Trang điện tử của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 30/3 đăng bài của nhà báo người Anh Sean Fleming với tựa đề "Việt Nam cho thấy cách có thể chữa COVID-19 với nguồn lực hạn chế".
Bài báo cho biết, đến nay Việt Nam không có trường hợp tử vong nào do đại dịch; Chính phủ đã hành động nhanh chóng, đình chỉ các chuyến bay, đóng cửa trường học và cách ly 14 ngày những người từ nước ngoài đến.
Tác giả đặt câu hỏi, làm thế nào mà một quốc gia có nguồn lực hạn chế có thể đối mặt với một đại dịch toàn cầu khiến cả những nước phát triển cũng lâm vào tình trạng hệ thống chăm sóc sức khỏe bị khủng hoảng? Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là điểm sáng về cách làm với nguồn lực hạn chế.
Khác với các nước châu Á giàu có khác, Việt Nam không thể tiến hành thử nghiệm hàng loạt. Ví dụ Hàn Quốc đã thử nghiệm 338.000 người.
Tại Việt Nam, con số thử nghiệm chỉ ở mức 15.637 người (số liệu cho đến ngày 20/3). Nhưng bằng cách tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình, quốc gia này đã giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã hành động mau lẹ.
Ngay từ ngày 1/2, Việt Nam đã khởi động một loạt các sáng kiến để chống sự lây lan của Covid-19: đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; đóng cửa các trường học.
Hai tuần sau, kiểm dịch 21 ngày được áp đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc Hà Nội. Những nỗ lực chủ động của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước đã trải qua sự cải thiện lớn về chất lượng cuộc sống sau hai thập kỷ qua.
Từ năm 2002 đến 2018, sự chuyển đổi kinh tế đã giúp đưa hơn 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo. GDP bình quân đầu người đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 2.500 USD trong năm 2018, mức tăng trưởng GDP thực tế là 7,1%.
Y tế quốc gia cũng được cải thiện: tuổi thọ tăng từ 71 năm 1990 lên 76 năm 2015. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng đang được cải thiện, tuy vẫn còn nhiều điều phải làm.
Ở Việt Nam có khoảng 8 bác sĩ trên 10.000 người dân. Italia và Tây Ban Nha đều có 41 bác sĩ trên 10.000 người dân, Mỹ có 26 và Trung Quốc có 18. Việt Nam đã đưa ra quyết định nhanh chóng và đã ban hành các quyết định kịp thời.
Ngoài ra, Việt Nam còn có nền văn hóa giám sát mạnh mẽ, người dân sẽ thông báo về hàng xóm của mình nếu họ nghi ngờ có hành động sai trái. Bất kỳ người nào chia sẻ tin giả, thông tin sai lệch về virus Corona có nguy cơ bị cảnh sát đến, đã có khoảng 800 người bị phạt về điều này.
Với nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã làm cho sự bùng phát dịch bệnh này ở trong tầm kiểm soát.
Ngày 28/3, một số trang báo Pháp đăng bài phân tích làm thế nào Việt Nam - một nước "đang phát triển", một trong những nước có nguy cơ cao nhất do ở gần Trung Quốc - lại làm tốt hơn Pháp trong ứng phó với Covid-19, đánh giá Việt Nam đã thực hiện một chiến lược "chi phí thấp" nhưng hiệu quả.
Việt Nam rất quyết liệt trong việc tìm các ca nhiễm và những người tiếp xúc. Cách làm này đã rất hiệu quả khi Việt Nam ứng phó với dịch SARS cách đây 16 năm. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch được thực hiện rộng khắp các thành phố và làng xã. Người dân nâng cao ý thức, đeo khẩu trang mọi lúc.
Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn SMS để thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, việc cách ly được thực hiện quyết liệt… Chính phủ tiến hành giám sát rất chặt chẽ nhưng người dân rất đồng tình. Kết quả về bảo vệ con người tại Việt Nam tốt hơn ở Châu Âu và Mỹ.
Tuy vậy, thiệt hại kinh tế chưa rõ sẽ lớn đến đâu.