Một tổng thống theo chủ nghĩa hoài nghi. Hàng triệu người từ chối giãn cách xã hội. Một hệ thống y tế quá tải. Đây chỉ là 3 trong số nhiều yếu tố đang biến Brazil trở thành tâm chấn tiếp theo của dịch Covid-19 và có thể là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới.
Chỉ số lây nhiễm ở Brazil là 2, tức là trung bình một người mắc bệnh lây cho 2 người khác. Trong khi đó, Mỹ và những nước khác bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 đều đã đưa chỉ số này xuống dưới 1. Điều này có nghĩa là quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latin sẽ sớm trở thành “điểm nóng” lớn nhất của dịch Covid-19.Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt từ gần 2 tháng trước, nhưng tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 của Brazil vẫn tăng mạnh.
“Tôi e rằng, Brazil sắp trở thành tâm chấn mới của dịch Covid-19. Đường cong về số ca mắc và số ca tử vong ở Brazil vẫn đang đi lên theo chiều dốc, cho thấy chúng ta vẫn chưa tới gần đỉnh dịch”, Miguel Nicolelis, một trong những nhà khoa học có uy tín nhất ở Brazil và đang phối hợp với một ủy ban chống Covid-19, nói với TIME.
Vì sao số ca ở Brazil tăng mạnh?
Tính đến 18/5, Brazil đã ghi nhận trên 240.000 ca mắc và hơn 16.000 ca tử vong. Tuy nhiên, theo ông Nicolelis, số ca mắc và tử vong, cũng như tỷ lệ lây nhiễm ở nước này nhiều khả năng bị đánh giá thấp hơn thực tế do việc báo cáo chưa đủ và không xét nghiệm trên diện rộng. Hiện Brazil xét nghiệm ít hơn khoảng 20 lần so với Mỹ
Đại học Washington dự đoán, tới tháng 8/2020, chỉ riêng 8 trong số 26 bang của Brazil, số người chết vì Covid-19 sẽ lên tới 90.000.
Tất cả các bang của Brazil đều đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội từ tháng 3, khi dịch bệnh ở nước này còn chưa bùng phát mạnh như ở châu Âu. Tuy nhiên, thực tế số ca mắc bệnh tăng chậm cùng với những phát ngôn “ác cảm” với các biện pháp giãn cách xã hội từ chính Tổng thống Jair Bolsonaro đã dẫn tới việc ngày càng ít người Brazil tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Tính đến giữa tháng 5/2020, chỉ có khoảng 40-55% người dân Brazil tuân thủ giãn cách xã hội và con số này cũng tùy từng bang cụ thể.
Phần lớn dân số của Brazil tập trung ở các thành phố đông đúc, có mật độ cao, cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
“Brazil có mọi yếu tố để gây nên sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh”, Carlos Machado, điều phối viên chống Covid-19 tại Viện dịch tễ hàng đầu Brazil, cho biết.
“Điều này sẽ không xảy ra nếu các biện pháp hiệu quả được thông qua ngay từ đầu. Brazil đã thông qua những biện pháp nửa vời và không đủ cứng rắn. Chính điều này đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lây nhiễm của dịch bệnh cũng như các tác động kinh tế. Nếu chúng ta càng ở lâu trong tình trạng nửa vời này, thì hậu quả kinh tế sẽ càng lớn hơn”, Machado nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo nhà khoa học Nicolelis, thái độ chống Covid-19 cũng là một vấn đề.
“Liên tục có những thông điệp và chiến lược mâu thuẫn nhau, cả sự mâu thuẫn chính trị. Điều này có thể thấy rõ trong việc Brazil gặp nhiều khó khăn khi tìm mua các thiết bị như máy thở, bộ xét nghiệm, các đồ bảo hộ...”, ông nói.
Hệ thống y tế của Brazil tiến hành 63 xét nghiệm trên mỗi 100.000 người – một trong những tỷ lệ thấp nhất trong khu vực. “Brazil chưa bao giờ hứng chịu một cuộc tấn công nào như thế này, và cũng chưa bao giờ tham gia vào một cuộc chiến như thế này. Vì thế, sẽ rất khó để người Brazil hiểu được tính nghiêm trọng của nó”, Nicolelis cho biết thêm.
Chống dịch kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Từ trước tới nay, Tổng thống cực hữu của Brazil luôn đánh giá thấp tính nghiêm trọng của Covid-19. Ông thậm chí còn tham gia cùng những người biểu tình phản đối giãn cách xã hội và mô tả dịch bệnh này chỉ như “cúm nhẹ”.
Cuộc khủng hoảng hiện nay đã gây bất ổn nghiêm trọng trong chính phủ liên bang. Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta bị sa thải sau khi bất đồng với Tổng thống về cách kiểm soát dịch bệnh. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro cũng từ chức. Mới đây nhất, người thay thế ông Mandetta, Nelson Teich cũng từ chức Bộ trưởng Y tế sau khi từ chối đề nghị của Tổng thống Bolsonaro về việc khuyến cáo sử dụng thuốc hydroxychloroquine để điều trị Covid-19.
Không chỉ phản đối các biện pháp phòng ngừa mà các thống đốc bang thông qua để ngăn chặn Covid-19, trong đó có việc đóng cửa các trường học, cấm các tuyến xe buýt liên thành phố, đóng cửa các cửa hàng, quán bar và bãi biển, Tổng thống Bolsonaro còn có những quan điểm khác lạ khi tuyên bố rằng các phòng gym và salon làm đẹp là các hoạt động kinh doanh “thiết yếu” và có thể mở cửa trở lại.
Theo nhà khoa học Nicolelis, ngay từ đầu, Brazil đã không có một chiến lược rõ ràng và đồng nhất từ chính phủ liên bang. Mọi thông điệp đều mơ hồ và thiếu hiệu quả. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Brazil không thể kiểm soát được dịch Covid-19.
Hệ thống y tế thiếu hiệu quả vì tham nhũng?
Hệ thống Brazil đối phó không hiệu quả với Covid-19, mặc dù nước này có vẻ như được trang bị tốt để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh ở cấp quốc gia.
Brazil có 21 giường ICU trên mỗi 100.000 dân, gấp đôi so với Italy, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các thiết bị này lại không được phân phối đồng đều về mặt địa lý, hay giữa các lĩnh vực công và tư.
Trên thực tế, tình trạng tham nhũng và thiếu năng lực đã khiến Brazil bị chậm lại khi đối phó với một đại dịch. Hiện 11 bang đang điều tra khả năng tiền quỹ phân bổ cho việc mua sắm các thiết bị y tế đã được chuyển đổi mục đích một cách không phù hợp.
Không có gì ngạc nhiên khi hệ thống y tế nhanh chóng quá tải. 8 thủ phủ bang có ICU đang hoạt động ở mức trên 90% và ở Rio, có hơn 1.000 người đang chờ giường bệnh. Brazil đã vượt Mỹ về số nhân viên y tế tử vong [do mắc Covid-19]. Nếu số ca tiếp tục tăng ở mức như hiện nay, hệ thống y tế Brazil sẽ sụp đổ trong tương lai gần.
Dịch bệnh len lỏi từ những khu nhà giàu tới tận rừng sâu
Ở giai đoạn ban đầu, Covid-19 chủ yếu tác động đến các khu vực giàu có ở các thành phố lớn của Brazil. Sau đó, dịch bệnh nhanh chóng lây lan ở các khu ổ chuột lớn và các khu vực xa xôi thiếu dịch vụ y tế thiết yếu. 3 cộng đồng bị tác động nặng nhất đều là các cộng đồng ở sâu trong rừng nhiệt đới Amazon.
Brazil hỗ trợ khoảng 100 USD/người cho 80 triệu người lao động nghèo làm việc trong các lĩnh vực không chính thức bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc người dân xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài các chi nhanh ngân hàng cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh nhanh chóng phát tán rộng rãi.
“Chúng tôi có tất cả các yếu tố mà nước khác từng có khiến cuộc khủng hoảng trở nên vô cùng nghiêm trọng, và chúng tôi còn có thêm cả sự bất bình đẳng về thu nhập, y tế, tiếp cận vệ sinh, nhà ở....”, Carvalho nhấn mạnh.
Theo ông Machado, Brazil vốn chưa phục hồi khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị khắc nghiệt bùng phát mạnh nhất trong giai đoạn 2015 và 2016 và khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nước này lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác. Khi tình trạng y tế khẩn cấp chồng chéo với khủng hoảng kinh tế và chính trị, nó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc./.