Đến tuổi trung niên, bản lĩnh là chắt chiu, tiết kiệm từng đồng: Trong túi có tiền, trong tay có việc, trong lòng không lo!

Minh Nguyệt |

Tiền đôi khi giống như một chiếc “áo giáp” có thể bảo vệ bản thân. Tiết kiệm tiền cũng là cách để bản thân có cảm giác “an toàn”.

Cuộc sống của chúng ta có liên quan mật thiết đến tiền bạc. Đặc biệt khi đến tuổi trung niên, chúng ta sẽ càng cảm nhận được tầm quan trọng của tiền bạc. Những người ở độ tuổi trung niên có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già và lo lắng cho tổ ấm, con cái, áp lực tài chính cũng tăng lên. Đối với người ở tuổi trung niên, việc có tiền trong túi, có tiền trong tài khoản, thực sự quan trọng.

01

Gần đây tôi đã xem bộ phim truyền hình "Một năm không có công việc" và vô cùng ấn tượng trước những trải nghiệm của nhân vật chính He Yu. Cô đã làm việc ở Thượng Hải hơn mười năm, nhưng cô thất nghiệp vì không hài lòng với việc thay đổi vị trí công việc của công ty. He Yu ban đầu nghĩ rằng với số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm qua, cô có thể dễ dàng vượt qua thời kỳ thất nghiệp một cách thành công.

Không ngờ chỉ trong vài tháng, sau khi trừ số tiền cho bạn bè vay, số dư trong thẻ của cô chỉ còn 60.000 NDT (khoảng hơn 200 triệu đồng). He Yu tính toán, khoản vay mua ô tô là 20.000 NDT (khoảng gần 67 triệu đồng), sau khi trừ đi tiền bảo hiểm, tiền thuê nhà và điện nước, số tiền này sẽ không đủ chi tiêu trong nửa năm.

Để kiếm tiền, He Yu chỉ có thể đi phỏng vấn xin việc khắp nơi, thậm chí nửa đêm còn dựng quán ven đường để kiếm tiền. Cuối cùng, sau khi cô trả hết khoản vay mua ô tô, mẹ cô được chẩn đoán mắc khối u ác tính.

Bệnh viện thông báo He Yu thanh toán phí phẫu thuật 160.000 NDT (khoảng 530 triệu đồng) trong vòng 2 ngày. Nhưng He Yu không có nhiều tiền như vậy, cô chỉ có thể bán xe và vay tiền bạn bè. Khi biết sau này mẹ mình sẽ phải hóa trị và chi phí phải trả không hề nhỏ, He Yu đã gục xuống và khóc ở cầu thang.

Khi gặp sự cố, chúng ta mới nhận ra rằng thiếu tiền thực sự là một gánh nặng khó vượt qua.

Đến tuổi trung niên, bản lĩnh là chắt chiu, tiết kiệm từng đồng: Trong túi có tiền, trong tay có việc, trong lòng không lo! - Ảnh 1.

Có một câu hỏi trên nền tảng mạng xã hội Zhihu: “Khoản tiết kiệm của bạn sẽ kéo dài được bao lâu nếu bạn bất ngờ không có việc làm?”. Có người nói, chắc chỉ có 2 năm, vay mua nhà, nuôi con, sinh hoạt hàng ngày, những năm này cơ bản họ không có tiền tiết kiệm. Có người trả lời rằng chưa đầy một năm. Có người nói rằng, tối đa chỉ 1 tháng, với tiền trả thẻ tín dụng, tiền trả góp xe và các khoản nợ khác cộng lại, đủ khiến người ta suy sụp.

Đặc biệt đối với những người ở độ tuổi trung niên, họ phải tiêu tiền vào các chi phí sinh hoạt hàng ngày, vay mua ô tô, trả tiền nhà, sức khỏe gia đình, giải quyết các vấn đề...

Có một câu nói: “80% khó khăn trong cuộc sống này có thể giải quyết được bằng tiền và 20% còn lại cũng có thể được giải tỏa, làm dịu đi bằng tiền”. Khi còn trẻ, chúng ta thường coi trọng niềm vui và luôn cho rằng nói về tiền là thứ gì đó tầm thường. Nhưng sau khi trưởng thành và gặp khó khăn, chúng ta mới hiểu rằng tiền bạc, số dư trên tài khoản ngân hàng thực sự có thể làm dịu đi nhiều khó khăn của người trưởng thành.

02

Một người phụ nữ đã từng kể về trải nghiệm của bản thân: Năm 2020, cô và gia đình vừa mua nhà thì bị cắt lương, ba tháng liên tục thu nhập chỉ từ 3.000NDT (khoảng 10 triệu đồng) đến 4.000 NDT (khoảng 13 triệu đồng). Nhưng riêng khoản vay thế chấp của gia đình họ đã là 7.500NDT (khoảng 25 triệu đồng), và khoản thu nhập này đơn giản là không đủ.

Cô nhìn số tiền tiết kiệm ngày càng giảm dần mà cảm thấy hoang mang. Sau trải nghiệm này, không ai dám tiêu tiền một cách liều lĩnh. Cô đã nhiều lần nói với gia đình rằng nên chi tiêu càng ít càng tốt cho những khoản chi không cần thiết. Vì vậy trong hai năm qua, mọi người đã rất nỗ lực kiếm và tiết kiệm tiền. Gần đây, thu nhập của gia đình lại bị ảnh hưởng. Nhưng mọi người không còn hoảng loạn như trước nữa, dù sao họ cũng có 500.000 NDT (khoảng gần 1,7 tỷ đồng) tiền tiết kiệm và đủ để xoay sở một thời gian.

Cô nói: "Tiết kiệm tiền không phải là để không tiêu tiền, mà là để có tiền khi gặp phải tình huống bất ngờ. Khi gặp khó khăn về tài chính hoặc không có thu nhập, chúng ta mới có tiền để mua đồ ăn, trả nợ, và quan trọng nhất là có thể tự bảo vệ cuộc sống của mình. Khi nghe nói rằng nhiều người gặp khó khăn vì mất việc làm trong thời gian gần đây, tôi thật sự rất biết ơn bản thân mình đã nỗ lực tiết kiệm tiền".

Đến tuổi trung niên, bản lĩnh là chắt chiu, tiết kiệm từng đồng: Trong túi có tiền, trong tay có việc, trong lòng không lo! - Ảnh 2.

Nhà văn người Anh William Somerset Maugham từng nói: "Tất nhiên con người không theo đuổi tiền bạc. Nhưng chỉ có tiền mới giúp ta duy trì một cuộc sống đàng hoàng, mạnh khỏe, thoải mái và độc lập”. Khi bạn thấy số dư trong tài khoản tăng lên của mình tăng lên, cảm giác an toàn của bạn sẽ được củng cố.

03

Có lần tôi đọc được chia sẻ của một cư dân mạng, cô ấy chia sẻ câu chuyện về 3 giai đoạn của mình: Giai đoạn đầu tiên là 2-3 năm đầu đi làm, không có kế hoạch, không tiết kiệm, chỉ đi du lịch và ăn uống; Giai đoạn thứ hai, sau khi mua nhà, cô ấy bắt đầu sống như người nô lệ của căn nhà, tiết kiệm tiền để mua sắm cho nhà cửa và mua chỗ đậu xe. Trong giai đoạn này, cô ấy phải thắt lưng buộc bụng; Ở giai đoạn thứ ba, sau khi sinh con, cô ấy nhận thức về tình hình khó khăn và bắt đầu tiết kiệm tiền đều đặn hàng tháng, giảm tiêu tiền cho mọi thứ về quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại. Cô cho biết, sau khi thích nghi với cuộc sống tối giản, cô từ lâu đã không còn quá quan tâm đến trang sức, xe hơi sang trọng, cô cảm thấy rất hạnh phúc hơn.

Nhiều người luôn quan niệm tiết kiệm tiền đồng nghĩa với việc tằn tiện về cơm ăn, áo mặc và sống cuộc sống bủn xỉn, khốn khổ mỗi ngày, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Tôi đã từng thấy một công thức hạnh phúc: hạnh phúc = khả năng/mong muốn. Trong khi khả năng kiếm tiền không thay đổi, hạnh phúc vẫn có thể đạt được bằng cách “hạ thấp” mong muốn tiêu dùng.

Vậy làm thế nào để giảm bớt ham muốn tiêu dùng và tiết kiệm một cách vui vẻ ? Dưới đây là 2 gợi ý dành cho bạn:

1. Đừng mua sắm bốc đồng

Khi gặp một số chương trình khuyến mãi, nhiều người không khỏi mua sắm theo cảm xúc, thấy rẻ nên mua, đôi khi họ mua cả những thứ không bao giờ dùng đến. Để khắc phục điều này, bạn có thể thiết lập một "khoảng thời gian tự bảo vệ" cho việc mua sắm của mình và trì hoãn việc tiêu tiền. Nếu bạn thích một món đồ nào đó, hãy đặt nó vào giỏ hàng trực tuyến, sau đó hãy cho bản thân thời gian để nghĩ xem liệu bạn có thực sự muốn mua nó hay không.

2. Xây dựng kế hoạch tài chính

Một trong những nguyên nhân khiến bạn không thể tiết kiệm tiền là do bạn không biết quản lý tài chính, dẫn đến thu nhập và chi tiêu của gia đình bạn trở nên không hợp lý. Ví dụ như "Phương pháp tiết kiệm 333", khi nhận lương, bạn sẽ chia thành 3 phần: chi phí thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày và tiền tiết kiệm, như vậy bạn có thể biết số tiền cố định phải tiết kiệm mỗi tháng.

Đến tuổi trung niên, bản lĩnh là chắt chiu, tiết kiệm từng đồng: Trong túi có tiền, trong tay có việc, trong lòng không lo! - Ảnh 3.

04

Hãy kiếm tiền chăm chỉ, nếu bạn không có khả năng kiếm tiền thì hãy kiềm chế ham muốn tiêu tiền của mình. Cuộc sống rất đắt đỏ, dù thế nào đi nữa, đừng quên lập kế hoạch chi tiêu cụ thể và cố gắng tiết kiệm tiền hợp lý. Đừng tin rằng tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu, dù cuộc sống của bạn có hào nhoáng đến đâu cũng không thể yên tâm bằng việc có tiền trong túi, có việc làm trong tay. Trách nhiệm lớn nhất với cuộc sống là luôn giữ cho bản thân một cơ hội, có khả năng đương đầu với rủi ro, bảo vệ bản thân và những người thân yêu.

Ngay cả khi bạn chỉ tiết kiệm được một số tiền nhỏ mỗi ngày, việc nhìn số dư trong thẻ của mình tăng lên từng chút một sẽ giúp bạn ngày càng tự tin hơn. Mong rằng chúng ta tất cả đều luôn nỗ lực làm việc, cố gắng vì cuộc sống của bản thân và gia đình. Trong tâm lương thiện, trong túi có tiền, trong tay có việc, bên cạnh có người thân, trong lòng an yên, hạnh phúc và vui vẻ.

Theo: Toutiao

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại