“Trước khi kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng thành công, thư sẽ được gửi từ New York đến Califonia, đến Anh, đến Ấn Độ hoặc Australia bằng tên lửa dẫn đường", Tổng Giám đốc Bưu điện Mỹ ông Arthu A. Summerfield tuyên bố vào năm 1959. Khi đó, kế hoạch đặt chân lên Mặt Trăng của Mỹ vẫn còn đang trong trứng nước.
Ông Summerfield không hề "tuyên bố chay" mà đã bắt tay biến ý tưởng này trở thành sự thật.
Vào sáng 8/6/1959, vụ chuyển phát nhanh thư bằng tên lửa đầu tiên được thực hiện. Tàu ngầm USS Barbero của Hải quân Mỹ bắn đi một tên lửa hành trình Regulus-1 mang theo 3.000 bức thư thay vì một đầu đạn hướng về căn cứ hải quân ở Mayport, bang Florida cách đó hơn 160 km.
Video: Vụ phóng tên lửa mang thư từ tàu ngầm Mỹ
Vụ phóng tên lửa mang thư từ tàu ngầm Mỹ
“Quả tên lửa được bắn về phía Nhà máy phụ trợ của căn cứ hải quân ở Mayport vào giữa trưa. Nó đã tới mục tiêu 22 phút sau đó. Các lá thư được sắp xếp và chuyển tới các địa chỉ trên thư như bình thường” các tài liệu lưu lại về vụ phóng tên lửa mang thư viết.
1 trong 3.000 bức thư được gửi đi. (Ảnh: National Postal Museum)
Để phục vụ cho dịch vụ này, Cục Bưu điện Mỹ (nay là Dịch vụ Bưu chính Mỹ) đã thiết lập một văn phòng trên USS Barbero để đóng dấu tem xác nhận bức thư được gửi đi từ chính tàu ngầm này.
“Những tiến bộ trong cách thức đưa thư ở Mỹ đang được thực hiện. Có thể chắc chắn rằng Cục Bưu điện sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Quốc phòng để phát triển ý tưởng này”, ông Summerfield tuyên bố sau vụ thử nghiệm thành công.
Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Lần chuyển phát thư bằng tên lửa vào tháng 6/1959 là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hình thức chuyển phát này được thực hiện.
USS Barbero cũng chịu số phận hẩm hiu không kém khi chỉ 5 năm sau thử nghiệm này, nó bị Hải quân Mỹ ngó lơ và đưa ra làm mục tiêu đánh chìm ở Trân Châu Cảng.
Tuy nhiên, thời điểm đó Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu và việc chuyển phát đi những kiện thư từ cách xa hàng trăm km bằng tên lửa được Bộ Quốc phòng Mỹ coi là một màn trình diễn bất ngờ để phô trương sự chính xác của kho vũ khí Mỹ.