Tổng thống Zelensky kiểm tra bộ CLU của tên lửa Javelin hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.
Tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ có tỷ lệ bắn trúng mục tiêu thấp, tầm bắn hạn chế và hay gặp trục trặc về kỹ thuật trên chiến trường Ukraine, truyền thông Nga trích dẫn một số tài liệu nội bộ của nhà sản xuất Raytheon cho biết.
Tài liệu này cũng tiết lộ, kết quả khảo sát từ các binh sỹ Mỹ cho cơ chế hoạt động của tên lửa này rất phức tạp và đôi khi họ không nắm rõ. Chưa kể khả năng bảo trì kém và có nhiều sự cố lặp đi lặp lại.
Tên lửa Javenlin do 2 tập đoàn hàng không và quốc phòng Mỹ Lockheed và Raytheon Technologies hợp tác sản xuất. Liên doanh này đã ký hợp đồng trị giá 309 triệu USD với quân đội Mỹ vào tháng 5, để sản xuất hơn 1.300 hệ thống Javenlin nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và nhu cầu hỗ trợ Ukraine.
Javelin là tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai có điều khiển hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên” hiện đại nhất hiện nay, vượt trội về cơ chế điều khiển so với nhiều loại tên lửa, kể cả Kornet của Nga.
Mỗi tổ hợp Javelin nặng 11,8 kg, chiều dài ống phóng 1,2m, đường kính thân 127 mm. Tên lửa được trang bị đầu đạn nổ cực mạnh nặng 8,4 kg, có tầm bắn hiệu quả là 2.500 m và tầm bắn tối đa gần 5.000m tùy phiên bản.
Người sử dụng chỉ cần ngắm - khóa mục tiêu và bắn là có thể di chuyển vị trí chiến thuật ngay lập tức thay vì phải đứng tại chỗ dẫn đường như thế hệ tên lửa khác.
Tên lửa được đẩy ra khỏi ống phóng bằng một rocket nhỏ, đến một khoảng cách nhất định động cơ chính sẽ được kích hoạt. Sau khi được phóng, tên lửa sẽ bay thẳng lên và lao xuống mục tiêu, với cơ chế tấn công theo kiểu “đột nóc”.
Javenlin sử dụng sử dụng đầu dò hồng ngoại để tự động bám theo mục tiêu mà không cần sự can thiệp của người phóng. Điều này cho phép lính bộ binh nhanh chóng di chuyển ra khỏi vị trí bắn và làm giảm nguy cơ bị đối phương phát hiện.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã cung cấp ít nhất 5.000 tên lửa FGM-148 Javelins cho Ukraine trong khuôn khổ gói hỗ trợ an ninh trị giá 9,8 tỷ USD tính đến ngày 8/8.
Tài liệu nói gì?
Tài liệu nội của nhà sản xuất Raytheon đã công bố một biểu đồ so sánh hiệu quả của Javenlin với các loại tên lửa khác. Biểu đồ cho thấy, Javenlin đạt hiệu quả nhất khi bắn ở khoảng cách 2.500m. Một biểu đồ khác đã so sánh tỉ lệ nhắm trúng mục tiêu của tên lửa Javenlin và tên lửa TOW.
Đối với Javenlin, trong 8 lần phóng thì tên lửa chỉ trúng mục tiêu 3 lần. Còn TOW chỉ trúng mục tiêu 2 lần trong tổng số 14 lần bắn. Tuy nhiên, xác suất trúng mục tiêu cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện thử nghiệm, điều kiện thời tiết, trạng thái của các mục tiêu: cố định hoặc di động.
Tài liệu cũng cho thấy kết quả khảo sát đối với các binh sỹ Mỹ mà truyền thông Nga cho là từng tham chiến ở Iraq và Afghanistan. Trong số 57 người được hỏi thì 18 người cho biết có nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo trì.
Sau khi truyền thông Nga công bố tài liệu này, ông Mike Nachshen – Giám đốc mảng truyền thông quốc tế của Raytheon cho biết: “Công ty của chúng tôi không tạo ra những tài liệu đó và hiệu quả của Javenlin đã được chứng minh trong thực tế”.
Binh sĩ Ukraine với tên lửa chống tăng Javelin. (Ảnh: WSJ)
Binh sỹ Ukraine thiếu sự hỗ trợ
Tháng 6 vừa qua, Washington Post trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết, quân đội Ukraine đang gặp khó khăn trong việc sử dụng các hệ thống tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp.
Theo Washington Post, mặc dù Lầu Năm Góc đã cung cấp một số lượng lớn tên lửa Javenlin cho Ukraine nhưng nhiều chiếc không hoạt động được do thiếu phụ tùng thay thế, hoạt động bảo trì và hướng dẫn sử dụng. Tên lửa Javenlin có cấu tạo phức tạp song hầu như không có tài liệu hướng dẫn đi kèm và đường dây hỗ trợ dành cho binh sỹ Ukraine.
Các khóa huấn luyện cho binh sỹ Ukraine chỉ diễn ra một ngày, trong khi khóa đào tạo cho binh sỹ Mỹ diễn ra 3,5 ngày. Chưa kể, Mỹ đã rút hoàn toàn 200 thành viên của lực lượng vệ binh quốc gia được triển khai tới Ukraine để làm công việc đào tạo sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Washington Post dẫn lời ông Mark Hayward, một cựu quân nhân Mỹ và là huấn luyện viên tình nguyện cho biết: “Chúng ta đang cung cấp vũ khí nhưng chưa tính đến việc hỗ trợ công nghệ”. Ông cho biết, binh sỹ Ukraine đã phải tháo các linh kiện từ bộ điều khiển trò chơi điện tử để thay thế cho một thiết bị hỏng hóc của tên lửa Javenlin.
Trong trường hợp khác, một số binh sỹ cho rằng tên lửa Javenlin đã bị hỏng nhưng sau khi tìm kiếm hướng dẫn sử dụng qua Google họ mới phát hiện ra nó vẫn sử dụng được.
Trong thế kỷ 21, hầu hết các nhà thầu quốc phòng đều cung cấp sự hỗ trợ từ xa cho những loại vũ khí mà họ sản xuất, thế nhưng binh sỹ Ukraine không thể gọi cho bộ phận hỗ trợ vì tài liệu hướng dẫn sử dụng của tên lửa Javenlin, trong đó có cả số điện thoại của đường dây nóng không được chuyển giao cùng với các lô vũ khí.
Từng có ý kiến cho rằng, những trung tâm tiếp nhận cuộc gọi cung cấp sự hỗ trợ về kỹ thuật vẫn là một tài sản quan trọng đối với quân đội Mỹ vì thế chính quyền Biden không sẵn sàng chia sẻ điều này cho Ukraine.
Một vấn đề khác đối với Javenlin là pin điện trong bộ điều khiển tên lửa Javelin thường xuyên cạn kiệt. Nó chỉ có thể sử dụng trong 4 giờ đồng hồ sau khi được sạc đầy và tiêu hao khá nhanh khi tên lửa đã được sử dụng.
Hiện ngành công nghiệp Mỹ đang nỗ lực tăng gấp đôi công suất chế tạo tên lửa Javenlin, từ 2.100 chiếc lên đến 4.000 chiếc mỗi năm. Ông Jim Taiclet - Giám đốc điều hành Lockheed Martin cho biết, công ty có thể mất vài năm để hoàn thiện chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và nhu cầu của Ukraine. Vào tháng 3, Ukraine cho biết họ cần 500 tên lửa Javelin mỗi ngày để ngăn chặn bước tiến của Nga.
Giá thành của Javelin không hề rẻ, ước tính lên đến 200.000 USD cho một hệ thống tên lửa. Vì thế sẽ là một sự lãng phí lớn đối với Mỹ nếu quân đội Ukraine gặp khó khăn khi sử dụng chúng chỉ vì thiếu tài liệu hướng dẫn hoặc đường dây nóng hỗ trợ kỹ thuật. Còn với mỗi binh sỹ Ukraine trên chiến trường, việc không thể sử dụng tên lửa Javenlin đôi khi khiến họ phải trả giá bằng cả mạng sống.