Cái Bang, Dịch Cân Kinh, Lục Mạch Thần Kiếm và những sự thật khó tin trong truyện Kim Dung

Tùng Lâm |

Có những khái niệm Kim Dung sáng tác đã đi vào cuộc đời thật, những nhân vật ông xây dựng thậm chí còn có cuộc sống của riêng mình, vượt ra khỏi khuôn khổ một cuốn tiểu thuyết bình thường.

Rất nhiều người biết tới Trương Vô Kỵ, Quách Tĩnh hay Dương Quá, dù chưa từng đọc một trang viết của Kim Dung. Rất nhiều cậu bé mê mẩn Hàng Long thập bát chưởng, Nhất Dương Chỉ, Đả Cẩu Bổng, nhưng không hề biết chúng nằm trong bộ truyện nào.

Sức ảnh hưởng của thế giới kiếm hiệp Kim Dung mạnh mẽ là như vậy. Có những khái niệm ông sáng tác đã đi vào cuộc đời thật, những nhân vật ông xây dựng thậm chí còn có cuộc sống của riêng mình, vượt ra khỏi khuôn khổ một cuốn tiểu thuyết bình thường.

Vô số bộ phim, tựa game đã ra đời dựa trên thế giới kiếm hiệp Kim Dung. Và ở trong thế giới rộng lớn đó, có nhiều điều không phải ai cũng biết về Kim Dung và những tác phẩm bất hủ của ông!

Dịch Cân Kinh và Lục Mạch Thần Kiếm ngoài đời thực!

Cái Bang là một khái niệm quá quen thuộc đối với không chỉ độc giả của Kim Dung. Nó thậm chí còn biến thành một từ lóng chỉ những người hành nghề ăn xin hoặc những phong cách thời trang rách rưới. Cái Bang xuất hiện trong vô số game online, các cuốn sách kiếm hiệp sau này.

Cái Bang, Dịch Cân Kinh, Lục Mạch Thần Kiếm và những sự thật khó tin trong truyện Kim Dung - Ảnh 1.

Cái Bang là khái niệm quen thuộc không chỉ với độc giả của Kim Dung.

Có điều không phải ai cũng biết, Cái Bang xuất hiện lần đầu trong truyện Kim Dung. Nói cách khác, Kim tiên sinh là người nắm "bản quyền" về môn phái đặc biệt của những người hành khất. Và nó hoàn toàn là sự sáng tạo của riêng cá nhân ông chứ không hề có thật.

Võ Đang, Nga My, Toàn Chân hay Thiếu Lâm Tự thì lại hoàn toàn khác. Những môn phái này hoàn toàn có thật, thậm chí cả phái Thanh Thành cũng được Kim Dung tiên sinh xây dựng trên cơ sở việc nó từng là trung tâm của Đạo giáo một thời.

Hệ thống huyệt đạo phức tạp trong truyện Kim Dung cũng được dựa trên kiến thức y thuật Đông Phương, chứ không hoàn toàn hư cấu.

Những người yêu thích Kim Dung hẳn không thể không biết tới Lục Mạch Thần Kiếm, bộ võ công vô địch của Đại Lý Đoàn Thị. 

Dùng chân khí chạy qua kinh mạch và các huyệt đạo để biến thành kiếm khí, đả thương đối thủ vô hình vô ảnh, Lục Mạch Thần Kiếm từng được coi là thứ võ công đáng sợ nhất trong Thiên Long Bát Bộ.

Cái Bang, Dịch Cân Kinh, Lục Mạch Thần Kiếm và những sự thật khó tin trong truyện Kim Dung - Ảnh 2.

Chiêu thức Lục Mạch Thần Kiếm trên phim.

Lục Mạch Thần Kiếm tất nhiên không có thật, nhưng hệ thống kinh mạch cũng như huyệt đạo mà Kim Dung mô tả lại hoàn toàn hiện hữu trên cơ thể con người.

Những Thiếu Xung, Thiếu Trạch, Quan Xung, Trung Xung, Thương Dương, Thiếu Thương đều là tên những huyệt đạo của bàn tay, đồng thời là tên của 6 luồng kiếm khí trong Lục Mạch Thần Kiếm.

Chỉ một tên gọi thôi, nhưng Kim tiên sinh cũng cho thấy sự cầu toàn và tỉ mỉ cũng như vốn kiến thức rộng lớn của mình. Không chỉ vậy, tính chất và đặc điểm của từng huyệt đạo trên cơ thể con người cũng được Kim Dung vận dụng cực kì hợp lý.

Như huyệt Bách Hội (nằm trên đỉnh đầu) vốn là chỗ nguy hiểm nhất trên cơ thể sẽ luôn là điểm yếu chí mạng mà các cao thủ kết liễu đối phương.

Còn huyệt Mệnh môn (nằm ở giữa đốt sống lưng) có thể gây liệt nếu tác động mạnh vào luôn được độc giả kiếm hiệp biết tới với câu mô tả quen thuộc "kiềm chế Mệnh môn, phong toả nội lực".

Cách Kim Dung sử dụng kiến thức y học một cách rất tài tình không chỉ khiến người ta ngạc nhiên về sự uyên bác của ông, mà còn khiến thế giới võ hiệp kia chân thực hơn gấp bội!

Dịch Cân Kinh - một trong những môn nội công tâm pháp thượng thừa của Thiếu Lâm Tự cũng hoàn toàn có thật. Trên tường của Thiếu Lâm Tự vẫn còn những hình vẽ ghi lại nội dung của cuốn sách này.

Trong truyện, Dịch Cân Kinh được coi là bí kíp võ công cao cấp nhất của Thiếu Lâm. Vô số kẻ dùng trăm phương ngàn kế muốn học lỏm bộ bí kíp này, bởi học được nó cũng đồng nghĩa với việc trở thành thiên tài võ học.

Tuy nhiên, bộ võ công này cực kì khó học và khó luyện thành. Đã có kẻ vì luyện tập nó mà tẩu hoả nhập ma, mất đi thần trí.

Có điều, ngoài đời thật, Dịch Cân Kinh chỉ là một cuốn sách ghi lại những cách thức dưỡng sinh, hít thở và tập luyện để nâng cao sức khoẻ.

Nhưng trên căn bản thì tác dụng của Dịch Cân Kinh trong truyện Kim Dung và Dịch Cân Kinh ngoài đời thực cũng khá giống nhau, chỉ khác ở chỗ nó không thể giúp ai đó trở thành võ lâm cao thủ!

Khi những nhân vật lịch sử bước vào truyện Kim Dung

Rất nhiều nhân vật trong truyện Kim Dung có thật trong lịch sử. Không chỉ những nhân vật quá quen thuộc như Thành Cát Tư Hãn, Càn Long hay Khang Hy, rất nhiều người sẽ bất ngờ nếu biết những Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần hay Cô Tô Mộ Dung gia cũng đều là nhân vật có thật chứ không hề hư cấu.

Cái Bang, Dịch Cân Kinh, Lục Mạch Thần Kiếm và những sự thật khó tin trong truyện Kim Dung - Ảnh 4.

Nam diễn viên Lâm Chí Dĩnh vào vai Đoàn Dự trong "Thiên long bát bộ" bản 2003

Đoàn Dự và Đoàn Chính Thuần từng là những đời vua nước Đại Lý thế kỷ 12. Dòng họ Mộ Dung cũng là một hoàng tộc mất nước có thật trong lịch sử. Khởi nguồn từ Mộ Dung Thuỳ, Mộ Dung gia từng lập nên nước Hậu Yên và dần lụn bại, mất đi quyền lực.

Hai nhân vật Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục trong truyện được xây dựng dựa trên câu chuyện lịch sử của Mộ Dung gia, đồng thời luôn mang theo khát vọng phục quốc không ngưng nghỉ.

Thú vị hơn, cả một nhân vật "khó tin" như đạo sĩ Khưu Xử Cơ - một trong Toàn Chân thất tử lừng lẫy giang hồ - cũng không hề là nhân vật hư cấu.

Ông là một đạo sĩ nổi tiếng của phái Toàn Chân, sống vào đời Nam Tống. Sinh thời, ông từng được Thành Cát Tư Hãn mến mộ mà mời đến để nhờ ông truyền dạy thuật pháp dưỡng sinh.

Tuy nhiên, phần lớn khán giả đều chỉ nhớ tới ông với tư cách thầy dậy võ nghệ cho Dương Khang. Hành trình ông tới Mông Cổ đàm đạo cùng Thành Cát Tư Hãn cũng được Kim Dung tiên sinh đưa vào trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu, với rất nhiều tình tiết thú vị và bất ngờ.

Cuối cùng, người đứng đầu Võ Lâm Ngũ Bá - Trung thần thông Vương Trùng Dương cũng chính là giáo chủ Toàn Chân giáo trong lịch sử. Toàn Chân giáo được ông sáng lập vào thế kỷ 12, vương triều Bắc Tống.

Cái Bang, Dịch Cân Kinh, Lục Mạch Thần Kiếm và những sự thật khó tin trong truyện Kim Dung - Ảnh 5.

Hình tượng Vương Trùng Dương trên phim.

Toàn Chân thất tử lừng lẫy giang hồ kia cũng không phải do Kim Dung tưởng tượng ra, mà đều là những đệ tử của vị giáo chủ sống ở thế kỷ 12. Tên và ngoại hiệu của họ cũng được Kim Dung giữ nguyên vẹn trong cuốn Anh hùng xạ điêu, chỉ có võ công được hư cấu đôi phần.

Không chỉ có vậy, rất nhiều chi tiết thú vị trong truyện đều được Kim Dung xây dựng lên từ vốn kiến thức uyên bác và sâu sắc của mình.

Những nội dung về hoa, về trà, rượu hay ẩm thực trong truyện đều được Kim Dung tiên sinh lồng thêm sự hiểu biết của mình, khiến chúng trở nên chân thực hơn, sống động hơn bao giờ hết.

Và có lẽ, đó cũng là một phần lý do tạo nên sức hút của thế giới kiếm hiệp Kim Dung. Một thế giới hư ảo, nhưng được tạo ra bằng trí tuệ, kiến thức và những tinh hoa cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại