Địa phương duy nhất sở hữu cả sân bay quốc tế và cảng biển loại đặc biệt

Minh Tiến |

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 22 sân bay (10 sân bay quốc tế và 12 sân bay nội địa), 34 cảng biển (2 cảng loại đặc biệt, 11 cảng loại 1, 7 cảng loại 2 và 14 cảng loại 3) đang hoạt động. Trong đó, một địa phương duy nhất đang có cả sân bay quốc tế và cảng biển loại đặc biệt.

(Tổ Quốc) - Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 22 sân bay (10 sân bay quốc tế và 12 sân bay nội địa), 34 cảng biển (2 cảng loại đặc biệt, 11 cảng loại 1, 7 cảng loại 2 và 14 cảng loại 3) đang hoạt động. Trong đó, một địa phương duy nhất đang có cả sân bay quốc tế và cảng biển loại đặc biệt.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, cả nước có 22 sân bay dân dụng, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Trong đó, 10 sân bay quốc tế đang nằm tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang và Tp. HCM.

Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục 34 cảng biển tại Việt Nam, trong 34 cảng biển có 2 cảng biển loại đặc biệt, 11 cảng biển loại 1, 7 cảng biển loại 2 và 14 cảng biển loại 3. Trong đó, 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

Như vậy, Hải Phòng đang là địa phương duy nhất cả nước vừa có sân bay quốc tế vừa có cảng biển loại đặc biệt.

Hải Phòng hiện có sân bay quốc tế Cát Bi thuộc cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Theo Cục Hàng không Việt Nam, cảng hàng không quốc tế Cát Bi là cảng hàng không có vị trí quan trọng ở vùng Đông Bắc đồng bằng Bắc bộ, nằm trên địa bàn Quận Hải An – thành phố Hải Phòng.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi nằm trong quy hoạch tổng thể về giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không... của cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Đồng thời, cảng hàng không quốc tế Cát Bi là cầu nối quan trọng giữa các thành phố lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng cho biết, dịch vụ hàng không của thành phố phát triển khá nhanh, cảng hàng không quốc tế Cát Bi vận chuyển 100 hành khách/giờ cao điểm, 2-4 triệu lượt khách/năm.

Bên cạnh đó, cảng biển Hải Phòng là một trong những cảng biển quan trọng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, cảng biển Hải Phòng nằm trong 2 cảng biển đặc biệt được ưu tiêu phát triển của cả nước.

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, lượng hàng thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 47,6 triệu tấn, tăng 1,67 % so với cùng kỳ. Trong đó, riêng hàng container thông qua cảng bằng tàu biển đạt 3,05 triệu Teus, tăng 7,47%. Tuy nhiên, số lượng tàu biển thông qua cảng giảm nhẹ, trong 6 tháng đạt 8.652 lượt, giảm 3,24%.

Theo Bộ Giao thông Vận Tải, điểm sáng tại khu cảng biển Hải Phòng thuộc về bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (HITC). Trong trong 6 tháng đầu năm 2022, cảng Tân Cảng Hải Phòng có 4,8 triệu tấn hàng thông qua, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng hoá thông qua tính theo Teus đạt 530.887 Teus, tăng 46%; tổng số lượt tàu cũng tăng 14% so với cùng kỳ. Theo đó, đây làm mức tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Hiện nay, cảng Hải Phòng lọt top 40 cảng container bận rộn nhất thế giới. Theo cập nhật mới nhất bảng xếp hạng 50 cảng container bận rộn nhất thế giới của Hội đồng Vận tải Thế giới (World Shipping Council), cảng Hải Phòng xếp thứ 33 với lưu lượng hàng hóa qua cảng đạt 5,13 triệu Teus vào năm 2020.

Hơn nữa, cảng Hải Phòng nằm trong top 8 cảng container bận rộn nhất Đông Nam Á, xếp sau các cảng Singapore, Port Klang và Tanjung Pelepas (Malaysia), Laem Chabang (Thái Lan), Tanjung Priok (Indonesia), Sài Gòn (Việt Nam) và Manila (Philippines).

Địa phương duy nhất sở hữu cả sân bay quốc tế và cảng biển loại đặc biệt - Ảnh 1.

Top 8 cảng container bận rộn nhất Đông Nam Á. Nguồn: World Shipping Council.

Trên thực tế, Hải Phòng là nơi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển. Theo UBND tỉnh Hải phòng, Hải Phòng là địa phương có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc. Đồng thời, Hải Phòng hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa.

Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn thứ hai cả nước, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam tham gia vào vành đai Thái Bình Dương, có chiều dài cầu cảng 11,53km với hơn 40 cảng và 69 cầu cảng.

Đặc biệt, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện trong hệ thống cảng biển Hải Phòng có sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân tăng 17,53%/năm.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa kết nối với cảng biển, đặc biệt là kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Theo đó, Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng, với khu vực và quốc tế. Từ đó, Hải Phòng được tạo động lực phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, logistics.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại