Đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp: Nguồn ở đâu, tăng thế nào?

HUYÊN NGUYỄN |

Điểm nổi bật trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành là xếp lương giáo viên (GV) cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp và miễn giảm học phí tới cấp THCS đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề đặt ra là nguồn ngân sách ở đâu ra để thực hiện?

Miễn giảm học phí là việc làm cần thiết

Bộ GDĐT vừa xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành (gọi tắt là dự thảo). Một điểm nổi bật là dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập.

Theo GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nước ta tuyên bố phổ cập THCS mà không miễn học phí thì chưa trọn vẹn.

Bởi phổ cập tức là vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh và phụ huynh. Các em học sinh ở lứa tuổi này được học và nghĩa vụ bắt buộc phải hoàn thành chương trình học cấp THCS, nếu không hoàn thành là vi phạm pháp luật.

Nếu như hiểu sự bắt buộc như vậy thì nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ đó và đương nhiên là phải có miễn học phí.

Đồng quan điểm, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay Luật Giáo dục đã quy định phổ cập giáo dục tới cấp THCS.

Đã là phổ cập thì học phí phải do Nhà nước lo. Câu chuyện và lấy tiền đâu thì phải cân đối ở ngân sách. Thời kỳ trước, chúng ta từng thực hiện miễn học phí đến hết đại học rồi.

Đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp: Nguồn ở đâu, tăng thế nào? - Ảnh 1.

Cô và trò Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng lương cho giáo viên - hay nhưng khó!

Một đề xuất được quan tâm nhiều nhất chính là xếp lương GV cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tán thành đề xuất trên, GS Đào Trọng Thi cho biết: “Thực ra Nghị quyết Trung ương 2 khoá XIII từ năm 1996 đã khẳng định điều này. 20 năm qua chúng ta chưa thực hiện được điều đã nêu trong Nghị quyết ấy.

Nghị quyết 29 một lần nữa cũng đã nhắc lại nội dung đó”.

Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cho biết đây chỉ là đề xuất ban đầu của ban soạn thảo, để nhận được sự đồng thuận của xã hội, sự đồng ý của Chính phủ và trình ra Quốc hội thông qua thì vẫn còn là một hành trình vô cùng gian nan.

“Cái khó là lực lượng GV đông quá, nếu như tăng lương cho GV thì có nghĩa là “miếng bánh” ngân sách dành cho giáo dục sẽ rất lớn. Mà cấp thêm thì không thể. Chỉ có thể nghĩ đến bớt các phần khác đi.

Thế thì, một người bảo là ủng hộ ưu đãi GV thì tôi tin không mấy ai từ chối. Nhưng nếu bảo cắt 1 phần lương của họ đi để ủng hộ cho GV thì khó lắm. Lúc ấy, lại ảnh hưởng đến quyền lợi của ngành, nghề khác” - GS Thi thẳng thắn trao đổi.

Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh rằng lương của công chức, viên chức hiện nay như nhau nhưng thu nhập GV thấp nhất bởi đại đa số họ không có thu nhập nào khác ngoài lương.

Ủng hộ cho GV không phải chỉ trực tiếp cho họ mà còn là gián tiếp ủng hộ cho con em của mình, cho chất lượng giáo dục. Nếu xã hội nhận thức sâu sắc được như vậy thì sẽ không có ai suy bì.

Nguồn nào để tăng?

Dưới góc nhìn của nội vụ, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - nhấn mạnh: “Bộ GDĐT đề xuất tăng lương cho giáo viên thì phải xác định được nguồn kinh phí ở đâu và có giải pháp để tăng, tăng như thế nào.

Lương của công chức, viên chức trong ngành giáo dục hiện nay đã tăng 1,5 lần so với lương công chức, viên chức của ngành nghề khác và đã được quy định trong hệ thống tiền lương.

Nếu xếp lương cao nhất và tăng lương cao nhất thì có khả thi? Trong khi đó, tổng số công chức, viên chức hiện nay khoảng 2,8 triệu người thì có tới khoảng 2 triệu người làm trong lĩnh vực giáo dục. Con số này quá lớn.

Chúng ta không thể cứ đề xuất mà không có biện pháp. Nói mà không làm được thì cũng không ổn lắm, có thể sẽ gây hụt hẫng và mất niềm tin trong ngành”.

Một nguyên lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục bày tỏ, hai vấn đề trên là hai vấn đề cơ bản và cốt lõi.

“Xếp lương thì không bao giờ là vừa, cứ bảo là cao nhất nhưng hình thức thì như vậy nhưng liệu có thực sự cao nhất hay không? GV phải đứng trước rất nhiều áp lực, thậm chí đến ngay cả mặc đồ gì lên lớp cũng không thể quá tuềnh toàng.

Vì thế, cần tìm hướng khác để cải thiện thu nhập của GV chứ không chỉ là tăng lương” - vị này cho biết.

Lương giáo viên sẽ ngang lương bác sĩ?

Tại Điều 81 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ GDĐT đề xuất: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Theo quy định hiện nay, mức lượng cao nhất là lương viên chức loại A3 nhóm 1, bao gồm kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên… cao cấp, có hệ số từ 6.2 đến 8.0.

Nếu được xếp mức lương cao nhất, giáo viên có thể hưởng lương tương đương với nhóm các bác sĩ, dược sĩ cao cấp, ngoài ra còn có thêm các phụ cấp thâm niên, ưu đãi khác. H.L

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại