Hôm thứ Năm (10/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thời gian và địa điểm chính thức diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là vào ngày 12/6 tại Singapore.
Yonhap dẫn lời quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết quốc gia Đông Nam Á này là lựa chọn khá hợp lí bởi nó vừa thuận tiện về khoảng cách địa lí đối với Bình Nhưỡng, lại vừa là địa điểm trung lập về chính trị.
Tuy nhiên, theo Straits Times, phái đoàn ông Kim Jong-un có thể sẽ gặp vài khó khăn về hậu cần khi chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Kể từ khi trở thành lãnh đạo Triều Tiên năm 2011, ông Kim chỉ mới thực hiện duy nhất một chuyến công du bằng máy bay - và đó là chuyến thăm không chính thức trong hai ngày 7 và 8/5 vừa qua của ông tới thành phố Đại Liên, Trung Quốc để hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Kim đã di chuyển tới Đại Liên trên chiếc máy bay tầm xa Illyushin Il-62M, cùng chiếc máy bay vận tải quân sự Illyushin Il-76MD được cho là chở theo xe limousine riêng của ông.
Ông Andray Abrahamian, một nhà nghiên cứu thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS cho biết: "Chuyến thăm Đại Liên của ông Kim rất có thể là một chuyến diễn tập [trước thượng đỉnh Mỹ-Triều]".
Chỉ cách sân bay Sunan của Bình Nhưỡng khoảng 4.700 km, Singapore hoàn toàn nằm trong phạm vi tầm bay của chiếc Il-62. Chiếc máy bay 4 động cơ thời Xô Viết này ra mắt hồi thập niên 70 của thế kỉ trước, và có tầm bay tối đa lên tới 10.000 km.
Tuy nhiên chiếc máy bay vận tải Il-76 lại không thể bay xa đến thế. Nếu chở tối đa tải trọng, nó chỉ có thể bay được xa nhất là 3.000 km và phải tiếp nhiên liệu giữa chặng để tiếp tục hành trình. Như vậy, theo Straits Times, chiếc Il-76 sẽ phải hạ cánh tại một quốc gia trên lộ trình bay như Việt Nam để tiếp nhiên liệu trước khi tới Singapore, hoặc phải chấp nhận giảm tải trọng.
Mẫu máy bay vận tải Il-76 được thiết kế để chở những máy móc to và nặng tới các địa điểm của Liên Xô. Nó có khả năng chở được kiện hàng to cỡ xe buýt, hoặc 2 container vận tải thông thường.
Tuy nhiên mẫu máy bay vận tải này đã gặp một số sự cố về an toàn. Gần đây nhất là vụ tai nạn máy bay tại Algeria, khiến 257 người, đa phần là quân nhân thiệt mạng.
Khác với người cha và ông nội thích di chuyển bằng tàu hỏa vì sợ gặp tai nạn máy bay, ông Kim dường như không hề có nỗi sợ này. Tuy nhiên việc di chuyển khoảng cách khá xa bằng đường hàng không có thể đặt ra nhiều thách thức lớn trong việc vận chuyển các thiết bị liên lạc và an ninh, cùng với đội ngũ tháp tùng ông Kim trong thời gian diễn ra hội nghị.
Ông Lee Yun-keok, một người đào tẩu từng phục vụ chính phủ Triều Tiên và nay là người đứng đầu Trung tâm Dịch vụ Thông tin Chiến lược Triều Tiên tại Seoul, cho biết phái đoàn tùy tùng của ông Kim sẽ có khoảng vài chục nhân viên an ninh mang theo thiết bị đặc dụng.
Ngoài các hạn chế về phương tiện, thì nhiên liệu cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Để đến được Singapore, mỗi chiếc máy bay của ông Kim sẽ cần tiêu thụ khoảng 50 tấn nhiên liệu, tức hai chiếc phải dùng khoảng 200 tấn nhiên liệu cho cả chiều đi và về.
Bình Nhưỡng đang phải chịu các lệnh trừng phạt hà khắc của Liên Hợp Quốc nhằm vào các hoạt động nhập khẩu, nên loại nhiên liệu này cũng bị hạn chế tối đa.
Trong khi đó, Trung Quốc, đầu mối xuất khẩu nhiên liệu chính của Triều Tiên, chỉ xuất 3 tấn nhiên liệu máy bay cho nước này hồi tháng 3, và không xuất khẩu trong 2 tháng trước đó, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Triều Tiên có thể đã mua thêm nhiên liệu khi tới Trung Quốc hay Nga, và dự trữ một lượng lớn nguyên liệu để sử dụng cho các loại máy bay và chương trình tên lửa của họ.
Hành trình tới bàn đàm phán của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un