Đi 500 m phải trả phí BOT toàn tuyến: Xem xét giảm phí nhiều loại xe

Phi Long |

Bất cập tại dự án đầu tư QL91 và QL91B theo hình thức BOT đang được Bộ GTVT và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ từng bước tháo gỡ.

Đi 500 m phải trả phí BOT toàn tuyến: Xem xét giảm phí nhiều loại xe - Ảnh 1.

Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dự án (Trạm thu giá T2 -Km50+050) QL91).

Ngày 31/8, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang về các dự án giao thông trên địa bàn, trong đó có việc thu giá tại các trạm thu phí thuộc dự án BOT 91 Cần Thơ – An Giang.

Tại buổi làm việc, ngoài các nội dung về nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Công Thức - Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, và đại diện hiệp hội vận tải Tỉnh An Giang đã đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm xem xét, chỉ đạo, xử lý bất cập của trạm thu phí T2 tại Km50+050 QL91 thuộc dự án BOT 91 (gọi tắt là trạm), để đảm bảo quyền lợi của người dân và an ninh trật tự trong khu vực.

Trả phí 35.000-200.000 đồng cho 500 m đường BOT

Thực tế cho thấy, sau khi trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dự án (Trạm thu giá T2 (Km50+050) QL91), đi vào hoạt động, đã nảy sinh một số vấn đề bất cập chưa được xử lý.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải tỉnh An Giang, ôtô của tỉnh này nếu đi Kiên Giang chỉ sử dụng khoảng 0,5 km đường BOT nhưng phải trả phí toàn tuyến - đây là điều rất vô lý.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang nói khi có sự mâu thuẫn giữa một số loại xe với nhau trong việc miễn giảm phí qua trạm T2 thì chủ xe và tài xế sẽ có sự quyết tâm chống đối.

Hiện, có khoảng 40 phương tiện ở An Giang đang chuẩn bị làm như ở Cai Lậy nếu không được miễn giảm phí qua trạm T2.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói sau này có đường tránh đi lên cầu Vàm Cống thì đi về Kiên Giang sẽ không qua trạm T2. Tôi không chịu cách lý giải này vì đường tránh đến năm 2021 mới có, chúng tôi phải oằn vai đóng tiền qua trạm nhiều năm nữa là rất bất hợp lý", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang bức xúc.

Trả lời ông Xuân tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho răng, theo Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị thì vẫn tiếp tục triển khai các dự án BOT vì từ năm 2016 đến 2020, ngân sách Nhà nước không cấp đồng nào cho Bộ GTVT làm cơ sở hạ tầng mới.

Theo ông Nhật, trước đó một ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói điều này và không thể bỏ BOT được, vẫn phải đầu tư theo đối tác công tư PPP nhưng phải rà soát lại những bất cập vừa qua để xử lý.

Đi 500 m phải trả phí BOT toàn tuyến: Xem xét giảm phí nhiều loại xe - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật (trái) tại cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang ngày 31/8. Ảnh: CTV.

"Sai sót, bất cập thì Bộ đã nhận diện ra rồi và có báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội. Anh Xuân đề xuất là đúng nhưng di dời trạm T2 thì Tiền Giang phải làm sao, và các trạm còn lại nữa.

Làm một lúc liệu Nhà nước và doanh nghiệp có đủ tiền. Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ là giảm giá, đó là biện pháp đầu tiên", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói tại cuộc họp.

Xem xét giảm phí nhiều loại phương tiện

Theo ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, hiện nay trên thế giới đang tồn tại và sử dụng hai hình thức thu phí là Thu phí kín và thu phí hở.

Thu phí kín hiện áp dung tại Việt Nam trong các đường cao tốc, khi vào đường cao tốc sẽ được phát phiếu và ra khổi đường cao tốc ở chỗ nào sẽ thanh toán chi phí tương ứng với số km sử dụng dịch vụ, hình thức này đảm bảo sự công bằng đối với người tham gia giao thông do đường cao tốc hoàn toàn độc lập và cách biệt với bên ngoài.

Đối với thu phí hở, trên cả tuyến đường đầu tư chỉ đặt 1 trạm thu tiền nên có người chỉ đi một quãng đường rất ngắn 1km nhưng qua trạm thì cũng phải trả giá dịch vụ nhưng có những người đi 30km mà không qua trạm đã quay lại thì không phải trả, tồn tại lớn nhất của hình thức thu giá này là không tạo được sự công bằng tuyệt đối cho người tham gia giao thông.

Đi 500 m phải trả phí BOT toàn tuyến: Xem xét giảm phí nhiều loại xe - Ảnh 3.

Thẻ miễn giảm cho trên 270 ôtô trong đợt 1. Ảnh: Việt Tường.


"Hiện nay chúng ta đang áp dụng trên các Quốc lộ là thu phí hở. và Bộ GTVT và các bộ ngành có liên quan đã nhận ra bất cập này và đang nghiên cứu có giải pháp giảm bớt thiệt hại cho người tham gia giao thông", ông Vũ Tuấn Anh nói.

Đến nay, Bộ GTVT nghiên cứu và áp dụng các hình thức miễn giảm thậm chí đến 100% giá cho người dân có hộ khẩu thường trú các khu vực quanh trạm (tuỳ theo địa giới đại lý).

"Đối với trạm thu phí T2 tại Km50+050 QL91 thuộc dự án BOT 91, sau khi đánh giá và tiếp nhận những phần hồi về sự bất cập tại trạm thu giá T2 tại trên QL91, Bộ GTVT đã tổ chức làm việ với UNND các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ, và đã thống nhất phương án và chính thức có văn bản giảm cho các chủ phương tiện qua trạm thu phí, như: Yêu cầu giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các loại xe bus, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL80) về An Giang (QL91) và ngược lại.

Miễn giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí", ông Tuấn Anh cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, việc nâng cấp QL91, QL91B và đặt các trạm thu giá T1, T2 được thực hiện theo quy định.

Đi 500 m phải trả phí BOT toàn tuyến: Xem xét giảm phí nhiều loại xe - Ảnh 4.

Vị trí đặt trạm thu phí T12 được cho là không hợp lý. Đồ họa: Minh Trí.


Tuy nhiên, một số bất cập, tồn tại của dự án BOT QL91 đã được Bộ GTVT phối hợp các địa phương và bộ, ngành khắc phục, xử lý; đặt biệt là bất cập trong thu giá dịch vụ, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục ĐBVN, Nhà đầu tư dự án tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ và các cơ quan liên quan xử lý triệt để nhằm miễn, giảm giá cho các phương tiện tham gia giao thông qua trạm theo các nguyên tắc như đã nêu trên.

Sau khi các địa phương, nhà đầu tư có danh sách thống kê các phương tiện được giảm theo nguyên tắc trên, thống nhất giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ và thời gian áp dụng giảm giá tại Trạm thu giá T2 (lý trình Km50+050) và Trạm thu giá T1 (lý trình Km16+905,83) thuộc Dự án. Danh sách phương tiện giảm giá của 03 địa phương gồm 284 phương tiện.

Các phương tiện được giảm giá khi qua tại Trạm thu giá T1 (Km16+905,83), gồm: 10 phương tiện thuộc địa bàn Thành phố Cần Thơ; Các phương tiện được giảm giá khi qua tại Trạm thu giá T2 (Km50+050), gồm: 22 phương tiện thuộc địa bàn Thành phố Cần Thơ, 73 phương tiện thuộc địa bàn tỉnh An Giang và 179 phương tiện thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Tổng cục ĐBVN và Nhà đầu tư đã phối hợp với các địa phương để bắt đầu áp dụng từ ngày 01/9/2017.

Đối với các phương tiện vận chuyển hành khác hợp đồng và phương tiện vận tải hàng hóa có hợp đồng chạy tuyến cố định theo kiến nghị của các địa phương, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN tiếp tục làm với các địa phương và nhà đầu tư, Hiệp Hội vận tải ô các địa phương để đề xuất phương án xử lý trên nguyên tắc phù hợp và đảm bảo khả thi của dự án, báo cáo Bộ GTVT xem xét./.

Đối với kiến nghị di dời trạm thu giá T2 trên QL91:

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại nghiên cứu kiến nghị của Hiệp Hội ô tô vận tải An Giang, báo cáo Bộ GTVT để xem xét trên nguyên tắc phải được đánh giá toàn diện phương án, các tác động đến điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, khả thi về phương án tài chính của dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng và Ngân hàng đã tài trợ vốn vay cho dự án, phù hợp với quy định pháp luật khi di dời trạm, được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Như vậy đến nay phối hợp với các địa phương, Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam, Nhà đầu tư tiếp tục xử lý giải quyết triệt để những tồn tại trong khâu thu giá dịch vụ của dự án. Phát huy hiệu quả của đầu tư, góp phần cải thiện, nâng cao tốc độ xe chay trên tuyến, góp phần quan trọng trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại