Điểm mặt những 'gương xấu' mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm

Thiên Long |

Có lẽ không ai ngờ những nước đi “kỳ cục” của Apple trong vài năm qua lại mở đầu cho nhiều trào lưu mới trong làng công nghệ đến vậy.

Năm 2020 ngoài những trào lưu đã trở nên quen thuộc như smartphone màn hình gập hay ý tưởng smartphone thay đổi hình dạng, một câu chuyện được các nhà phân tích dự báo sẽ sớm trở thành xu hướng mới, đó là việc Apple loại bỏ cục sạc và tai nghe khỏi hộp đựng iPhone.

Điểm mặt những gương xấu mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm - Ảnh 1.

Mặc dù đã được giới phân tích mổ xẻ khá nhiều nhưng rõ ràng Apple luôn khôn khéo đặt người dùng và giới công nghệ vào thế "đã rồi". Chưa kể, động thái của Apple chắc chắn sẽ tạo tiền đề để các hãng khác học hỏi và xây dựng một xu hướng mới như khi Apple loại bỏ giắc 3.5mm.

Có thể thấy, Apple tuy không phải là hãng đi tiên phong trong công nghệ mới nhưng lại là hãng đi đầu và tạo nên các xu hướng mới. Trong quá khứ Apple đã nhiều lần làm được điều như vậy.

Apple mở màn xu hướng loại bỏ giắc cắm tai nghe 3.5mm kể từ iPhone 7

Hồi mới ra mắt iPhone 7, có rất ít người chấp nhận được việc Apple loại bỏ giắc cắm tai nghe 3.5mm. Vốn dĩ người dùng đã quá quen với trải nghiệm đeo tai nghe có dây và kết nối qua cổng 3.5mm nên việc thiếu vắng nó khiến họ cảm thấy khó khăn khi nghe nhạc.

Điểm mặt những gương xấu mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm - Ảnh 2.

Theo lý giải của Apple, việc loại bỏ giắc cắm tai nghe 3.5mm giúp tối ưu hóa không gian bố trí linh kiện, giúp hãng có thể tích hợp mô-đun camera mới và tăng dung lượng pin trong khi vẫn đảm bảo độ mỏng của iPhone. Ngoài ra, Apple cũng đưa ra lý do rằng, việc loại bỏ giắc cắm tai nghe 3.5mm giúp tăng cường khả năng chống nước và bụi cho máy.

Nhưng dưới góc độ của các chuyên gia, động thái trên của Apple thực chất còn nhằm mục đích khác, đó là thúc đẩy doanh số của dòng tai nghe không dây Airpods mới ra mắt tại thời điểm đó.

Chưa dừng lại ở đó, khi chiến lược của Apple bắt đầu gặt hái được thành công cũng là lúc các đối thủ như Samsung hoặc các hãng smartphone Trung Quốc như Xiaomi, Huawei,…lấy đó làm cơ sở để "học hỏi". Dù rằng, chính những hãng này từng "chê bai", chế giễu Apple khi đó.

Điểm mặt những gương xấu mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm - Ảnh 3.

Có thể lấy ví dụ như dòng Galaxy Note 10 và Note 10+ đã loại bỏ giắc 3.5mm và Samsung cũng đưa ra những lời "biện hộ" tương tự như Apple. Hay trước đó là HTC U11, Xiaomi Mi 6, thậm chí là dòng Pixel 2 và Pixel 2 XL của Google cũng không hề có cổng 3.5mm. Tất cả các hãng đều có những lý do của riêng mình liên quan đến thiết kế, cách bố trí linh kiện tối ưu nhất nhưng tựu chung giới công nghệ và người dùng đều hiểu rằng, đó không phải là điều ngẫu nhiên xảy ra.

Lạ lùng thay, con đường "hiu quạnh" tưởng chừng chỉ có Apple dám bước vào nay lại "tấp nập" các hãng khác đi theo.

Một buổi sáng năm 2017, Apple đã "khai sinh" ra xu hướng tai thỏ

Vào ngày 12/9/2017, Apple đã chính thức ra mắt iPhone X, một trong những chiếc điện thoại có màn hình "tai thỏ" sớm nhất trên thị trường. Tất nhiên iPhone X không phải là "kẻ tiên phong" bởi Essential Phone mới là chiếc smartphone đầu tiên có tai thỏ. Nhưng thú vị ở chỗ, iPhone X lại là chiếc smartphone mở ra trào lưu tai thỏ đã từng làm mưa làm gió cách đây vài năm.

Điểm mặt những gương xấu mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm - Ảnh 4.

Bước sang năm 2018, trào lưu "tai thỏ" bắt đầu nở rộ hơn. Gần như tất cả các hãng smartphone Android từ Xiaomi, Huawei, Oppo,…tới Samsung, LG và Google đều đem thiết kế này lên smartphone của họ. Sau này họ đã cải tiến và thu hẹp tai thỏ hoặc chuyển sang các biến thể giọt nước hoặc đục lỗ.

Thú vị hơn chính những hãng này đã từng hùa nhau "chế giễu" tai thỏ của Apple. Thậm chí, Samsung còn làm hẳn một đoạn quảng cáo "đá đểu" Apple thông qua hình ảnh mái tóc kỳ lạ của một gia đình. Hay sau đó là Xiaomi với video quảng cáo Mi 9T cũng ngầm chê bai thiết kế tai thỏ.

Điểm mặt những gương xấu mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm - Ảnh 5.

Bất chấp những lời chê bai từ phía khách hàng và cả các đối thủ, iPhone X vẫn là sản phẩm bán chạy nhất thế giới trong năm 2018.

Có lẽ minh chứng thực tế bằng doanh số cao ngất ngưởng và "thái độ chấp nhận" của khách hàng với Apple đã giúp các hãng smartphone Android đủ tự tin để đưa ra các thiết kế tương tự mà không lo sẽ bị phản đối, lên án. Bởi Apple chính là hãng đã "đứng mũi chịu sào" cho tất cả những lo lắng đó của họ.

Tuy nhiên các chuyên gia và nhiều người dùng cho rằng, việc các hãng smartphone Android "sao chép" thiết kế tai thỏ trên đã tạo ra một tiền lệ xấu xí và làm thui chột đi sự sáng tạo trong giới công nghệ.

Tương lai Apple cũng sẽ được vinh danh là hãng mở đầu xu hướng loại bỏ cục sạc khỏi hộp đựng

Đã gần 3 năm kể từ khi Apple tạo dựng trào lưu tai thỏ mới, những thay đổi sau đó của dòng iPhone chỉ rất nhỏ và không khiến người dùng bất ngờ. Hầu như những thay đổi chỉ xoay quanh thiết kế cầm nắm, cụm camera và kích thước tai thỏ.

Nhưng tới năm 2020, Apple một lần nữa khiến người tiêu dùng bất ngờ khi bỏ cục sạc và tai nghe tặng kèm. Kết quả là người dùng chỉ còn nhận được máy và dây sạc tặng kèm. Không ngạc nhiên khi mọi mũi dùi dư luận đều chĩa về phía Apple và cho rằng hãng đang quá tham lam.

Apple giải thích, việc loại bỏ các phụ kiện sẽ giúp tiết kiệm không gian và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, thực chất Apple chỉ đang muốn cắt giảm chi phí sản xuất khi iPhone 12 là dòng máy đầu tiên tích hợp mô-đun 5G của Apple. Hơn hết việc cắt giảm hai phụ kiện trên là cách để Apple cố gắng giữ giá bán không quá cao và thúc đẩy doanh số bán phụ kiện.

Điểm mặt những gương xấu mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm - Ảnh 6.

Nhưng mặt khác, việc loại bỏ củ sạc và tai nghe tặng kèm có thể là chiêu bài điển hình của Apple nhằm thiết lập một xu hướng công nghệ mới, giống như cách Apple đã làm với giắc 3.5mm trên iPhone 7 và sau này là tai thỏ trên iPhone X.

Với những lý do rất "thuyết phục", người dùng chắc chắn sẽ không quá gay gắt với quyết định bỏ hai phụ kiện kia của Apple. Thậm chí họ đã dần quen với việc "chạy theo" sự thay đổi của Apple và học cách thích nghi với nó. Ngay cả khi không còn được tặng kèm cục sạc, người dùng giờ đây vẫn có rất nhiều lựa chọn từ bên thứ ba, thậm chí là cả sạc không dây.

Thử tưởng nếu một ngày Apple loại bỏ cổng Lightning, việc không tặng kèm cục sạc chính là cách giúp khách hàng quen dần với việc sử dụng các phụ kiện sạc dùng cổng USB-C, vốn khá phổ biến trên thị trường và giảm số lượng sạc sở hữu.

Theo các thông tin gần đây, Samsung nhiều khả năng sẽ nối gót Apple cắt giảm cục sạc và tai nghe tặng kèm trên dòng flagship Galaxy S21. Nhưng khi Samsung còn chưa làm được điều này, các hãng Trung Quốc đã đi trước.

Xiaomi vừa trình làng dòng Mi 11. Ngoài những thông số cao cấp vốn đã quá quen thuộc, giới công nghệ còn bất ngờ hơn khi Xiaomi ra mắt hai phiên bản bán lẻ, một là "tặng kèm miễn phí" sạc và hai là không tặng kèm sạc. Cả hai đều có cùng giá bán. Tức là người dùng có quyền lựa chọn "bảo vệ môi trường" hoặc không nếu như họ đã có trong tay ít nhất một cục sạc nhanh.

Điểm mặt những gương xấu mà Apple tạo ra: lúc đầu ai cũng chê, về sau ai cũng học lỏm - Ảnh 7.

Apple có thể là hãng đi tiên phong trong nhiều xu hướng nhưng có lẽ chưa phải là hãng đủ tâm lý để giúp khách hàng không bị "sốc" trước những thay đổi bất ngờ.

Dù thế nào đi chăng nữa, sẽ không ngạc nhiên nếu các hãng smartphone Trung Quốc khác cũng chạy theo xu hướng này vào một thời điểm nào đó trong năm sau.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Apple

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại