Sáng 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm.
Theo đó, nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền gửi của khách hàng với số tiền rất lớn; tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người đến gửi tiền chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc gửi tiết kiệm bị chuyển thành tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nêu nhiều người dân lên tiếng việc bị các công ty bảo hiểm, nhân viên công ty bảo hiểm che giấu thông tin, lợi dụng vị thế trong giao dịch dân sự để ký các hợp đồng bảo hiểm dài hàng trăm trang với nhiều nội dung bất lợi cho khách hàng, bán chéo sản phẩm bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn…
Bên cạnh đó, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống cũng như vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế.
" Đầu tháng 10/2022, sự kiện Tập đoàn An Đông và một số lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố điều tra cùng với các tin đồn trên mạng đã khiến người dân xếp hàng để rút tiền khỏi Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn. Việc này buộc Ngân hàng Nhà nước đặt Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn vào kiểm soát đặc biệt ", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu dẫn chứng và nhấn mạnh một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn gây bức xúc dư luận, giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng tài chính.
Cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp như nghiên cứu tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm của Bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi.
" Thanh tra, kiểm tra các hoạt động chào bán, tư vấn, giới thiệu sản phẩm tài chính của ngân hàng, đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật ", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy vượt cả nước phát triển và chưa đến tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, làm gia tăng thời gian, thủ tục và chi phí tuân thủ.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thêm về vấn đề này, qua đó để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất được thuận lợi, thông suốt và vẫn bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.