Đèn dầu dọc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thanh Tỏa – Bảo tàng Quân khu 2​ |

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng ai đến thăm phần trưng bày Bảo tàng Quân khu 2 trong kháng chiến chống Pháp cũng không khỏi bùi ngùi xúc động khi tìm hiểu chiếc đèn dầu dọc (có số đăng ký 40/T-01) thật đơn sơ, giản dị mà Đại tướng từng sử dụng trong thời gian chỉ đạo kháng chiến ở xóm Mon, xã Phong Châu (nay thuôc xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Từ cuối năm 1946 đầu năm 1947, đáp lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ lệnh của cấp trên, nhân dân Tiên Kiên cùng các xã lân cận thuộc hai huyện Lâm Thao và Phù Ninh đã huy động hàng nghìn người, cùng hàng vạn cây cọc, dụng cụ, tập trung rào làng kháng chiến xóm Mon làm chỉ đạo điểm nhân ra diện rộng.

Xóm Mon có diện tích trên 100ha, trong đó một nửa là khu dân cư với hơn 50 nóc nhà gỗ từ 4 - 6 hàng chân. Dân số nơi đây hơn 4.000 người làm nghề nông thuần túy, có ý chí cách mạng và truyền thống yêu nước lâu đời. Nửa xóm còn lại là rừng cây rậm rạp thuận lợi cho việc đào hầm phòng thủ, cất giấu lương thực, vũ khí khí tài và ém quân.

Từ tháng 2 đến tháng 5/1947, xóm Mon vinh dự được đón tiếp các cơ quan Trung ương trên đường lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến dừng chân tại nơi đây.

Trong số các cơ quan dừng chân và làm việc ở xóm Mon có Bộ Tổng tư lệnh và đồng chí Võ Nguyên Giáp, đặt trụ sở tại hai ngôi nhà liền kề nhau của hai anh em ông Nguyễn Văn Tâm và ông Nguyễn Văn Hậu ở xóm Mon (ông Nguyễn Văn Hậu sau này làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính của xã Tiên Kiên).

Nhà ông Hậu là nơi nghỉ và làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nhà ông Tâm là nơi họp bí mật của Bộ Tổng tư lệnh với các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội.

Xóm Mon được rào kín và kiên cố bởi hàng cọc tre bên ngoài chéo cánh sẻ cao 2m đầu vạt nhọn. Trong rào là hào sâu 1,5m; rộng 1m, cứ 5m lại bố trí 1 ụ súng chiến đấu. Cả xóm chỉ để 1 cổng vào và 1 cổng ra, ngày đêm có lực lượng dân quân du kích canh phòng cẩn mật.

Đây chính là mô hình phòng thủ vững chắc, vừa đánh địch tại chỗ và bảo vệ làng xã; vừa cản bước của chúng trên đường tiến quân. Trụ sở Bộ Tổng tư lệnh tối cao đặt tại làng kháng chiến xóm Mon chẳng những rất thuận lợi cho việc hoạt động mà còn được Đảng bộ và nhân dân địa phương hết lòng che chở, giúp đỡ, bảo vệ an toàn mọi mặt.

Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi ấy Bác đang ở xã Cao Thắng, nay là xã Chu Hóa) cùng Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và các vị lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước như Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh... đã nhiều lần  về bàn công việc chỉ đạo kháng chiến.

Đến năm 1952, thực dân Pháp tiến công lên Phú Thọ, do bọn việt gian chỉ điểm chúng đã tấn công vào xóm Mon và các xã lân cận, đốt cháy các ngôi nhà trong xóm, trong đó có ngôi nhà của hai anh em ông Tâm và ông Hậu.

Bà Lê Thị Khai (vợ ông Tâm) cố bới tìm trong đống đổ nát những kỷ niệm, hiện vật mà Bộ Tổng tư lệnh và Đại tướng đã để lại. Bà đã tìm được chiếc đèn dầu dọc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiếc đèn bị tường sập đổ che khuất nên còn sót lại, quai đèn bị lửa cháy xém một phần. Đây là chiếc đèn Đại tướng đã dùng thắp sáng trong các cuộc họp bí mật ở xóm Mon. Là hiện vật duy nhất còn sót lại, minh chứng lịch sử cho thời gian chỉ đạo kháng chiến của Bộ Tổng tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xóm Mon năm 1947.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tâm giữ lại làm kỷ niệm cho con cháu nhớ lại một thời kỳ lịch sử đã đi qua của gia đình hơn 50. Đến ngày 25/3/1998, bà Lê Thị Khai trao tặng chiếc đèn dầu dọc cho Bảo tàng Quân khu 2 nhằm trưng bày và phát huy giá trị lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại