Điểm thi bất thường: Hà Giang khẳng định sẽ có câu trả lời thoả đáng

HUYÊN NGUYỄN - ĐẶNG CHUNG |

“Tôi khẳng định chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng”, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.

Như Lao Động thông tin, những ngày qua, đoàn công tác của Bộ GDĐT và Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang đang khẩn trương rà soát, kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang là sai đến đâu phải xử lý nghiêm túc đến đấy, kể cả vấn đề hình sự.

Chúng ta quyết tâm làm và sẽ không có vùng cấm, không có chuyện bao che. Mục tiêu là điểm phải trở về điểm thực với năng lực của học sinh.

“Tôi khẳng định chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Nếu không, nhân dân không tin vào chính quyền nữa”, ông Quý nói.

Vị lãnh đạo này cũng nhận định: “Người ta nói học tài thi phận là đúng. Hôm trước, tôi đã phân tích, bình thường học được 7 điểm nhưng hôm thi 9 điểm cũng có, không thể phủ nhận.

Nhưng 4 điểm mà lên 9 điểm quá khó, không phải không có nhưng chỉ được một bài như trường hợp ở Nghệ An năm 2016.

Kỳ thi có điểm tốt khi mang lại lợi ích cho người dân nhưng cũng có cái không tốt, những khe hở cần phải khép lại. Việc này cần có quá trình.

Khi chúng ta triển khai một mô hình, nó có thể thành công hoặc không thành công. Nhưng không phải không thành công vẫn cố làm và phải phải khắc phục cái chưa tốt.

Đây cũng là bài học cho các tỉnh khác vì không phải chỉ Hà Giang, Sơn La cũng có thí sinh hai điểm 10, dù bình thường thi rất làng nhàng”.

Trước vấn đề này, theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), với quy trình chấm thi chặt chẽ như năm nay, khi có sự giám sát của công an, thanh tra, thì việc gian lận, tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có sự thông đồng giữa các bên , tức là "sai phạm có tổ chức", ăn dây với nhau.

“Tôi nghĩ tốt nhất những người có trách nhiệm của Hà Giang nên thành thật, làm kiên quyết và không xuê xoa, vì nó liên quan đến quyền lợi, sự công bằng cho hàng triệu thí sinh trên cả nước.

Các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội.

Nếu có sai phạm, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Sự việc ở này sẽ là bài học cho các địa phương khác, không nên vì thành tích mà đánh đổi niềm tin của xã hội”, TS Khuyến nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại