Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh

Thùy Dương |

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 622.000 ca bệnh COVID-19 và trên 11.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 79,6 triệu ca, trong đó trên 1,74 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 161.000 ca), Brazil (57.268 ca) và Anh (39.036 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.407 ca), Mexico (816 ca) và Brazil (718 ca).

Người dân khắp thế giới đón Giáng sinh trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành mạnh, khiến nhiều nước phải phong tỏa, áp đặt các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ.

Châu Mỹ: CDC Mỹ khuyến cáo người dân đón Giáng sinh ở nhà

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 1.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Arlington, bang Virginia, Mỹ, ngày 23/12. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã kêu gọi người dân nước này hạn chế đi lại và chỉ nên tận hưởng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh ở nhà để hạn chế dịch COVID-19 lây lan.

Trong hướng dẫn phòng dịch mới nhất, CDC cảnh báo việc đi lại có thể làm tăng nguy cơ lây lan hoặc nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Do đó, cách an toàn nhất để tận hưởng kỳ nghỉ lễ cuối năm là ở nhà, tham gia các bữa tiệc trực tuyến với người thân và bạn bè, tặng quà qua mạng, trang trí nhà cửa hoặc làm đồ thủ công chủ đề lễ hội.

Dù vậy, trên 84,5 triệu người Mỹ đã lên kế hoạch đi du lịch trong mùa Giáng sinh bất chấp tình cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng khắp đất nước.

Khuyến nghị của CDC được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc, tử vong và nhập viện do COVID-19 ở Mỹ ngày càng gia tăng. Theo CDC, trong 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận hơn 1,51 triệu ca mắc COVID-19. Số ca mắc mới trung bình mỗi tuần hiện là 216.000 ca, trong khi số ca tử vong mỗi tuần là hơn 2.600 ca. Hiện vẫn còn 117.777 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trước tình hình này, ngày 23/12, Thị trưởng thành phố New York đã công bố những biện pháp nghiêm ngặt hơn trong kỳ nghỉ lễ. Theo đó, những người đến hoặc trở về New York trong dịp này, đặc biệt từ vùng England của Anh, sẽ bắt buộc phải thực hiện cách ly trong hai tuần. Những người không thực hiện cách ly sẽ đối mặt với mức phạt 1.000 USD. Nhân viên thực thi pháp luật sẽ được triển khai để giám sát việc tuân thủ quy định.

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 2.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 23/12. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, nhận định nếu chiến dịch tiêm vaccine diễn ra suôn sẻ, phần lớn người dân Mỹ sẽ được chủng ngừa và nhiều khả năng nước này sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào mùa Hè tới.

Trả lời phỏng vấn của trang tin WebMD đăng ngày 23/12, Tiến sĩ Fauci bày tỏ tin tưởng rằng những đối tượng được ưu tiên tiêm chủng - như người cao tuổi sống ở viện dưỡng lão, nhân viên chăm sóc y tế, người có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19, sẽ được tiêm vaccine vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2021. Như vậy, đến khoảng giữa hoặc cuối Hè sang năm, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Mỹ có thể có 70-85% dân số được chủng ngừa. Ông đồng thời cho rằng người dân Mỹ có thể tổ chức các sự kiện như đám cưới sớm nhất là tháng 6 hoặc tháng 7/2021.

Châu Á

Israel thông báo lệnh phong tỏa trên toàn quốc lần thứ ba

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 3.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Haifa, Israel ngày 11/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/12, Israel thông báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 27/12. Đây là lệnh phong tỏa thứ ba ở Israel nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, chỉ vài ngày sau khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng bệnh.

Theo thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ được áp đặt từ 17h (giờ địa phương) ngày 27/12 và kéo dài trong 2 tuần. Israel có thể sẽ kéo dài lệnh phong tỏa này thêm 2 tuần nếu số ca nhiễm mới giảm dưới 1.000 ca/ngày. Theo đó, người dân Israel sẽ không được phép đi xa nhà quá 1 km và các cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa, trừ hoạt động giao hàng. Những người phục vụ chương trình tiêm chủng nằm trong trường hợp ngoại lệ và được phép đi lại, các trường học sẽ vẫn mở cửa phần nào cho một số nhóm độ tuổi học sinh.

Israel thông báo lệnh phong tỏa trên sau khi tỉ lệ lây nhiễm ở nước này tăng mạnh trở lại kể từ lệnh phong tỏa thứ hai hồi tháng 9, với tỉ lệ lây nhiễm tính theo đầu người nằm trong số cao nhất trên thế giới. Đến thời điểm hiện tại, Israel với 9 triệu dân, đã ghi nhận 385.022 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.150 ca tử vong.

Hàn Quốc hạn chế các sự kiện đón mừng Năm mới

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 4.

Khuôn viên phía trước Khách sạn Lotte ở trung tâm Thủ đô Seoul rực rỡ sắc màu đón Giáng sinh và chào năm mới 2021. Ảnh: Phạm Anh Nguyên - PV TTXVN tại Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc ngày 24/12 thông báo cấm toàn bộ việc tổ chức và tham gia các sự kiện ngắm Mặt Trời lặn tiễn năm cũ và đón bình minh Năm mới tại các công viên quốc gia trên toàn quốc từ ngày 31/12 đến ngày 3/1/2021.

Quyết định trên được đưa ra theo Lệnh siết chặt phòng dịch trên toàn quốc đã bắt đầu có hiệu lực từ 0h ngày 24/12 tới ngày 3/1/2021 nhằm phòng ngừa lây lan dịch COVID-19 trong dịp Giáng sinh, cuối năm và đầu Năm mới. Trước đây, vào ngày đầu tiên của Năm mới, các công viên quốc gia mở cửa sớm cho du khách từ 2h sáng thay vì 4h sáng như bình thường để du khách lên núi ngắm bình minh.

Tuy nhiên, năm nay, người dân sẽ không thể lên núi trước 7h sáng trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, trong vòng 4 ngày từ ngày 31/12 đến ngày 3/1/2021, toàn bộ các bãi đỗ xe ở công viên quốc gia sẽ phải đóng cửa. Các con đường đi bộ ngắm cảnh cũng sẽ đóng cửa từ 15h hằng ngày trong thời gian trên.

Trung Quốc ngừng vô thời hạn các chuyến bay thẳng đến và đi từ Anh

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 5.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết nước này sẽ đình chỉ vô thời hạn các chuyến bay thẳng đến và đi từ Anh do lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Theo ông Uông Văn Bân, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Trung Quốc quyết định ngừng các chuyến bay đến và đi từ Anh. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan và điều chỉnh linh hoạt các biện pháp kiểm soát tùy theo tình hình.

Số liệu của nhà cung cấp dữ liệu hàng không VariFlight cho thấy hiện nay mỗi tuần có 8 chuyến bay giữa Trung Quốc đại lục và Anh.

Ngày 23/12, cơ quan du lịch Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đã hủy lễ đón mừng Năm Mới thường niên tại thị trấn ven biển Fulong. Hằng năm, Đài Loan thường tổ chức sự kiện ngắm Mặt Trời mọc tại Fulong vào ngày đầu tiên của Năm Mới.

Tuy nhiên, các lễ đón mừng Năm Mới khác trong đêm giao thừa như bắn pháo hoa ở Đài Bắc vẫn diễn ra bình thường, nhưng những người tham dự phải đeo khẩu trang.

Đài Loan hiện ghi nhận tổng cộng 777 ca mắc COVID-19, hầu hết là ca nhập cảnh, trong đó 7 ca tử vong. Đài Loan ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 12/4.

Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 6.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 29/10. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 24/12, Nhật Bản ghi nhận thêm 3.450 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh thủ đô Tokyo và một số vùng khác tiếp tục có số ca nhiễm cao kỷ lục giữa lúc lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay đã lên tới 211.000 ca, trong đó có 3.100 ca tử vong. Tại thủ đô Tokyo, 888 ca nhiễm mới đã được phát hiện trong 24h qua, vượt kỷ lục trước đó ghi nhận vào ngày 17/12 là 821 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này lên 54.018 ca. 3 tỉnh khác lân cận với Tokyo cũng ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục, gồm Kanagawa 495 ca, Saitama 251 ca và Chiba 234 ca. Ngoài ra, tỉnh Aichi và Kyoto lần lượt ở miền Trung và Tây Nhật Bản cũng ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở Tokyo trong tháng 12 đến thời điểm này đã lên tới 13.000 ca, cao hơn mức 9.850 ca ghi nhận trong tháng 11.

Kể từ ngày 17/12, chính quyền Tokyo đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất là cấp 4 do lo ngại hệ thống y tế nơi đây bị quá tải, và yêu cầu người dân hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết. Các nhà hàng, quán bar và các cơ sở phục vụ rượu tại Tokyo đã được yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh là đóng cửa lúc 22h hoặc sớm hơn.

Châu Âu

Biên giới giữa Anh và Pháp vẫn mở cửa vào dịp Giáng sinh

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 7.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh ngày 21/12. Ảnh: THX/TTXVN

Anh cho biết các tuyến đường sắt và đường biển nối giữa nước này và Pháp sẽ vẫn mở cửa trong dịp lễ Giáng sinh để giải tỏa hàng nghìn xe tải bị mắc kẹt ở khu vực biên giới.

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết ông và người đồng cấp Pháp Jean-Baptise Djebbari nhất trí rằng biên giới giữa hai nước tại đường hầm eo biển Manche và eo biển Dove/Calais sẽ vẫn mở cửa trong suốt kỳ Giáng sinh để giúp các phương tiện vận tải và công dân trở về nhà càng sớm càng tốt.

Trước đó, ngày 22/12, Anh và Pháp đã đạt thỏa thuận cho phép các phương tiện lưu thông trở lại giữa biên giới hai bên từ ngày 23/12. Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh lệnh cấm đi lại trong 48 giờ qua nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 đã đe dọa nghiêm trọng các chuỗi cung ứng.

Bồ Đào Nha phát hiện 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 8.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 18/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/12, Viện Y tế Quốc gia mang tên Tiến sĩ Ricardo Jorge (INSA) của Bồ Đào Nha thông báo các nhà khoa học đã phát hiện 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong đợt dịch COVID-19 thứ hai tại nước này.

Ông Joao Paulo Gomes, chuyên gia phụ trách bộ phận phân tích dữ liệu sinh học thuộc Khoa Bệnh truyền nhiễm của INSA, cho biết “trong một nghiên cứu với sự hợp tác của Viện Khoa học Gulbenkian (IGC), các nhà khoa học xác nhận rằng các biến thể mới này có những đột biến không được ghi nhận tại làn sóng thứ nhất”.

Chuyên gia Gomes khẳng định 3 biến thể mới được phát hiện tại tất cả các địa phương của Bồ Đào Nha và đang trong “quá trình thích nghi với người”. Nhiều khả năng, chúng là nguyên nhân chính gây ra đợt dịch thứ hai.

Nhiều khu vực châu Âu tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới và tử vong

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 9.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 23/12. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 24/12, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 trong một ngày ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, với lần lượt là 29.935 ca và 635 ca. Hiện tổng số ca bệnh trên cả nước Nga tăng lên 2.963.688 ca và tổng số ca tử vong là 53.096 ca.

Tại Ukraine, Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov cho biết tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã vượt quá 1 triệu ca. Tính đến ngày 24/12, Ukraine có tổng cộng 1.001.000 ca nhiễm, trong đó 17.395 ca tử vong.

Cũng trong ngày 24/12, Bộ Y tế Séc cho biết nước này ghi nhận 14.054 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 4/11 vừa qua. Số ca mắc mới trong một ngày tại Séc hiện nay lại đang tiến gần đến các mức đỉnh hơn 15.000 ca/ngày như hồi tháng 10-11 và tỷ lệ mắc bệnh trong vòng 7 ngày đã tăng gần 29% vào tuần này. Hiện tổng số ca nhiễm tại Séc tăng lên 660.461 ca.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Séc cũng đã tăng vọt trong làn sóng dịch bệnh thứ 2, tăng hơn 15 lần kể từ đầu tháng 10, lên tổng số 10.776 ca tử vong.

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 10.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Motol, CH Séc ngày 6/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Séc ngày 23/12 thông báo sẽ nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp cao nhất kể từ ngày 27/12 tới, theo đó nước này sẽ áp đặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt hơn, trong đó có đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu, khu trượt tuyết, đồng thời thắt chặt lệnh giới nghiêm và quy định về tập trung đông người.

Tại Đức, tính đến 6h sáng 25/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên trên 1,61 triệu ca sau khi có thêm 26.418 ca mắc mới. Trong vòng 24 giờ qua, Đức cũng ghi nhận thêm 554 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 29.681 ca.

Tại Anh, tỷ lệ mắc bệnh tại vùng England đã tăng trở lại trong tuần tính đến ngày 18/12 vừa qua, với khoảng 645.800 ca (tương đương cứ 85 người thì có 1 người nhiễm). Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS), tỷ lệ mắc bệnh tiếp tục tăng mạnh tại London, khu vực phía Đông vùng England và Đông Nam, trong đó London có tỷ lệ nhiễm cao nhất.

Tình hình tiêm vaccine ở các nước

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 11.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 16/12. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Giám định chất lượng y tế Pháp (HAS) ngày 24/12 cho biết đã phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do 2 hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức bào chế.

Trong khi đó, Thủ hiến New Delhi của Ấn Độ, ông Arvind Kejriwal, thông báo đã xác định 5,1 triệu người dân ở thành phố này trong nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19. New Delhi đã lập và sắp xếp các khu vực bảo quản 7,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, và sẽ tăng lên hơn 10 triệu liều trong tuần tới.

Ngày 23/12, Bộ Y tế Canada thông báo nước này đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine phòng bệnh COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ phát triển. Như vậy, Canada đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới "bật đèn xanh" cho vaccine của Moderna, sau Mỹ.

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 12.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Halton Hills, Ontario, Canada, ngày 28/11. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Costa Rica cũng dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng ngừa ngừa COVID-19 trong ngày 24/12 - một ngày sau khi nhận được lô vaccine đầu tiên.

Cũng tại khu vực Mỹ Latinh, Mexico sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho người dân vào đêm Giáng sinh 24/12, với 3.000 liều vaccine trong lô vaccine đầu tiên mà nước này nhận được từ hãng Pfizer. Chile dự kiến sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tuần sau, trong khi Argentina đang chờ nhận được vaccine Sputnik V của Nga.

Chính phủ Australia vừa hoàn tất ký kết hợp đồng với các công ty phân phối, hậu cần và công ty theo dõi tiến độ phân phối vaccine ngừa bệnh COVID-19 tại nước này kể từ tháng 3/2021, trong đó nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi.

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 25/12: Mỹ khuyến cáo đón Giáng sinh tại nhà; Nhiều nước có ca mắc và tử vong tăng mạnh - Ảnh 13.

Nhà chức trách cùng phi hành đoàn chụp ảnh lưu niệm bên máy bay thuộc hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas của Argentina tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, gần Moskva, Nga trước khi máy bay này chở lô vaccine Sputnik V ngừa bệnh COVID-19 đầu tiên về nước ngày 23/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas của Argentina ngày 23/12 thông báo chuyến bay đặc biệt tới Nga để tiếp nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã tới thủ đô Moskva và dự kiến sẽ quay trở về nước trong ngày 24/12 sau khi nhận đủ 300.000 liều vaccine tiềm năng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong khi đó, Peru đang hy vọng sẽ tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trong quí I/2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại