Đêm nay, Việt Nam đón mưa sao băng

Anh Thư |

Tối ngày 13, rạng sáng ngày 14-8, người dân Việt Nam sẽ đón đêm ngoạn mục nhất của mưa sao băng Perseids, được tạo nên bởi vật thể "tử thần" 109P/Swift-Tuttle.

Perseids là một trong những trận mưa sao băng sáng nhất hàng năm, thường bắt đầu từ giữa tháng 7 và kéo dài cho đến ngày 24-8. Tùy năm và tùy theo múi giờ, đêm cực đỉnh - đêm mà mưa sao băng rơi dày đặc nhất - sẽ rơi vào ngày 9 đến ngày 13-8.

Năm nay, một số quốc gia Âu - Mỹ đón đêm cực đỉnh vào tối ngày 12, rạng sáng 13-8. Tuy nhiên do múi giờ, người Việt Nam sẽ đón vào đêm 13, rạng sáng 14-8.

Đêm nay, Việt Nam đón mưa sao băng - Ảnh 1.

Một trận mưa sao băng Perseids - Ảnh: SPACE

Theo công cụ của trang Time and Date, người dân tại TP HCM sẽ đón mưa sao băng rất ngoạn mục với 100 quả cầu lửa trút xuống mỗi giờ.

Mưa sao băng này vốn tạo ra bởi chiếc đuôi đá bụi của sao chổi 109P/Swift-Tuttle, được phát hiện vào năm 1862.

109P/Swift-Tuttle là một trong các vật thể được các nhà thiên văn theo dõi sát vì được cho là có một xác suất nhỏ sẽ tấn công Trái Đất. Dù nhỏ nhưng cực nguy hiểm, bởi vật thể này có đường kính tận 300 km, nếu va chạm có sẽ giải phóng năng lượng gấp 300 lần Chicxulub - tiểu hành tinh khiến khủng long tuyệt chủng.

Năm 1973, dựa trên các tính toán về quỹ đạo của vật thể bằng cách sử dụng các quan sát hạn chế, nhà thiên văn học Brian Marsden từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) đã dự đoán rằng 109P/Swift-Tuttle có thể va chạm với Trái đất vào năm 2126.

Một số quan sát bổ sung từ các nhà nghiên cứu khác bác bỏ điều đó, cho rằng nó có thể va chạm thật, nhưng sẽ lâu hơn.

Theo NASA, cú tiếp cận ngày 5-8-2126 sẽ có khoảng cách an toàn lên tới 23 triệu km. Một số mô hình khác cho thấy khoảng cách rủi ro gần nhất là 130.000 km.

Tuy nhiên, nhà thiên văn học Donald Yeomans từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA cho biết không thể chắc chắn điều đó không xảy ra trong một thời điểm nào khác trong 10.000 năm, dù khó. 109P/Swift-Tuttle vẫn được xếp vào nhóm vật thể gần Trái Đất và vẫn đang được theo dõi.

Nhưng có thể chắc chắn rằng rủi ro đó còn đủ xa để bạn có thể thưởng thức đêm mưa sao băng ngoạn mục từ vật thể "tử thần" này.

Để quan sát tốt hơn, hãy cố gắng để mắt làm quen với bóng tối 15-20 phút, đứng giữa một vùng không gian thông thoáng và tìm kiếm chòm sao Anh Tiên mang hình người dũng sĩ.

photo-1

Bản đồ bầu trời cho thấy nơi mưa sao băng Perseids sẽ tuôn ra, là khu vực cạnh đầu chàng dũng sĩ Perseur - Ảnh: SPACE

Tên Latin của chòm sao Anh Tiên là Perseus. Mưa sao băng Perseids như tuôn ra từ chòm sao này, nên người xưa mới đặt tên cho nó là mưa sao băng Perseids dù chòm sao này không liên quan đến vật thể tạo ra các quả cầu lửa.

Theo tờ Space, đêm nay được coi là thời điểm tuyệt vời để quan sát bởi rất gần với đêm trăng non, tức bầu trời gần như tối đen hoàn toàn, khiến mưa sao băng hiện rõ. Tất nhiên, hãy hy vọng thời tiết ở khu vực bạn sinh sống sẽ tốt, bầu trời ít bị mây bủa vây.Perseus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại