Đem “đất vàng” đi góp vốn xây cao ốc, Vinafor trắng tay?

Vạn Xuân |

Theo dự tính, khi góp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để đối tác thực hiện dự án chung cư cao cấp Tokyo Tower trên “đất vàng” Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) sẽ nhận lại 3.100 m2 sàn căn hộ hoàn thiện tầng 11+12. Tuy nhiên, Vinafor hiện đang đứng trước nguy cơ bị trắng tay khi dự án bị ngân hàng siết nợ?

Thời gian gần đây nhiều khách hàng khi mua nhà dự án Tokyo Tower (tên cũ là chung cư Vinafor hay Landmark 51) do liên danh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC) làm chủ đầu tư như “ngồi trên đống lửa” khi dự án bị ngân hàng siết nợ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BizLIVE, tại dự án này, không chỉ có khách hàng mua nhà “mắc kẹt” mà ngay Vinafor cũng đang trong cảnh tương tự khi “bắt tay” với đối tác thực hiện dự án này.

Theo tìm hiểu, đất để xây dựng dự án ban đầu thuộc quyền sử dụng của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Năm 2011, SJC đề xuất “bắt tay” với Vinafor triển khai xây dựng dự án chung cư cao cấp theo hướng Vinafor đóng góp bằng quyền sử dụng đất, SJC lo tìm nguồn vốn triển khai dự án.

Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục pháp lý, tháng 12/2012, UBND TP. Hà Nội mới chấp nhận chủ trương đầu tư dự án này.

Tiếp đó, tháng 11/2013, UBND TP.Hà Nội có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê dài hạn kinh doanh sang thực hiện dự án đầu tư Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor.

Sau đó, gần một năm, tháng 8/2014, UBND TP.Hà Nội phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất dự án; tháng 11/2014, thẩm tra thiết kế kỹ thuật; tháng 12/2014, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải tháng 4/2015, dự án mới được cấp giấy phép xây dựng.

Tháng 12/2015, dự án chính thức mở bán ra thị trường. Tuy nhiên, ngay từ khi ra mắt, dự án đã bị "tố" nhiều vấn đề, từ vai trò chủ đầu tư, đến việc SJC đang nợ nần lớn và thế chấp chính dự án khi chưa thành hình để lấy tiền triển khai.

Do tình trạng khiếu kiện kéo dài và nhiều lý do khác, dự án sau đó bị chậm tiến độ trong thời gian dài. Đến đầu năm 2018, dự án bất ngờ tái xuất với tên gọi mới là Tokyo Tower.

Ngày 25/9 vừa qua, do chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết về thanh toán với ngân hàng, PVcomBank đã tiến hành thu giữ tài sản là Dự án Tokyo Tower để xử lý nợ theo quy định.

Đáng chú ý, việc thu giữ dự án của PvcomBank không những khiến hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án như “ngồi trên đống lửa” mà còn đang gây khó khăn cho chính chủ đầu tư dự án, đó là Vinafor.

Tại báo cáo tài chính quý III/2018 vừa được công bố, Vinafor khi đề cập đến dự án này cho biết, dự án được Tổng Công ty và Công ty Sông Đà 1.01 ký kết và thực hiện theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 26/2011/HĐHTĐT ngày 20/1/2011.

Theo đó, Vinafor góp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất để đối tác thi công thực hiện dự án này và sẽ nhận lại 3.100 m2 sàn căn hộ hoàn thiện tầng 11+12 của dự án. Giá trị của khoản hợp tác đầu tư này được xác định với số tiền là 54,1 tỷ đồng căn cứ theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

“Hiện tại dự án này đang tạm dừng thi công. Theo thông báo số 9256/PVB- QL&TCTTS ngày 4/9/2018 của ngân hàng PVcombank gửi Công ty CP Sông Đà 1.01 về việc thu giữ tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản còn lại của dự án gồm tài sản chưa bán/cho thuê (bao gồm cả phần tài sản là 31.00 m2 sàn căn hộ hoàn thiện Vinafor được hưởng) và quyền phải thu của tài sản đã bán/cho thuê. Tổng công ty đang làm việc với Ngân hàng PVcombank để đảm bảo quyền lợi được hưởng tại dự án này”, Vinafor cho biết.

Được biết, ngoài dự án Tokyo Tower, Vinafor còn góp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ở số 32 Đại Từ, Hoàng Mai (Hà Nội) để xây dựng Dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Eco Lakeview”.

Dự án này do đối tác là Công ty Sông Đà 1.01 và Công ty cổ phần Ecoland thực hiện. Hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn thi công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại