Theo Time and Date, số lượng sao băng mà người Việt Nam quan sát được trong đêm cực đại lên tới 110 ngôi sao băng mỗi giờ, gấp 10 lần vài trận mưa sao băng khác.
Các nước ở Bắc Bán cầu có thể quan sát mưa sao băng cả đêm, cũng như đã thấy nó ở mức độ ít dày đặc hơn từ hôm 28-12 đến nay, tuy nhiên sẽ thuận lợi hơn nếu chờ qua nửa đêm, tốt nhất là từ 2 giờ sáng trở đi.
Sau đêm cực đại, mưa sao băng sẽ yếu dần và hoàn toàn biến mất sau ngày 12-1.
Mưa sao băng Quadrantids - Ảnh: NASA
Mưa sao băng Quadrantids có nguồn gốc từ tiểu hành tinh 2003 EH1, một vật thể mất 5,5 năm để quay quanh Mặt Trời. Tuy nhiên mỗi năm hành tinh của chúng ta đều đi qua chiếc đuôi đá bụi của nó vào dịp cuối năm cũ - đầu năm mới, tạo ra mưa sao băng.
Mưa sao băng thường được đặt tên theo chòm sao gần với điểm nó phát ra trên bầu trời nhất, nhưng Quadrantids nghe xa lạ bởi vì chòm sao mang tên Quadrans Muralis đã là một "thế giới đã mất" từ hơn 100 năm trước. Cụ thể là chòm sao này bị Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) loại ra khỏi danh sách các chòm sao từ năm 1922.
Quadrantids đôi khi được gọi là Bootids, theo tên chòm sao hiện đại Bootes (Mục Phu). Bạn có thể tìm thấy vị trí phát ra nó ở giữa các thòm sao Mục Phu, Thiên Long (Draco) và Đại Hùng (Big Dipper).
Để quan sát rõ nhất, tốt nhất nên để mắt làm quen với bóng tối bằng cách tránh xa ánh đèn và các loại màn hình khoảng 15-20 phút.
Trở ngại lớn nhất cho việc quan sát mưa sao băng này là trăng sói (trăng tròn tháng 1) đã đạt độ tròn khoảng gần 90% trong đêm nay, với ánh sáng có thể khỏa lấp một số sao băng. Tuy nhiên vì Quadrantids rơi rất dày nên bạn vẫn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nó.