Điên đảo vì bê bối, tuần ác mộng của Facebook mới chỉ bắt đầu

Linh Anh |

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang bị "bao vây" bởi Phố Wall, Washington và cả châu Âu.

Hôm thứ 20/3, Facebook đã chính thức trở thành mục tiêu để mắt của Chính phủ Mỹ xung quanh những vấn đề bảo mật dữ liệu. Trong khi đó, các nhà đầu tư không muốn cổ phiếu họ mua mất tới 60 tỷ USD giá trị thị trường.

Thế giới đang quan tâm rất nhiều tới mạng xã hội khổng lồ có trụ sở tại Menlo Park, California sau thông tin dữ liệu từ 50 triệu tài khoản cá nhân đã bị Cambridge Analytica lợi dụng để phục vụ cho cuộc đua vào Nhà Trắng của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. 

Thậm chí, công ty này còn bị cáo buộc liên quan tới các chiêu trò bẩn trong các cuộc bầu cử trên khắp thế giới.

Facebook đang phải vật lộn để tìm cách giải quyết vấn đề, vốn đang lan rộng hơn nhiều so với dự đoán của họ. Ngay cả các nhân viên của Facebook cũng không được biết mạng xã hội này sẽ làm gì. Cuộc họp nội bộ nhằm giải đáp thắc mắc của các nhân viên Facebook không có sự tham gia của các nhà lãnh đạo cao nhất.

Với Facebook, cơn ác mộng vẫn đang kéo dài.

Các nghị viện yêu cầu Zuckerberg trình diện

CEO Facebook Mark Zuckerberg có thể sẽ phải sắp xếp lịch để ghé thăm Quốc hội các nước châu Âu nhằm xoa dịu các nhà làm luật. 

Damian Collins, người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nghị viện Anh về các vấn đề mạng xã hội trong các cuộc bầu cử, đã mời Zuckerberg trả lời về cái gọi là "sự thất bại thảm khốc của một quá trình". Ngay sau đó là lời mời từ Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani.

 Điên đảo vì bê bối, tuần ác mộng của Facebook mới chỉ bắt đầu  - Ảnh 1.

Ngoài ra, Ủy viên Công tố EU Vera Jourova cũng cho biết bà đã lên kế hoạch để thảo luận với Facebook về các vấn đề trên trong chuến thăm Mỹ tuần này. Trong khi đó, cơ quan điều hành viễn thông của Italy AGCOM cũng đã yêu cầu Facebook cung cấp các thông tin về sử dụng dữ liệu người dùng.

Hiện tại, Zuckerberg và COO Sheryl Sandberg vẫn chưa chính thức lên tiếng về bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng.

Cơ quan Quản lý Mỹ để mắt

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang xem xét liệu Facebook có vi phạm các điều khoản của một nghị định được thông qua năm 2011 liên quan tới các chính sách bảo mật hay không.

FTC là cơ quan chuyên trách theo dõi sự tuân thủ chính sách về bảo mật của các công ty Mỹ. Nếu một công ty vi phạm, họ có khả năng sẽ phải chịu phạt bằng tiền.

Facebook cho biết họ sẽ tiến hành các cuộc họp cấp chuyên viên với 6 ủy ban quốc hội vào thứ 3 và thứ 4. Trong số đó có Ủy ban Tư pháp Hạ viện và Thượng viện Mỹ cũng như ủy ban phụ trách thương mại và tình báo của Quốc hội.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của Ủy ban Tình báo Thượng viện cho biết "sẽ là rất có lợi cho Facebook khi họ đứng lên và nói về cách thức mà họ sử dụng để bảo vệ sự riêng tư của người dùng cũng như các động thái để chống lại những hành động xấu xa".

Các tổng chưởng lý của New York và Massachusetts cũng đã gửi thư yêu cầu tới Facebook, bước đầu tiên mở màn cho một cuộc điều tra chung.

Mất mát lớn

Giá cổ phiếu Facebook đã giảm 6,2% trên sàn giao dịch New York và giảm hơn 11% so với thời điểm đóng cửa ngày 17/3, khiến 60 tỷ USD vốn hóa thị trường bị thổi bay. Con số này còn nhiều hơn tổng giá trị thị trường của Tesla.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng đã bị các cổ đông kiện ra tòa án liên bang San Francisco hôm 20/3 vì bị thua lỗ nặng sau bê bối liên quan tới Cambridge Analytica thu thập trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook.

Sau sự trượt giá kéo dài, các nhà phân tích phố Wall đang đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu Facebook với mức tiềm năng lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, không ai trong số 43 nhà phân tích khuyên nhà đầu tư mua cổ phiếu Facebook nghĩ rằng bê bối đã qua với mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Cambridge Analytica sa thải CEO

Bê bối liên quan tới dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook đã khiến CEO Alexander Nix bị sa thải. Theo đó, Hội đồng quản trị của Cambridge Analytica đưa ra quyết định trên sau cáo buộc ông Nix có những việc làm không đúng đắn như hối lộ các chính trị gia bằng tiền và gái mại dâm cũng như truyền bá thông tin sai lệch.

 Điên đảo vì bê bối, tuần ác mộng của Facebook mới chỉ bắt đầu  - Ảnh 3.

Alexander Nix, CEO của Cambridge Analytica.

Kênh Tin tức 4 của Anh đã phát sóng một phóng sự điều tra kéo dài 3 phần, phanh phui những bí mật đen tối của Nix trong việc sử dụng dữ liệu phi pháp nhắm mục tiêu vào chiến dịch tranh cử của ông Trump ở Mỹ hay Cambridge Analytica sử dụng máy chủ khác để giao tiếp với khách hàng qua email mà không để lại bằng chứng.

Thậm chí, Cambridge Analytica còn bị cáo buộc liên quan tới cuộc bầu cử ở Kenya với sự bùng phát bạo lực làm 92 người thiệt mạng.

Suy giảm người dùng

Khi Facebook tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ dữ liệu, nhiều người dùng đang nghiêm túc nghĩ tới việc thoát hoàn toàn khỏi ứng dụng này. Trên các mạng xã hội khác, nhiều người cho biết họ đang xóa tài khoản để không trở thành nạn nhân của các trò bẩn thỉu.

Tăng trưởng của Facebook cũng đang có dấu hiệu sụt giảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại