Bản thân mình không hài lòng thì mình có quyền thay đổi, đó là lựa chọn của mỗi người. Nhưng với cùng một số tiền, tôi sẽ lựa chọn… đi du lịch” (Cười lớn).
Đầu năm nay, Thanh Tú đã được đi khám phá hang động lớn nhất thế giới – Sơn Đoòng – ở Quảng Bình. Tú nhẩm tính số tiền bỏ ra để phẫu thuật thẩm mỹ bằng với số tiền cô có thể đưa gia đình mình đi chơi, đi du lịch nước ngoài. “Tôi có thiên hướng về gia đình và luôn muốn gắn kết, tạo ra được kỷ niệm. Tôi luôn mong ước được đưa mẹ, ông ngoại và hai em đi Nhật Bản ngắm hoa anh đào”.
Hiện nay, Thanh Tú cùng mẹ Kiều Trinh và hai em vẫn ở nhà thuê và cố gắng trả nốt số nợ trong giai đoạn sống cùng cha dượng. Em út của cô chào đời năm 2016, là kết quả của mẹ với một người đàn ông bí mật mà hai người đã không thể đến được với nhau. Ông ngoại của Tú sống ở Bình Dương cùng một người anh em họ. Rất nhiều lần cô đề nghị ông lên sống cùng mẹ con cô nhưng ông đều từ chối và nói: “Thôi khi nào mấy mẹ con có nhà cửa đàng hoàng thì sẽ về ở cùng”.
Ông của Tú từng bị tai biến và đi lại hơi khó khăn nhưng vẫn không muốn vướng bận con cháu. Đó là một trong những động lực khiến Thanh Tú đặt ra mục tiêu đến năm 24 tuổi, khi tốt nghiệp đại học là cô có thể tự tay mua được một căn nhà đầu tiên cho gia đình mình.
Đang trở thành nguồn kinh tế chính kiếm tiền giúp gia đình nhưng Thanh Tú cũng xác định việc học là quan trọng nhất. Cô đang là sinh viên ngành thiết kế của Đại học Hoa Sen, ngày ngày vẫn lên giảng đường, còn nhận được học bổng giảm trừ do kết quả tốt.
“Nếu tôi cậy sức trẻ đi đóng phim nhiều quá mà xao lãng việc học thì sẽ phụ lòng bố. Trước khi ra đi, bố đã dặn tôi phải ăn học cho đàng hoàng. Làm diễn viên cho mình những thành công nhất thời nhưng để đi đường dài thì cần phải học”.
Ở Thanh Tú có một sự lạc quan và nguồn năng lượng tích cực rất mạnh mẽ. Cô có thể kể lại những chuyện bi kịch nhất của bản thân một cách nhẹ bẫng và trong từng lời nói đều thể hiện niềm hy vọng vào tương lai dù cuộc đời có đối xử với mình tới đâu.
“Khi đi qua những đau khổ tột cùng của cuộc đời, tôi nhận ra việc dằn vặt quá khứ sẽ chỉ khiến sống không khác gì chết. Ký ức mãi là ký ức, phải biết gạt bỏ để hướng đến ngày mai. Tinh thần bi quan hay lạc quan là do chính bản thân mình quyết định”.