Nỗi lo quá tải đè nặng
Theo ghi nhận của VietNamNet, thực tế, tình trạng quá tải trường lớp công lập ở Hà Nội diễn ra nhiều năm qua. Thậm chí, để có suất vào học tại các trường công lập, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đã buộc phải xếp hàng bốc thăm may rủi.
Báo cáo kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố Hà Nội về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hồi cuối tháng 6/2017 cũng khẳng định, tỷ lệ số lớp/trường, số học sinh/lớp ở một số phường, quận hiện còn rất cao.
Ví dụ như quận Cầu Giấy có 14 trường mầm non công lập bình quân lên tới gần 60,89 trẻ/nhóm lớp; có 11 trường tiểu học công lập bình quân 55,95 học sinh/lớp và có 10 trường THCS công lập bình quân 47,1 học sinh/lớp.
Hay như Quận Hoàng Mai có 21 trường mầm non công lập bình quân cũng lên đến 47,4 trẻ/nhóm lớp; có 17 trường tiểu học công lập bình quân 51,6 học sinh/lớp và có 15 trường THCS công lập bình quân 44,6 học sinh/lớp...
Thực tế, tình trạng sĩ số học sinh quá đông so với quy định tối đa của Bộ GD-ĐT tại nhiều trường thuộc quận nội thành của Hà Nội đã diễn ra từ nhiều năm nay, song bài toán này tới nay vẫn chưa có lời giải.
Dân số tăng nhanh khiến nhu cầu của người dân vượt quá nhiều so với sức tải của các trường công, thì việc các trường công lập quá tải, học sinh phải học theo cách chen chúc là điều không khó lý giải.
Báo cáo của UBND TP. Hà Nội khẳng định, việc dự báo tình hình dân số của một số quận trung tâm chưa chính xác, tăng quá nhiều dẫn đến khó khăn trong việc xác định quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong đó có trường học.
Cụ thể, từ 2012-2016, quận Long Biên tăng 205.849 người, quận Hà Đông tăng 67.764 người, quận Thanh Xuân tăng 58.302 người, quận Hoàng Mai tăng 49.993 người, quận Cầu Giấy tăng 36.965 người…
Tốc độ xây dựng trường học không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Theo chỉ tiêu giai đoạn 2012-2016, TP Hà Nội phải xây dựng 633 trường học, tuy nhiên, đến khi việc giám sát được thực hiện (5/2017), thành phố mới chỉ xây dựng được 211 trường, đạt 33%.
Thậm chí, nhiều xã, phường, thị trấn và một số khu đô thị chưa có trường mầm non, tiểu học và THCS công lập.
Đáng nói, trong khi một số quận rất khó khăn trong quỹ đất xây dựng trường công lập nhưng lại phát triển hệ thống ngoài công lập nhiều hơn công lập, song học sinh tại địa phương cũng ít có điều kiện về kinh tế để theo học.
Đơn cử, khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) không có trường mầm non công lập, nhưng lại có 10 trường mầm non tư thục.
Hay như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) có 6 trường tư thục ở 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS, nhưng không có trường công lập.
Khu đô thị Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) có 4 trường tư thục hệ mầm non, tiểu học nhưng vẫn thiếu trường công lập…
Chỉ xây nhà để bán mà không xây trường học
Một trong những nguyên nhân khiến dân số các quận nội thành Hà Nội tăng nhanh chủ yếu là do xuất hiện hàng loạt các khu đô thi, khu chung cư mới được xây dựng trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều khu đô thi, chung cư chưa quan tâm đúng mức về quy hoạch mạng lưới trường học, đa số các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà và các căn hộ để bán và chuyển nhượng, ít quan tâm xây dựng các công trình xã hội.
Đây chính là nguyên nhân khiến sức ép quá tải học sinh ở các trường công lập từ lâu chưa được giải quyết càng trở nên trầm trọng hơn.
Dân số Hà Nội tăng quá nhanh đang tạo sức ép lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong đó có trường học. |
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, ở đa số các dự án, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nhà trẻ, trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác chưa xác định cụ thể trong quyết định chủ trương đầu tư và cấp phép xây dựng mà chỉ quy định về tiến độ chung cho cả dự án dẫn đến việc xác định thời điểm phải thực hiện xây dựng hoàn thành các công trình trường học, nhà trẻ không rõ ràng và chậm tiến độ.
Mới đây, qua tiến hành rà soát 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, thì kết quả là 15 dự án đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án. Ngoài ra, 15 dự án kkác xây dựng nhà trẻ, trường học chưa đảm bảo đồng bộ.
Việc thực hiện quy hoạch trong đó dành quỹ đất để xây dựng trường ở một số nơi chưa đảm bảo tính khả thi như đất xây dựng trường ở khu vực nhà ga, bến xe, nghĩa trang, ao hồ, khu dân cư, khu đường giao thông hay khu vực khó giải phóng mặt bằng, nằm trong quy hoạch hành lang xanh....
"Trách nhiệm chủ yếu thuộc sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận, huyện, thị xã" - báo cáo của UBND TP. Hà Nội khẳng định.
Theo báo cáo Sở GD-ĐT Hà Nội, 5 năm qua toàn thành phố đã xây mới và thành lập mới được 211 trường học các cấp với kinh phí 12.296,036 tỷ đồng (công lập 140 dự án, ngoài công lập 71 dự án). Đã xây mới thêm được 1.008 phòng học để bổ sung phòng học thiếu.
Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ chi khoảng 30.012 tỷ đồng để sửa chữa, chống xuống cấp và xây dựng các trường học mới cho toàn thành phố. Con số này tăng gần gấp 2 lần so với giai đoạn 2012-2016.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ khắc phục được những tồn tại mà Hà Nội để xảy ra trong năm học vừa qua.
"Thành phố đã rà soát toàn bộ hệ thống quy hoạch giáo dục Thủ đô và giao cho ngành giáo dục có thể tiến hành thuê chuyên gia tư vấn, để quy hoạch lại toàn bộ hệ thống giáo dục. Hiện, toàn thành phố có 1,8 triệu học sinh, 2.669 trường với trên 9.000 phòng học. Với số trường và số phòng học này thì có thể nói không thể quá tải, nhưng sự phân bố của các trường, phòng học không đều, dẫn tới quá tải tại một số nơi dân số gia tăng mạnh, vì vậy cần quy hoạch lại" - ông Chung nói.