Đem 18.800 tỷ tiền mặt gửi ngân hàng, ACV thu lãi hơn 1.000 tỷ đồng

Bảo Duy |

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có hơn 18.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Với số tiền này, năm 2017 ACV thu về 1.065 tỷ đồng từ lãi tiền gửi.

Hơn 18.800 tỷ đồng đem gửi ngân hàng lấy lãi

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2017, ACV có hơn 18.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 911 tỷ đồng. Còn lại 17.963 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 12 tháng. Với số tiền này, năm 2017 ACV thu về 1.065 tỷ đồng từ lãi tiền gửi.

Cùng với hàng loạt doanh nghiệp nhà nước khác, ACV vẫn được mệnh danh là "ông vua tiền mặt" khi mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi.

Thực tế, một doanh nghiệp giữ một số dư nhất định trên tài khoản vãng lai là rất bình thường. Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp, doanh nghiệp sẽ chọn gửi ngân hàng, vừa an toàn mà vẫn sinh lời.

Tính toán so với tổng tài sản ACV (tính đến cuối năm 2017) đạt 49.161 tỷ đồng, thì tiền gửi ngân hàng của ACV chiếm đến 38% tổng tài sản.

Theo vị chuyên gia, nếu găm giữ quá nhiều tiền mặt, trên 20% tổng tài sản thì lại bất thường và cần xem lại vì có thể dòng tiền đang đi sai hướng, doanh nghiệp không bỏ vốn kinh doanh mà gửi để lấy lãi, không tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho doanh nghiệp.

"Một số doanh nghiệp nhà nước cầm tiền nhưng để đảm bảo bảo toàn vốn lại mang tiền đi gửi thay vì đầu tư sinh lời, điều này là không phù hợp, thể hiện doanh nghiệp đang bí kênh đầu tư, chưa tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất", vị chuyên gia này nhận định.

"Kiếm" hàng trăm tỷ từ lạm thu phí sân bay

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV.

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm của ACV trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất cũng như thu dịch vụ phi hàng không.

Theo bản kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong hai năm 2014 và 2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 mét vuông, tổng số tiền thu về là 701,1 tỷ đồng. Tất cả trường hợp này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.

Bên cạnh đó, ACV còn sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không .

Hiện có tới 21 trong tổng số 22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/10/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19-21 cảng hàng không là hơn 550 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu tiền như vậy là không đúng quy định pháp luật về đất đai, do các cảng hàng không này không phải nộp tiền sử dụng đất.

Việc thu tiền tuy mang lại lợi ích cho ACV, cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.

Ngoài ra, ACV, và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước, đang quản lý và sử dụng cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại