Mặc dù được coi là hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới, tổ hợp Patriot vốn được Ukraine triển khai để bảo vệ các thành phố lớn không khó phát hiện. Radar của chúng phát ra các tần số mà Nga có thể nhận biết được và Moscow đa sử dụng một trong những tên lửa tốt nhất, khó tiêu diệt nhất để tấn công các khẩu đội Patriot của đối phương.
Hệ thống Patriot. Ảnh: Reuters
Tuy vậy, một chuyên gia phòng thủ tên lửa cho rằng, Patriot vẫn có khả năng đánh chặn Kinzhal khi nó trở thành mục tiêu của tên lửa, song vẫn có những giới hạn nhất định.
Mỹ và quân đội Ukraine hồi đầu tháng 5 tuyên bố, hệ thống phòng không MIM-104 Patriot đã bắn hạ được tên lửa KH-47M2 Kinzhal - tên lửa đạn đạo phóng từ trên không tiên tiến, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ tuyên bố này.
Hôm 16/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal nhằm vào hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất ở Kiev trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Ukraine cũng ra thông báo phản bác tuyên bố của Nga.
Các vụ việc trên đã khiến tên lửa Kinzhal và hệ thống phòng không Patriot trở thành tâm điểm chú ý, làm dấy lên những cuộc tranh luận về việc hai hệ thống này có phải là “kỳ phùng địch thủ” của nhau hay không.
Ukraine hiện có 2 tổ hợp phòng không Patriot trong kho vũ khí, một do Mỹ chuyển giao và một do đối tác châu Âu cung cấp.
Những hệ thống này đã giúp lấp đầy khoảng trống năng lực quan trọng, giúp Ukraine chống lại những mối đe dọa mà trước đây họ rất khó đối phó. Với số lượng tổ hợp Patriot hạn chế như vậy, Ukraine không thể để mất bất cứ hệ thống nào.
Nhưng vẫn có những rủi ro tiềm ẩn. Ông Ian Williams, một chuyên gia phòng thủ tên lửa và an ninh quốc tế tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho rằng: “Luôn có khả năng hệ thống Patriot bị bắn hạ”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn có những nhược điểm nhất định. Mặc dù việc tiêu diệt toàn bộ khẩu đội tên lửa rất khó khăn, nhưng đối phương vẫn có thể tấn công hiệu quả nếu họ vô hiệu hóa radar mảng pha của hệ thống.
Trong không gian tác chiến điện tử, radar của Patriot phát ra tín hiệu cực mạnh và tín hiệu này có thể bị các hệ thống giám sát khác, chẳng hạn như vệ tinh hay máy bay không người lái trên cao phát hiện và theo dõi.
"Điểm yếu chết người" của Patriot
Chuyên gia Ian Williams giải thích, một trong những điểm yếu lớn nhất của Patriot là tín hiệu radar mảng pha của nó.
Tín hiệu radar này có thể giúp hệ thống Patriot theo dõi mục tiêu từ khoảng cách xa, nhưng cường độ lớn khiến nó nổi bật trên nền nhiễu. Các quan chức Mỹ cho rằng, tình báo Nga có thể xác định vị trí của hệ thống ở bên ngoài thủ đô Kiev nhờ tín hiệu radar này.
Ngoài tín hiệu radar, trọng lượng và kích thước lớn cũng là một yếu tố bất lợi đối với Patriot. Mỗi khẩu đội bao gồm nhiều bệ phóng, các bộ phận chỉ huy và kiểm soát, một trạm năng lượng và kíp vận hành với hàng chục binh sỹ.
Nó không cơ động như một số hệ thống phòng không “bắn và chạy” nhỏ hơn của Ukraine. Sau mỗi lần khai hỏa, Ukraine có thể di chuyển khẩu đội Patriot nhưng công việc này đòi hỏi nỗ lực lớn.
Kiev có thể hạn chế nguy cơ bị tấn công bằng cách trang bị hệ thống cảnh báo sớm và chỉ bật radar khi cần thiết. Chuyên gia Williams cho rằng các biện pháp này sẽ giúp tránh được các cuộc tấn công của máy bay Nga trang bị tên lửa chống radar nhằm làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine.
Một giải pháp tiềm năng khác là sử dụng mồi nhử. Ukraine từng sử dụng thành công mồi nhử, chẳng hạn như các mô hình bằng gỗ để đánh lừa đối phương, bảo vệ Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
Ông Williams lưu ý: “Đây là biện pháp đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả đáng kinh ngạc trong cuộc chiến này. Nhưng Ukraine vẫn cần một giải pháp công nghệ cao để ngăn Nga thu thập tín hiệu điện tử từ radar của Patriot”.
Trong suốt cuộc xung đột, các lực lượng Nga đã tìm cách trấn áp và làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine. Những hệ thống này đã khiến máy bay Nga gặp rủi ro và hạn chế khả năng hoạt động trên không của chúng.
Theo ông Williams, lực lượng Ukraine đã tỏ ra rất hiệu quả trong việc bảo vệ các tổ hợp phòng không khỏi những mối đe dọa như tên lửa chống radar Kh-31 của Nga, được thiết kế để tấn công các hệ thống radar.
Nhưng Nga hiện đang trang bị cho các hệ thống mới của nước này một loại tên lửa mới, rất khó đánh chặn đó là Kinzhal.
Kinzhal, trong tiếng Nga có nghĩa “Dao găm”, là một tên lửa hành trình siêu thanh tiên tiến có thiết kế gần giống với tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander. Nó có thể được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31. Tốc độ siêu thanh và đường bay khó đoán của tên lửa khiến việc đánh chặn rất phức tạp.
Tổ hợp Patriot dù đã được cải tiến và nâng cấp đáng kể, sau lần đầu tiên triển khai trong thực chiến cách đây nhiều thập kỷ, nhưng khả năng phòng thủ của nó vẫn không được như ý muốn của các nhà sản xuất.
Trong khi đó, một số tính năng của Kinzhal gây khó khăn cho lực lương phòng thủ đối phương, chẳng hạn như khả năng thay đổi quỹ đạo trong tất cả các giai đoạn bay.