Đề nghị làm sáng tỏ Công ty Việt Á là ai mà có quyền lực chi phối lớn?

Văn Kiên |

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị làm sáng tỏ Công ty Việt Á là ai? Tại sao lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn đến như vậy?

Đề cập đến vụ án Việt Á trong phiên thảo luận tại Quốc hội, chiều 2/9, về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhấn mạnh, vụ án này không chỉ dừng lại ở nội dung làm thất thoát lãng phí kinh phí, tài sản công mà nó còn làm thất thoát lãng phí một loại tài sản khác có giá trị hơn và quan trọng hơn đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. Bởi lẽ có niềm tin là có tất cả, nhưng khi mất niềm tin thì nguy hại khôn lường.

Theo ông Tuấn, dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại khá nặng nề đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đến nay nước ta đã có hơn 43.000 người tử vong và gần 4.500 trẻ em phải chịu cảnh mồ côi. “Nỗi đau này sẽ mãi khắc ghi trong tâm trí của mọi người chúng ta”, ông Tuấn.

Điều khiến vị đại biểu đoàn Trà Vinh cảm thấy đau đớn nữa là trong khi cả hệ thống chính trị, nhất là khi đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả những người đã hy sinh tính mạng của mình để đổi lấy sức khỏe cho cộng đồng, lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất đến cùng cực.

Theo ông, những người này đã vô cảm trước nỗi mất mát của chính đồng bào mình. Họ đã biến mình thành những con “thiêu thân” lao vào “đống lửa” đầy tiền, trong số đó có cả những người có học hàm, học vị, những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ.

“Chỉ mới đây thôi, chính họ là những người được tôn vinh, có người còn được trao tặng Huân chương Lao động nhưng trong chớp mắt một cơn đại dịch COVID-19 đi qua, họ liền trở thành những phạm nhân từ những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy mưu hèn kế bẩn của Việt Á. Chính họ đã làm hoen ố chiếc áo màu blouse trắng thanh tao họ đang khoác trên người và cũng chính họ đã làm lãng phí niềm tin của nhân dân”, ông Tuấn bức xúc.

Còn bao nhiêu Việt Á khác len lỏi trong các ngành?

Khẳng định, những người làm sai sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng có 2 vấn đề, theo ông Tuấn rất cần được làm sáng tỏ:

Thứ nhất, có phải quy định pháp luật hiện hành còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật còn thiếu tính răn đe nên dẫn đến hàng loạt cán bộ ngành y sai phạm.

“Họ ở nhiều địa phương khác nhau, có cả ở bộ, ngành trung ương nhưng sai phạm lại giống nhau và nếu thật sự như thế thì ngoài ngành y còn có bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Vấn đề thứ hai được ông Tuấn đặt ra và đề nghị làm sáng tỏ, là Công ty Việt Á là ai? Tại sao họ lại có quyền lực chi phối và sức ảnh hưởng lớn đến như vậy?

Từ những câu hỏi trên, ông Tuấn đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng vừa bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại