Đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên dựa trên căn cứ nào?

Nguyễn Hưởng |

Theo các chuyên gia, việc kiến nghị, đề nghị của VKSND Tối cao về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là đúng thẩm quyền theo quy định của luật pháp.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại một phiên toà - Ảnh: Phạm Dũng

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại một phiên toà - Ảnh: Phạm Dũng

Ngày 13-1, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành kiến nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Cùng với đó, VKSND cũng đề nghị hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm về phần chia tài sản chung để xét xử sơ thẩm lại theo trình tự tố tụng.

Về tính pháp lý của kiến nghị nêu trên, Luật sư Trần Tuấn Anh, giám đốc công ty luật Minh Bạch, cho biết tại Điều 358 Bộ luật tố tụng dân sự, có quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, VKSND Tối cao có quyền đề nghị xem xét lại quyết định nói trên trong 3 trường hợp dưới đây:

1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định đó.

2. Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

3. Trường hợp có kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị đó.

Như vậy, theo luật sư Tuấn Anh, việc kiến nghị của VKSND Tối cao là đúng thẩm quyền theo quy định của luật pháp. Tuy nhiên, việc có hủy các bản án, quyết định Giám đốc thẩm hay không sẽ được xem xét tại Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Phiên họp này phải có sự tham dự của Viện trưởng VKSND Tối cao.

"Trong quá trình hành nghề của tôi, tôi chưa gặp vụ nào tương tự như thế này. Bởi đây chính là việc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm của chính mình"- luật sư Trần Tuấn Anh thông tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại