Đề xuất phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ

Văn Kiên |

Với lý do “chẳng ai muốn đưa hối lộ, nhưng không đưa thì bị “bóp chết”, doanh nghiệp có thể bị phá sản”, một số đại biểu đề xuất giải pháp mạnh là phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ và chỉ xử lý tội nhận hối lộ.

“Tham nhũng như lũ chuột, sợ ánh sáng ban ngày”

Tại Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng”, ông Ngô Huy Cường, Khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng, tham nhũng hiện nay đang ở mức độ rất nghiêm trọng nên cần phải có giải pháp mạnh, mang tính đột phá.

Một trong những giải pháp đó được ông Cường nêu ra là đẩy mạnh hơn nữa sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

“Tham nhũng như lũ chuột sợ ánh sáng ban ngày. Chúng rất sợ sự công khai, minh bạch nên cần tăng cường sự công khai, minh bạch để chống tham nhũng”, ông Cường nói.

Đề xuất phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Một giải pháp đột phá nữa cũng được ông Cường nêu ra là bỏ tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Theo ông Cường, vì pháp luật vẫn quy định xử lý hình sự tội môi giới hối lộ và đưa hối lộ nên nhiều người không dám tố cao.

“Để tạo ra sự đột phá trong việc đấu tranh với loại tội phạm này, chúng ta nên nghiên cứu bỏ tội môi giới hối lộ và đưa hối lộ. Khi đó sẽ không ai dám nhận hối lộ nữa”, ông Cường nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khi soạn thảo Bộ luật Hình sự, cũng đã có ý kiến cần phải phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, vì không ai muốn đưa hối lộ cả.

Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, khi đi lấy ý kiến của dân về dự thảo trên, xuống địa phương thì toàn quan chức từ cấp cơ sở ngồi đó, và đương nhiên họ cho rằng cần hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, bởi bọn đấy là bọn tha hoá đội ngũ cán bộ công chức, phải trừng trị”.

“Tôi cho rằng cần phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, vì nhiều trường hợp người ta phải đưa, không đưa thì nó “bóp chết” người ta, doanh nghiệp người ta sẽ phá sản”, ông Quyền nói.

Kết luận đúng quy trình, sao vẫn phát hiện ra sai phạm

Ông Quyền cũng đề nghị xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

“Trong vụ Vinashine, Vinaline, đã có tới 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào nhưng không phát hiện ra gì, trong khi thực tế vi phạm lại cực kỳ nghiêm trọng”, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp phản ánh.

Cũng theo ông Quyền, khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, ông đã đề nghị đưa quy định vào, đó là” “Nếu đoàn thanh tra, kiểm toán đã vào, đã thanh tra và kiểm toán mà không phát hiện gì, nếu sau này các cơ quan khác phát hiện thì toàn bộ đội ngũ đó phải chịu kỷ luật và bị xử lý”. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa đưa vào.

“Các anh vào mãi, vào bao nhiêu đoàn, khéo có trường hợp sau này cầm phong bì rồi nhưng khi phát hiện ra lại chẳng chịu trách nhiệm gì, đó là có vấn đề”, ông Quyền phản ánh.

Cùng chung quan điểm, GS Trần Ngọc Đường, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, các vụ việc mà vừa qua được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận, thực tế đều đã được thanh tra cả rồi.

Ví dụ, vụ Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam) trước đó Bộ Nội vụ đã thanh tra và khẳng định đúng quy trình rồi đấy chứ.

Từ bất cập trên, ông Đường đề nghị, với những vụ việc cơ quan chức năng đã kết luận, xử lý rồi nhưng dư luận không đồng tình thì Uỷ ban MTTQ Việt Nam nên vào cuộc xem xét đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại