Một khoảng rừng Amazon bị thiêu rụi ở gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong 4 tháng đầu năm nay, Brazil mất 1.157 km2 rừng Amazon (gần bằng diện tích thành phố Los Angeles của Mỹ), giảm 4% so một năm trước.
Tình trạng phá rừng Amazon tiếp tục tăng đã tạo áp lực lớn đối với Chính phủ Brazil. Nước này đứng trước sức ép phải ngăn chặn vấn nạn tàn phá khu vực rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế biến đổi khí hậu, nhất là khi Brazil muốn nhận được khoản ngân sách hỗ trợ từ Mỹ để chi trả cho các nỗ lực bảo tồn rừng Amazon.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ tổ chức tháng 4 vừa qua, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã cam kết tăng cường tài trợ cho việc thực thi luật môi trường và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, cũng như yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp 1 tỷ USD để chi trả cho các nỗ lực bảo tồn rừng Amazon.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ xem xét đề nghị của phía Brazil, song yêu cầu quốc gia Nam Mỹ này cần phải có những hành động ngay lập tức để đẩy lùi nạn phá rừng trong năm nay.
Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và số vụ cháy rừng tại Brazil đã tăng vọt kể từ khi ông Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019. Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng vấn nạn phá rừng gia tăng là do chính phủ của ông Bolsonaro phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, cũng như cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường.
Dự án Giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) mới đây công bố báo cáo cho thấy năm 2020, rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh, tăng 17% so với năm trước.
Theo MAAP, hơn 65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil. Quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã mất tổng cộng 1,5 triệu ha rừng trong năm qua, tăng hơn 13% so với năm trước đó. Diện tích rừng bị tàn phá ở Brazil gần gấp đôi diện tích Puerto Rico và chủ yếu tập trung ở miền Nam nước này.