Ngày đầu tiên vùng Catalonia chính thức bị đặt dưới sự kiểm soát từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha theo phán quyết tuần trước về việc áp dụng điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha đã diễn ra tương đối bình lặng và tránh được các đụng độ an ninh như lo ngại.
Đầu giờ sáng 30/10, hầu như không có quan chức chính quyền vùng Catalonia nào có mặt tại nhiệm sở dù trước đó, các chính trị gia này liên tục kêu gọi “bất tuân dân sự” và khẳng định sẽ tiếp tục công việc hàng ngày bất chấp quyết định từ phía chính phủ Tây Ban Nha.
Nghị viện vùng Catalonia, cơ quan lập pháp bị Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ra quyết định giải tán hôm 27/10, cũng không tiến hành một phiên họp vào đầu giờ chiều như dự định.
Cho đến cuối buổi chiều 30/10, tình hình bắt đầu ghi nhận các diễn biến mới. Hai đảng phái chính trị theo đường lối ly khai ở Catalonia là các đảng Cộng hòa cánh tả ERC và đảng Dân chủ châu Âu Catalonia, PdeCat của chính cựu Thủ hiến Carles Puigdemont lần lượt ra thông báo sẽ tham dự cuộc bầu cử vùng trước thời hạn mà chính phủ Tây Ban Nha ấn định vào ngày 21/12.
Đây được xem là một sự xuống nước lớn của phe ly khai bởi việc tham gia vào cuộc bầu cử ngày 21/12 được xem như là một hành động gián tiếp bác bỏ các yêu sách độc lập mà các đảng này đưa ra sau cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp tại Catalonia hôm 1/10.
Tuy nhiên, trong ngày 30/10, tin tức nổi bật nhất liên quan đến khủng hoảng Catalonia là sự biến mất của ông Carles Puigdemont trên các phương tiện truyền thông.
Đầu giờ sáng, ông Carles Puigdemont đăng một tấm hình chụp trong trụ sở chính quyền vùng Catalonia lên mạng xã hội, nhưng sau đó báo giới và nguồn tin từ chính quyền Tây Ban Nha cho biết ông Puigdemont đã bí mật sang Brucxen (Bỉ) từ đêm 29/10 cùng 5 cựu quan chức trong chính quyền Catalonia.
Sự biến mất đột ngột của ông Puigdemont tạo ra hoài nghi rằng ông này và các cộng sự đang tìm cách xin tị nạn chính trị tại Bỉ.
Thông tin này càng được củng cố hơn bởi trong ngày Chủ nhật 29/10, Quốc vụ khanh phụ trách nhập cư của Bỉ Theo Francken, một thành viên đến từ đảng Liên minh mới vùng Flander- NVA, một đảng cũng có xu hướng ly khai của Bỉ, tuyên bố trước báo giới là ông Puigdemont có thể đệ đơn xin tị nạn tại Bỉ. Tuy nhiên, sau đó đích thân Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã bác bỏ thông tin này.
Trong lúc đó, chính quyền trung ương Tây Ban Nha tiếp tục các bước đi cứng rắn nhằm trừng phạt các lãnh đạo ly khai Catalonia. Chiều 30/10, Viện kiểm soát Tây Ban Nha ra thông báo khởi động quá trình truy tố ông Puigdemont và nhiều thành viên khác của chính quyền Catalonia về các tội danh “nổi loạn, kích động nổi loạn, lạm dụng công quỹ và làm sai chức vụ”.
Các tội danh này nặng hơn so với các cáo buộc trước đó và mức án áp dụng có thể lên tới 30 năm. Đề nghị truy tố này đã ngay lập tức được gửi lên Tòa án tối cao Tây Ban Nha để xem xét và việc theo đuổi các mức án trừng phạt nặng này đang đe dọa sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng Catalonia càng trở nên phức tạp trong những ngày tới./.