1. Khi rảnh rỗi, những người lớn tuổi vùng Lancashire vẫn thường ngâm nga một bài hát dân gian.
"Trông kìa, trông kìa, những thiếu nữ đôi mươi
Các cô thật duyên dáng với hình vẽ trên người
Miệng các cô líu lo và đôi chân vẫn rảo bước
Sau lưng là cả Lancashire bao la.
Nơi đây có Odsall, Manchester với những tòa nhà chọc trời
Đằng kia Oldham, Bolton, Ashton-under-Lyne
Và tại Burnley là những mỏ than trù phú".
Nhưng hầu như tất cả cư dân Manchester lại chưa bao giờ nhận mình dính dáng gì tới Lancashire, vì luôn cho mình là dân thành thị. Tuy vậy đó vẫn chưa là gì với việc bị đánh đồng với những người đến từ vùng Merseyside, mà đặc biệt là Liverpool.
Căn nguyên của sự thù địch xuất phát từ vị thế đắc địa của Liverpool. Nhắc đến Liverpool là nói tới một trong những hải cảng nổi tiếng và giàu có nhất thế giới. Được coi như cửa ngõ giao thương của nước Anh với thế giới, nghiễm nhiên Liverpool độc quyền gần như tuyệt đối việc vận chuyển những mặt hàng xa xỉ phẩm.
Sự ra đời của thương cảng Manchester Shipping Canal vĩnh viễn chia cắt Liverpool và Manchester.
Vì lẽ đó, chẳng cớ gì người Liverpool lại không tăng thuế vận chuyển gấp vài lần, giống như thấy thích thì tăng thôi. Người Manchester đương nhiên cực kỳ cay cú, thế là họ quyết định tự bỏ tiền xây hẳn một hải cảng của riêng mình cho bọn "dân chài" kia biết mặt.
Có tiềm lực tài chính cực mạnh, nhưng cũng phải mất hơn hai thế kỷ từ khi kế hoạch được phôi thai, đến năm 1894, thương cảng Manchester Shipping Canal mới được chính thức được khánh thành.
Sự ra đời của hải cảng sầm uất này giúp kinh tế Manchester càng vững mạnh, đồng thời lại khiến người Liverpool bị thâm hụt ngân sách trầm trọng và đào hố sâu thâm thù giữa hai thành phố phát triển bậc nhất xứ sương mù.
2. Đã giải nghệ, nhưng khi lên sóng truyền hình trực tiếp, huyền thoại của Man United, Ryan Giggs vẫn không ngần ngại nói rằng anh vẫn ghét cay ghét đắng Liverpool. Giggs tiết lộ, nguyên cả năm lớp 4, gần như buổi tập nào của đội bóng anh cũng va chạm rồi choảng nhau với một cậu bạn cùng tuổi chỉ vì cậu này là người gốc Liverpool.
Anh còn cho biết, ngay từ bé anh đã được bố mẹ lẫn ông bà "nhào nặn" nên tính cách không chơi với người Liverpool. Cuối cùng, anh chốt lại "chẳng riêng tôi đâu, cứ hỏi Steven Gerrard là rõ ngay ấy mà".
Trong sự nghiệp, Gerrard thừa nhận đã suýt tới Real, Chelsea rồi Inter, chứ còn Man United thì đời đời kiếp kiếp cũng không. Mà Gerrard ghét Man United thế nào, chỉ cần nhớ lại pha đạp thẳng vào ống quyển Ander Herrera của anh khi mới chạy trên sân được chừng 30 giây là đủ hiểu.
Đến lúc viết tự truyện, đội trưởng vĩ đại của Liverpool cũng không quên nhắc "Tôi thà không xem TV cả đời chứ không bao giờ xem một trận đấu của Man United".
Thế nên, khi cựu tuyển thủ Argentina, Gabriel Heinze lớ ngớ buột miệng xin Sir Alex Ferguson đầu quân cho Liverpool năm 2006, thì anh đang từ hậu vệ trái số một của đội bị ném lên ghế dự bị không thương tiếc. Không chỉ mối quan hệ thân thiết như "bố con" với Sir Alex biến thành chẳng thèm nhìn mặt nhau, mà anh còn bị chính các CĐV Man United sỉ vả và phải khăn gói sang Tây Ban Nha.
3. Cách đây 22 năm, trong trận hòa 3-3 giữa hai đội tại Anfield, các CĐV Liverpool đã giăng tấm banner rất lớn với dòng chữ: "Chào thân ái Cantona và 500 anh em Man United. Khi nào gom đủ 18 chức vô địch thì mới đủ tuổi đến đây nói chuyện".
Khi đó, đi đến đâu người Liverpool vẫn vỗ ngực đầy tự hào họ là đội bóng số 1 nước Anh, còn Man United chỉ như hạng "con ghẻ".
Nhưng đời người ai biết được chữ ngờ, ngày 23/4/2013, hat-trick của Robin van Persie vào lưới Aston Villa - trong đó có cú volley bóng sống thần sầu - không chỉ giúp Man United lần thứ 20 giành chức VĐQG mà còn khiến họ vô cùng hả hê trước những gã Liverpool đáng ghét.
Thảm kịch Hillsborough và tai nạn máy bay Munich là những chương đen tối nhất trong lịch sử Liverpool và Man United. Nhưng những ký ức đau khổ đó lại luôn trở thành đề tài để các CĐV của cả hai đội mang ra giễu nhại nhau mỗi khi chạm trán.
Liverpool đang cực kỳ hung phấn với thứ bóng đá rực lửa, trong khi Man United sau thời gian mật ngọt cùng Mourinho bắt đầu cảm nhận những chông gai. Nhưng với tính chất của những trận derby, nơi chiến thắng được đánh đổi bằng cả máu và nước mắt, phong độ gần như sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết.
Ở nơi đó, chỉ có sự sung sướng tột bậc của người chiến thắng và nỗi đau không tài nào nuốt trôi dành cho kẻ chiến bại.