Điểm khác biệt vệ tinh quân sự Nhật chế cho Việt Nam

An Nhiên |

Nhật Bản sẽ chế tạo và xuất khẩu sang Việt Nam vệ tinh quan sát Trái Đất có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Theo thông tin trên tờ Maichini Shimbun (Nhật Bản) ngày 17/9, Công ty NEC và Mitsubishi Electric Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận nghiên cứu, chế tạo vệ tinh radar này cho Việt Nam cùng với Viện Khoa học công nghệ Việt Nam.

Vệ tinh với kiến trúc hệ thống mới Quan sát 2 (ASNARO-2), bao gồm trang thiết bị mặt đất, dự kiến có chi phí lên tới hàng chục tỷ Yen. Vệ tinh radar có trọng lượng 550 kg, với kế hoạch phóng vào năm 2017.

 Điểm khác biệt vệ tinh quân sự Nhật chế cho Việt Nam  - Ảnh 1.

Hai vệ tinh trinh sát của Nhật Bản. Ảnh: QQ

Không giống như các vệ tinh quang học được trang bị camera, vệ tinh ASNARO-2 có khả năng quan sát bề mặt kể cả vào buổi đêm và trong thời tiết nhiều mây, độ phân giải đạt trình độ cao nhất thế giới hiện nay. 

Do đó, vệ tinh này không những trở thành một công cụ lý tưởng khi có thiên tai và quan sát tình trạng sinh trưởng của cây mà còn có thể trinh sát quân sự ở mức độ nhất định.

Tiếp nối ASNARO-2, vệ tinh quan sát thứ hai của Nhật dự kiến được chuyển giao cho Việt Nam sử dụng vào năm 2018 bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản.

Nhật Bản hy vọng thông qua xuất khẩu vệ tinh và giúp nước khác phóng vệ tinh để mở rộng quy mô ngành hàng không vũ trụ, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.

Trong khi đó, Việt Nam đang mang tham vọng lớn đối với ngành công nghiệp vũ trụ dù công nghiệp vệ tinh của Việt Nam đi chậm khoảng 30 - 40 năm so với các nước trên thế giới.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia từng chia sẻ trên truyền thông rằng: "... Làm vệ tinh cũng giống như đi học, lớp 1 rồi mới đến lớp 2 và các lớp cao hơn nữa. 

Chính vì vậy, Trung tâm đã đặt ra kế hoạch phát triển vệ tinh từ cấp độ PicoDragon nặng 1 kg (năm 2013) tới NanoDragon (nặng 10 kg - năm 2016), MicroDragon (nặng 50 kg - năm 2018) và cuối cùng là LotuSat (nặng 500 kg - năm 2020). Đây là một quá trình lâu dài, làm từng bước để làm chủ công nghệ vệ tinh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại