Tụi học sinh (nhất là những thành phần chuyên Tự nhiên) luôn có chung thắc mắc không biết tại sao dân chuyên Văn lại có thể phân tích bài làm dài hàng chục trang giấy chỉ trong 2 tiếng nhỉ?
Với những đề Văn, học sinh cần sử dụng trí tưởng tượng, sự quan sát của mình để phân tích tác phẩm cũng như những câu chuyện. Không ít đề thi, tụi học sinh đọc xong còn chưa hiểu tác giả muốn nói gì mà dân chuyên Văn đã "chém" lia lịa rồi.
Điển hình như đề Văn thi học sinh giỏi cấp thành phố Hà Nội của học sinh lớp 9, đọc xong ai cũng phải thốt lên "quá khó"!
Đề Văn thi học sinh giỏi lớp 9 ở Hà Nội
Đề thi gồm 02 câu hỏi như sau:
"Câu 1 (6 điểm)
Cô bé đi học về muộn, cha mẹ rất lo lắng. Khi thấy con gái về, người mẹ nhẹ nhàng hỏi:
- Con đã đi đâu và làm gì? - Con dừng lại giúp bạn con ạ! Xe đạp của bạn ấy bị hỏng. - Cô bé trả lời. - Nhưng con đâu có biết sửa xe? - Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc. (Phỏng theo Khóc giùm, http://www.vtvonline.vn)
Viết một bài văn nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện trên.
Câu 2 (14 điểm)
Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là “chủ ngữ”, còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là “vị ngữ”. (Trích Lí luận văn học, NXB Giáo dục, 2002)
Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Từ “chủ ngữ” mà em yêu thích, hãy làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của “vị ngữ trong một vài tác phẩm ở chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở."
Đúng là tầm cỡ của đề thi học sinh giỏi, đọc xong không hiểu nên phân tích từ đâu cho đúng (Ảnh minh hoạ)
Đọc xong đề Văn mà không biết nên phân tích từ đâu và như nào. Đúng là tầm cỡ của thi học sinh giỏi nên nó phải khác hẳn.
Rất nhiều học sinh đã để lại nhận xét về đề Văn này:
- "Bởi vậy mới thấy cái tầm của đi thi học sinh giỏi Văn cỡ nào. Đọc xong đề bài muốn sang chấn tâm lý thay cho mấy đứa đi thi".
- "Đọc đơn giản nhưng lại rất hack não. Ngày xưa vẫn luôn hâm mộ những đứa đi thi Văn viết được cả chục trang. Không biết các bạn ấy lấy đâu ra năng lượng mà viết nhiều dữ".
- "Hóng thang chấm điểm chứ đề này khó thật sự. Viết không khéo là lạc đề sớm ấy chứ".
- "Đọc đề xong muốn bỏ thi quá. Có ai như mình đọc hiểu đề bài nhưng không biết làm thế nào không".
Đọc xong đề mà xỉu up xỉu down vì độ khó
Dưới đây là phần bình luận của một dân mạng giải đề nhận được nhiều đồng tình nhất, bạn tham khảo đáp án nhé!
"- Đối với câu hỏi thứ nhất, có thể hiểu đơn giản rằng đôi khi con người cần 1 bờ vai để dựa vào lúc khó khăn, mệt mỏi bởi giá trị tinh thần động viên đồng cảm chia sẻ còn hơn giá trị vật chất nhiều lần.
Ngoài ra, câu chuyện nói về kỹ năng xử lý tình huống cần thiết trong cuộc sống, khi người thân, bạn bè bên cạnh ta đang buồn thì đừng tìm cách làm họ vui lên mà chỉ cần để họ khóc thật to sẽ vơi đi tâm trạng hiện tại. Bởi người ta hay có câu “tìm người bên cạnh bạn lúc vui rất dễ nhưng để có người khóc cùng bạn rất khó”.
- Còn câu hỏi thứ 2, nếu người bình thường thì chủ ngữ - vị ngữ là 1 câu còn đối với những “thánh” học chuyên Văn tthì câu hỏi có rất nhiều thứ để khai thác. Câu này chúng ta sẽ đi phân tích đề tài, chủ đề là gì; chủ ngữ, vị ngữ đóng vai trò gì trong câu. Tiếp đến là giải thích tại sao tác giả lại nói như vậy. Đồng thời đưa ra một số tác phẩm tiêu biểu để phân tích.
Có thể lập dàn ý một số chi tiết như sau:
+ Bố cục một lời phát biểu phải có đầy đủ 2 phần chính trong câu là chủ ngữ và vị ngữ. Nói dễ hiểu hơn là có đầu và có đuôi.
+ Tương tự như vậy, một tác phẩm phải có chủ đề, đề tài rồi mới tới phần nội dung.
+ Khi đọc 1 câu người ta sẽ đọc chủ ngữ trước, vị ngữ sau; cũng như khi cảm thụ tác phẩm, phải đi từ hình thức kết cấu (đề tài, chủ đề) rồi mới đến phương diện về nội dung.
+ Trong lời phát biểu nói riêng hay một tác phẩm nói chung, phần chủ - vị hay phần đề tài - nội dung luôn có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau để tạo nên một chỉnh thể thống nhất".