Điện đàm Trump - Tập: Khác biệt từ thông cáo của Nhà Trắng và Trung Nam Hải cho thấy điều gì?

Thủy Thu |

Tuyên bố của Nhà Trắng tuy ngắn những lượng thông tin truyền tải lại dày hơn của Bắc Kinh về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đêm 9/2 (giờ Washington) tức sáng 10/2 (giờ Bắc Kinh), chính phủ hai nước Trung-Mỹ đồng loạt đưa ra tuyên bố về cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước Trung-Mỹ kể từ khi ông Trump chính thức lên nhậm chức hôm 20/1 vừa qua.

Đa chiều (Mỹ) nhận định, từ tuyên bố của Nhà Trắng và Trung Nam Hải cho thấy, nguyên nhân mấu chốt của cuộc điện đàm này diễn ra "chậm trễ" nằm ở thái độ và lập trường của tân Tổng thống Mỹ đối với nguyên tắc "một Trung Quốc".

Bởi theo nội dung tuyên bố, trọng tâm của cuộc đối thoại này là chính sách "một Trung Quốc", những vấn đề nóng khác trong khu vực và trên thế giới như vấn đề Triều Tiên và biển Đông đều không được hai bên đề cập tới.

Tờ này đưa ra phát hiện rằng, tuyên bố của Nhà Trắng tuy ngắn những lượng thông tin truyền tải lại dày hơn của Bắc Kinh.

Bốn điểm nổi bật

Thứ nhất, thời gian cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Trung-Mỹ diễn ra tương đối dài cho thấy phạm vi các vấn đề được đề cập tương đối rộng.

Thông cáo Nhà Trắng cho biết, cuộc điện đàm diễn ra trong thời gian dài với rất nhiều vấn đề đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận. Đại diện hai nước cũng sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận, đàm phán về các vấn đề mà cả hai cùng quan tâm.

Điện đàm Trump - Tập: Khác biệt từ thông cáo của Nhà Trắng và Trung Nam Hải cho thấy điều gì? - Ảnh 1.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ đã được truyền thông Trung Quốc đồng loạt tung hô. Ảnh: Reuters.

Thứ hai, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố rõ rằng: "Tổng thống Donald Trump đã đồng ý với yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc tuân thủ chính sách 'một Trung Quốc' của chúng ta", - (President Trump agreed, at the request of President Xi, to honor our "one China" policy).

Đa chiều nhận định, cú pháp câu cho thấy, Nhà Trắng nhấn mạnh, đây là một "yêu cầu" từ phía ông Tập Cận Bình.

"Chính sách 'một Trung Quốc' ở đây không phải là "một Trung Quốc" do Bắc Kinh đề ra mà đó là chính sách "một Trung Quốc" do Washington duy trì. Tức là ngoài ba thông cáo chung Trung-Mỹ, còn có Đạo luật quan hệ Đài Loan.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Đạo luật quan hệ Đài Loan và 6 Đảm bảo của Mỹ với Đài Loan có vị thế bình đẳng với ba thông cáo chung Trung-Mỹ, trở thành nền tảng duy trì chính sách "một Trung Quốc" của Washington.

Trong khi, thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại viết: "Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn hiểu rõ tầm quan trọng của việc chính phủ Mỹ tuân thủ chính sách 'một Trung Quốc'. Chính phủ Mỹ sẽ duy trì tuân thủ chính sách 'một Trung Quốc'.

Chủ tịch Tập Cận Bình tán đồng việc Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh chính phủ Mỹ duy trì chính sách 'một Trung Quốc' và chỉ ra nguyên tắc 'một Trung Quốc" là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ".

Thái độ của Tổng thống Mỹ trong tuyên bố của Trung Nam Hải thiên về việc "tuân thủ 'một Trung Quốc' và nhấn mạnh, "một Trung Quốc" là nền tảng chính trị của hai nước, duy trì chính sách này là sự đồng thuận lớn nhất của hai bên.

Thứ ba, tuyên bố của Nhà Trắng mang ý nghĩa hồi đáp những bình luận cho rằng quan hệ hai nước đã rơi vào cục diện bế tắc.

Trong thông cáo, Nhà Trắng cho biết, cuộc điện đàm diễn ra trong bầu không khí vô cùng thân mật, Trump - Tập còn gửi lời chúc tốt đẹp đến nhân dân hai nước.

Thứ tư, cuộc điện đàm có ý nghĩa mở đường cho những cuộc tiếp xúc về sau của hai bên.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, hai ông Trump - Tập đều mời đối phương xúc tiến những chuyến công du cũng như đặt kỳ vọng vào cuộc hội đàm sớm.

Đa chiều nhận định, cuộc điện đàm diễn ra ngay trước thềm chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Điều này giúp Bắc Kinh "xóa bỏ một số kỳ vọng của Tokyo trong chuyến công du của ông Abe".

Tờ này cho rằng, cuộc đối thoại là kết quả được phát huy từ "thế lực mềm mỏng" trong nội các chính quyền Trump. "Thế lực mềm mỏng" này có thể kể đến vợ chồng ái nữ Ivanka Trump và tân Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Theo Financial Times (Anh), cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ diễn ra chỉ vài giờ sau khi cuộc họp tại Nhà Trắng giữa ông Trump và tân Ngoại trưởng Rex Tillerson kết thúc. Tại cuộc họp, ông Tillerson đề nghị Tổng thống tiếp tục duy trì chính sách "một Trung Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại