Quan chức Nga chỉ ra lý do quan trọng dẫn đến chiến dịch quân sự ở Ukraine: Đe dọa của Ukraine về việc nối lại chương trình hạt nhân là một trong những lý do chính buộc Nga phải tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định ngày 7/11.
Chiến trường Ukraine. Ảnh: Anodolu.
Theo ông Dmitry Medvedev, các nhà chức trách Ukraine đang hối hận vì quyết định từ bỏ kho hạt nhân mà họ kế thừa sau khi Liên Xô tan rã.
Ông cho rằng Kiev đưa ra quyết định này trước "sức ép mạnh mẽ" từ Washington. Ông cũng nói rằng tất cả Tổng thống Ukraine, từ ông Leonid Kravchuk cho tới ông Volodymyr Zelensky đều gọi đây là một động thái bắt buộc.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nhận định, Kiev đã "gửi đi những tín hiệu rõ ràng về việc nối lại chương trình hạt nhân. Đó là một trong những lý do chúng tôi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Dmitry Medvedev cho hay.
Nga: Không dễ để Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO: Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko lưu ý rằng để gia nhập NATO, bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng là “kế hoạch hành động” để trở thành thành viên chính thức.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Zvezda, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, không có giải pháp thay thế để gia nhập NATO dành cho Ukraine.
“Không có cách giải quyết nào nhanh chóng để gia nhập NATO”, ông Grushko nói.
Tổng thống Ukraine đề nghị Quốc hội gia hạn tổng động viên thêm 90 ngày: Tổng thống Zelensky vừa gửi lên Quốc hội Ukraine 2 dự luật với nội dung gia hạn thiết quân luật và tổng động viên toàn dân thêm 90 ngày trong bối cảnh xung đột quân sự với Nga đã kéo dài hơn 8 tháng.
Việc gia hạn thiết quân luật và lệnh tổng động viên từng được thông qua vào ngày 15/8 và sẽ kết thúc vào ngày 21/11. Quốc hội Ukraine dự kiến sẽ thông qua đề xuất gia hạn mới của ông Zelensky.
Khi tình trạng quân luật được ban bố, chính quyền Tổng thống Zelensky đã cấm hoạt động chính trị của khoảng 15 đảng dựa trên lý do họ cho rằng các đảng này thân Nga và cổ xúy cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine.
Còn với lệnh tổng động viên, Ukraine đã cấm tất cả nam giới từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước nếu những người này đáp ứng điều kiện tuyển quân. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, các đối tượng này sẽ không được phép rời khỏi nơi sinh sống nếu chưa báo cáo với quân đội.
Triều Tiên phủ nhận cung cấp vũ khí cho Nga: Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay dẫn nguồn tin cho biết Triều Tiên "chưa bao giờ" thực hiện giao dịch vũ khí với Nga và hoàn toàn không có kế hoạch cho vấn đề này.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Mỹ cáo buộc nhiều khả năng Triều Tiên đang cung cấp khí tài quân sự và đạn pháo cho Nga sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine.
EU cảnh báo kinh tế tiếp tục suy giảm vào mùa đông: Ngày 7/11, các quan chức Liên minh châu Âu cho biết nền kinh tế của khối có thể suy giảm trong mùa đông năm nay trong bối cảnh giá cả sinh hoạt và lạm phát tăng mạnh, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang có xu hướng nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni trao đổi với truyền thông cho biết nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực Eurozone đang chậm lại và sự suy giảm sẽ diễn ra trong ít nhất những tháng mùa đông này. Lạm phát ở khu vực đồng Euro đã tăng lên 10,7%.
Tổng thống Putin sẽ gặp người dân giải thích về động viên quân dự bị: Tổng thống Nga Putin vừa tuyên bố ông sẽ gặp trực tiếp người dân, nói chuyện với họ để giải đáp các mối lo lắng của họ về vấn đề động viên một phần lực lượng dự bị.
Dự kiện cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới tỉnh Tverskaya ở miền Trung nước Nga.
Mỹ khẳng định việc giữ liên lạc với Nga là “rất quan trọng”: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang nỗ lực để đảm bảo rằng các kênh liên lạc với Moscow không bị đóng lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 7/11 trả lời báo giới khẳng định, điều quan trọng là phải duy trì các kênh liên lạc với Nga, bất chấp căng thẳng giữa hai nước hiện nay liên quan đến xung đột ở Ukraine.
EU lo sợ phụ thuộc vào Trung Quốc hơn là vào Nga: Quan chức hàng đầu về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell vừa cho hay, khối này phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuyển đổi xanh hơn cả phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Hôm 7/11, ông Borell tuyên bố EU phụ thuộc cao độ vào Trung Quốc về các nguồn cung ứng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi xanh của khối này, khiến châu Âu dễ bị tổn thương.