"Điểm danh" 10 tàu quốc tế lọt vào danh sách đen của Mỹ do dính líu tới Triều Tiên

Tất Đạt |

LHQ hi vọng giải pháp này sẽ làm suy kiệt các nguồn lực cho chương trình quân sự của Bình Nhưỡng, buộc Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phải ngồi vào bàn đàm phán.

Theo Reuters, Mỹ đã xác định được 10 tàu chở hàng ‘thường xuyên’ vi phạm các quy định cấm vận quốc tế khi tiếp tục giao thương với Triều Tiên. Trước đó, Mỹ và Canada cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 1/2018 để bàn luận về vấn đề Bình Nhưỡng.

Theo một tài liệu mới được công bố ngày hôm qua (19/12), Mỹ đã kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa 10 tàu biển dưới đây vào danh sách đen vì tiếp tục hợp tác với Triều Tiên.

Trong danh sách này có:

- Tàu chở dầu Lighthouse Winmore và tàu chở hàng Kai Xiang từ Hong Kong.

- Tàu chở dầu Billions số 18 từ Palau.

- Tàu chở hàng Xin Sheng Hai từ Belize.

- Tàu chở hàng Ul Ji Bong 6 và Rung Ra 2 từ Triều Tiên.

- Tàu chở dầu Sam Jong 2 và Rye Song Gang 1 từ Triều Tiên.

- Tàu kéo Yu Yuan từ Togo.

- Tàu chở hàng Glory Hope 1 (hay còn gọi là Orient Shenyu) từ Panama.

Các tàu nói trên đã bị Mỹ cáo buộc vì thực hiện sang mạn dầu mỏ tinh chế trái phép với các tàu Triều Tiên, hoặc vận chuyển than Triều Tiên sang nước ngoài, vi phạm cấm vận mới đây của LHQ.

Nếu cáo buộc của Mỹ được thông qua, những tàu nói trên sẽ bị cấm cập bến tại các cảng thành viên của LHQ. Ủy ban phụ trách vấn đề Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ có thời hạn tới hết ngày thứ Năm (21/12) để phủ quyết đề nghị của Mỹ.

Hồi tháng 10, Hội đồng này cũng đã đưa 4 tàu vào danh sách đen vì vận chuyển than, các sản phẩm thủy hải sản và quặng sắt Triều Tiên nhằm mục đích giao dịch với nước ngoài.

LHQ đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, chì, hàng dệt may, thủy hải sản, hạn chế nhiều công ty liên doanh và đưa một loạt các công ty Triều Tiên vào danh sách đen nhằm đáp trả lại các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng. Định mức dầu được đưa tới Triều Tiên cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Triều Tiên phát triển tàu để đối phó với Hàn Quốc trên biển. Nguồn: ARIRANG News

LHQ hi vọng giải pháp này sẽ làm suy kiệt các nguồn lực cho chương trình quân sự của Bình Nhưỡng, buộc Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phải ngồi vào bàn đàm phán.

Ngày 19/12 vừa qua, Canada và Mỹ cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Vancouver ngày 16/1 tới đây để thể hiện sự đồng lòng trong việc phản đối Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, sau cuộc gặp mặt với Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, cho biết: "Chúng ta sẽ không đối thoại chừng nào Triều Tiên còn chưa tỏ thiện ý".

"Điều quan trọng nhất mà Bình Nhưỡng nên lưu tâm là Mỹ sẽ không rút lại các lệnh cấm vận. Chúng sẽ tiếp tục được thực hiện chặt chẽ hơn và sẽ không bao giờ bị gỡ bỏ cho tới khi Triều Tiên đồng ý từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và cho phép chúng tôi xác nhận điều đó," ông Tillerson nói.

Ngoại trưởng Freeland cũng ủng hộ tuyên bố nói trên: "Chúng tôi tin rằng việc xiết chặt áp lực quốc tế lên Triều Tiên sẽ thành công. Và thành quả đó sẽ có được thông qua chiến lược ngoại giao đúng đắn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại