Điện đàm với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ chỉ trích thẳng thừng: "TQ đã có âm mưu từ trước"

Hồng Anh |

Trong cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước Trung-Ấn, ngoại trưởng hai bên đều đã chỉ trích các binh sĩ của đối phương vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng, theo SCMP.

Hôm thứ 4 (17/6) vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc các binh sĩ Ấn Độ khơi mào cuộc đụng độ tại biên giới hôm 15/6 khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, trong khi phía New Delhi lại nói rằng các binh sĩ Trung Quốc "hoàn toàn chịu trách nhiệm" về vụ việc này, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin.

Cụ thể, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên kể từ sau vụ đụng độ chết người sau hơn 4 thập kỷ, ông Vương Nghị đã đề nghị người đồng cấp Ấn Độ - ông Subrahmanyam Jaishankar - rằng hai nước cần giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại và duy trì sự an toàn tại vùng biên giới.

Trong khi đó, phía Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết ông Jaishankar đã cực lực phản đối vụ đụng độ và nói rằng vụ việc này có thể sẽ gây ra "tác động nghiêm trọng" tới mối quan hệ của hai nước.

Cụ thể, ông Jaishankar đã cáo buộc phía Trung Quốc vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng mà hai nước từng ký kết hồi đầu tháng 6, khi các binh sĩ Trung Quốc vi phạm Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở phía Ấn Độ, cụ thể là vùng đất ở thung lũng Galwan - khu vực xảy ra vụ đụng độ tối 15/6.

"Phía Trung Quốc đã toan tính và có âm mưu từ trước, và họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì đã gây ra đụng độ bạo lực và thương vong", Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ngoại trưởng hai nước Trung-Ấn cũng đã đồng ý giải quyết tình hình "một cách có trách nhiệm", đồng thời cam kết sẽ không có động thái khiến căng thẳng thêm leo thang.

Theo SCMP, cuộc điện đàm cấp cao của hai vị ngoại trưởng là động thái mới nhất của hai nước nhằm giảm căng thẳng sau khi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ được xác nhận tử vong sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan. Phía Trung Quốc xác nhận "có thương vong" nhưng lại không công bố thông tin này.

Trong khi đó, trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình địa phương hôm 17/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định rằng New Delhi không muốn chiến tranh với Trung Quốc, nhưng sẵn sàng chiến đấu nếu đó là điều cần thiết.

"Tôi xin đảm bảo với người dân cả nước rằng việc các binh sĩ của chúng ta hy sinh sẽ không trở nên vô ích. Đối với chúng ta, sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước là điều quan trọng nhất... Ấn Độ muốn hòa bình, nhưng sẽ đáp trả nếu bị khiêu khích", Thủ tướng Modi cho biết.

Điện đàm với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ chỉ trích thẳng thừng: TQ đã có âm mưu từ trước - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Một vụ đấu khẩu của binh sĩ hai nước Trung-Ấn.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Jaishankar, ông Vương đã cáo buộc các binh sĩ Ấn Độ vượt qua đường LAC sang lãnh thổ Trung Quốc và vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng của hai nước.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương cho biết các binh sĩ Ấn Độ đã khiêu khích và tấn công các binh sĩ Trung Quốc "chỉ có nhiệm vụ liên lạc" tại khu vực biên giới giữa hai nước.

"Một lần nữa, Trung Quốc mạnh mẽ phản đối Ấn Độ và yêu cầu phía Ấn Độ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện... và chấm dứt mọi hành động khiêu khích để đảm bảo điều tương tự sẽ không tái diễn. Ấn Độ đừng nên tính toán sai lầm về tình hình và coi thường quyết tâm gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố trong cuộc điện đàm.

Căng thẳng khó leo thang thành chiến tranh?

Trước đó, trong cùng ngày 17/6, phía Bắc Kinh cũng cho biết binh sĩ hai nước Trung-Ấn đang cùng nỗ lực giải quyết căng thẳng tại biên giới "thông qua đối thoại", theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.

Ông Triệu cũng cáo buộc Ấn Độ vi phạm thỏa thuận và không công bố số liệu thương vong chính thức của phía Trung Quốc, tuy nhiên ông này khẳng định rằng tình hình tại khu vực biên giới đã "ổn định" "được kiểm soát".

Trong khi Ấn Độ đau đớn vì cái chết của 20 binh sĩ, thì chính quyền của Thủ tướng Modi cũng phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ phía dư luận và các quan chức nước này về một lời đáp trả tương ứng sau vụ đụng độ được đánh giá là nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại khu vực biên giới trong suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Liên minh các Thương nhân Ấn Độ cho biết họ sẽ yêu cầu 70 triệu thành viên tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc, và người đứng đầu liên minh này, ông Praveen Khandelwal, đã tiết lộ về kế hoạch yêu cầu chính phủ cấm các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, theo SCMP, hai nước Trung-Ấn dường như không có ý định khiến tình hình thêm căng thẳng hay kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước, dù cả hai bên đều đổ lỗi cho đối phương.

Ông Cheng Xizhong, một giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Tây Nam Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh không muốn lịch sử xung đột vũ trang năm 1962 giữa nước này và New Delhi lặp lại một lần nữa, dù quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu "nếu cần thiết". Có lẽ đó là lí do khiến truyền thông Trung Quốc gần như im lặng về vấn đề này.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại