Dự án được quy hoạch là trục ngang trong vùng, đi qua các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là tuyến đường xây dựng mới chạy dọc sông Hậu và song song với quốc lộ 91.
Theo thiết kế, tuyến cao tốc có tổng chiều dài 200km, điểm đầu tại thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang) và điểm cuối tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).
Với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 24,5m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 29.602,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 50% chi phí. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện từ 2023 - 2026.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải xem xét, xử lý những kiến nghị về đầu tư mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, xem xét, xử lý kiến nghị về chủ trương phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết nối các tỉnh trong khu vực với TP.HCM và nước bạn Campuchia, phát huy cả giao thông đường bộ và đường thủy, tháo gỡ nút thắt quan trọng cho phát triển KT-XH, thu hút đầu tư của vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm này.
Trong đó có việc đầu tư tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (An Giang) và đầu tư tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về chủ trương đầu tư đối với dự án kết nối đoạn Cao Lãnh - Mỹ An đấu nối vào tuyến N2 để phát huy hiệu quả của Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông, bảo đảm kết nối thông suốt tuyến N2 từ TP.HCM đến các tỉnh biên giới Tây Nam bộ; dự án đường cấp cao An Hữu - Cao Lãnh song hành với QL30 nhằm tạo tuyến đường ngang kết nối tuyến đường N2 và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai và dự án QLN1 (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp).
Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp Bộ Tài Chính và các bộ, ngành liên quan xác định danh mục các dự án đầu tư, xây dựng các cơ chế chính sách về tài chính để huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế xã hội trọng điểm của vùng.
Đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của vùng. Trong đó ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, đường thủy, cảng biển gắn với các đô thị trọng điểm của vùng.