Theo PVN, thị trường tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu lớn nhất là miền Nam, chiếm 45% nhưng chưa có nhà máy lọc dầu nào được xây dựng. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu và sản phẩm hóa dầu cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam được vận chuyển từ hai nhà máy lọc dầu với chi phí cao và từ nguồn nhập khẩu.
Do đó, việc xem xét xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tiếp theo tại khu vực miền Nam là hoàn toàn hợp lý và tối ưu.
PVN cho biết, theo phương án dự kiến, tổ hợp sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước. Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ tùy thuộc vào quy mô công suất tổ hợp.
Quy mô công suất của tổ hợp đối với dự án lọc dầu dự kiến được chia làm hai giai đoạn, với tổng công suất là 24 - 26 triệu tấn dầu thô/năm. Dự án kho dự trữ quốc gia, sản phẩm xăng dầu công suất 1 triệu tấn/năm với dầu thô và 500.000 m3/năm với sản phẩm xăng dầu.
PVN cho biết giai đoạn 1 sẽ cần vốn từ 12,5 - 13,5 tỷ USD, giai đoạn 2 là gần 5 tỷ USD. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn là 18,5 tỷ USD. PVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ để tập đoàn này tiếp tục triển khai các bước tiếp theo cho dự án tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển Đông Nam Bộ, nằm trong vùng có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam. Tỉnh sở hữu nhiều loại khoáng sản, nhiều nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Trên thực tế, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có lợi thế lớn về tài nguyên biển. Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ có cảng biển nước sâu mà còn có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước.
Cụ thể, tỉnh có cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải với diện tích 48 ha. Cảng có cầu cảng dài 600 m, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT. Hơn nữa, cảng quốc tế Cái Mép được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.
Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng dầu đạt 400 triệu m3, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; trữ lượng dầu khí khoảng trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước.
Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa - Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở Bể Cửu Long và Bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long có trữ lượng khai thác khoảng 170 triệu tấn dầu và 28 – 41 tỷ m3 khí. Trong đó, mỏ Bạch Hổ trữ lượng 100 triệu tấn dầu và 25 - 27 tỷ m3 khí, mỏ Rồng trữ lượng 10 triệu tấn dầu và 2 tỷ m3 khí, mỏ Hồng Ngọc và Rạng Đông trữ lượng 50 - 70 triệu tấn dầu và 10 - 15 tỷ m3 khí.
Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là một trong những trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam. Sau nhiều năm phát triển, công nghiệp dầu khí đã có tác động không nhỏ làm thay đổi cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là trung tâm của cả nước trong các lĩnh vực năng lượng.
Tận dụng lợi thế tài nguyên biển để phát triển kinh tế, trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Theo Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí).
GRDP bình quân đầu người của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2000 – 2021 (không tính dầu khí). Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 1996 đến nay, tỉnh có GRDP bình quân đầu người cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước.
Năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 12.154 USD/người (tính cả dầu khí) tương đương 281,2 triệu đồng và đạt khoảng 7.141 USD/người (không tính dầu khí) tương đương 163,4 triệu đồng, gấp hơn 8 lần so với năm 2000 (851 USD/người tương đương 19,5 triệu đồng).
Năm 2021, GRDP trừ dầu khí của tỉnh đạt 111.033 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, GRDP tính cả dầu khí của tỉnh đạt 213.948 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), giảm 6,26% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến cho GRDP tính cả dầu khí giảm vì hoạt động khai thác dầu thô, khí đốt giảm và sự suy giảm của khu vực dịch vụ trước tác động của dịch Covid-19.