Đức tích cực củng cố năng lực phòng không của Ukraine
Hôm 8/2, Andriy Yermak - Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Zelensky, cho hay Ukraine vừa có được một lô viện trợ quân sự mới từ Đức, trong đó có xe tăng phòng không Gepard.
Yermak viết trên mạng xã hội Telegram rằng Berlin sẽ gửi thêm cho Kiev 2 xe tăng phòng không Gepard, còn được gọi bằng biệt danh Cheetah (báo săn), cùng 6.000 viên đạn.
Thủ tướng Đức Scholz đứng trước pháo tự hành phòng không Gepard. Ảnh: Getty.
Theo bản cập nhật tính đến ngày 12/2, chính phủ Đức đã cung cấp cho Ukraine 32 hệ thống phòng không Gepard.
Hồi cuối tháng 4/2022, Berlin cam kết gửi khoảng 50 xe Gepard sang Ukraine - đây được xem là động thái xuất “vũ khí hạng nặng” đầu tiên từ Đức sang Ukraine. Lô này cuối cùng đến được Ukraine vào tháng 7/2022.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gọi động thái trên là một “quyết định lớn” sẽ “mang lại năng lực thực sự cho Ukraine”.
Ngay sau tuyên bố trên, Thụy Sĩ đã phủ quyết yêu cầu của Đức tái xuất khẩu đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất cho Gepard. Lý do phía Thụy Sĩ đưa ra là để bảo đảm “trung lập”.
Hôm 2/12 năm ngoái, có thông tin cho rằng Đức chuẩn bị gửi thêm 7 pháo Gepard cho Ukraine, và lô này dự kiến ra tới tiền tuyến Ukraine vào mùa xuân năm 2023.. Theo tờ báo Đức Der Spiegel, 7 cỗ pháo tự hành đó khi ấy trải qua quá trình tân trang trước khi được gửi sang Ukraine.
Một tờ báo Đức khác, Westdeutsche Allgemeine Zeitung, dẫn lời tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, phát biểu hồi tháng 1/2023 rằng “ưu tiên số 1 là phòng không, phòng không và phòng không”.
Trong chuyến thăm bất ngờ trước đó tới Kiev vào tháng 1 này, ông Pistorius được cho là đã nói với hãng truyền hình công ZDF của Đức rằng nước này cam kết hỗ trợ Ukraine về năng lực phòng không.
Một vài thông số và ưu nhược điểm của Gepard
Gepard là một pháo phòng không tự hành thiết giáp, hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, được phát triển từ hồi thập niên 1960. Vũ khí này do hãng quốc phòng Krauss Maffei-Wegmann (KMW) chế tạo và đã được cung ứng cho các nước như Đức, Bỉ, Romania và Hà Lan.
Gepard chuyên về phòng không nhưng nó cũng có thể hạ nòng để bắn thẳng vào mục tiêu trên mặt đất.
Pháo tự hành Gepard có 3 thành viên trong kíp điều khiển, có thể đi với tốc độ tối đa là 64km/h và có tầm hoạt động là 547km. Theo hãng KMW, xe này có hệ thống radar trinh sát và theo dõi mục tiêu riêng, đồng thời được kèm thêm thiết bị “huấn luyện và mô phỏng tiên tiến”. Xe có chung kiểu khung với xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1.
Nhà sản xuất giới thiệu rằng, Gepard có hiệu quả không chỉ trước máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa mà còn cả UAV (thiết bị bay không người lái).
Tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung dẫn lời Bộ trưởng Pistorius nói: “Cheetah (tức Gepard) đóng vai trò trung tâm trong phòng không, đặc biệt là ở các thành phố và ở các cơ sở hạ tầng trọng yếu… Ngoài 30 chiếc Cheetah đã được chuyển giao, chúng tôi gửi thêm 2 chiếc nữa vào tháng 1, và sắp tới là 5 chiếc nữa”.
Ngày 3/11/2022, nhà ngoại giao Ukraine Olexander Scherba ca ngợi Gepard là “xuất sắc”, “có khả năng thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến của Ukraine với các UAV Iran”. Ông viết trên mạng xã hội Twitter: “Ước gì chúng tôi có thêm các cỗ pháo này”.
Gepard nổi tiếng với khả năng bắn hạ các UAV cảm tử Shahed-131 và 136 của Iran.
Glen Grant - một chuyên gia quốc phòng cấp cao tại Quỹ An ninh Baltic, đã gọi pháo tầm ngắn Gepard là “loại pháo đẳng cấp thế giới”. Tuy nhiên, ông này lưu ý rằng đây là vũ khí cấp chiến thuật chứ không phải chiến lược, nghĩa là chúng phải đi kèm với lính bộ và được sử dụng đúng chỗ, để tránh tình trạng bắn mục tiêu ngoài tầm với.
Tiến sĩ Michael Knights của Quỹ Washington trước đó nói với tờ Newsweek rằng đối với Ukraine và NATO, pháo phòng không Gepard rẻ hơn nhiều so với tên lửa đánh chặn./.